Cứu sống bệnh nhân người Nhật Bản bị nhồi máu cơ tim cấp

Qua khám lâm sàng và kết quả điện tim, men tim, siêu âm tim, các bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp. Nhồi máu cơ tim cấp là tình trạng rất nguy hiểm, có thể dẫn tới tử vong.
Cứu sống bệnh nhân người Nhật Bản bị nhồi máu cơ tim cấp ảnh 1Các bác sỹ thăm khám cho bệnh nhân người Nhật Bản. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Các bác sỹ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa cứu sống một bệnh nhân người Nhật Bản (65 tuổi), là giáo viên giảng dạy tiếng Nhật tại Việt Nam.

Phó giáo sư Nguyễn Hữu Ước - Giám đốc Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực cho biết, ngày 1/11, bệnh nhân vào viện do chấn thương ngực kín, gãy xương đòn trái và di lệch nhiều do tai nạn xe máy.

[Phát động cuộc thi phóng sự phát thanh, truyền hình về ngành y tế]

Người bệnh có tiền sử các bệnh lý nguy cơ tim mạch cao như: đái tháo đường, gout và đã được mổ đại tràng cách đây 30 năm.

Sau khi nhập viện vì tai nạn giao thông, ngày 4/11, các bác sỹ đã tiến hành mổ kết hợp xương đòn cho ông. Đến chiều 4/11, bệnh nhân sau mổ có tình trạng huyết áp tụt, đã dùng thuốc trợ tim vận mạch liều cao, bệnh nhân có triệu chứng vã mồ hôi, đau ngực trái, monitoring theo dõi có ngoại tâm thu thất dày.

Qua khám lâm sàng và kết quả điện tim, men tim, siêu âm tim, các bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp. Nhồi máu cơ tim cấp là tình trạng rất nguy hiểm, có thể dẫn tới tử vong.

Thạc sỹ Lê Nhật Tiên - Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực cho biết, bệnh nhân đã được chụp mạch vành để chẩn đoán cấp cứu, phát hiện bị tắc cấp động mạch vành phải, hẹp 80% động mạch mũ, 50% động mạch liên thất trước. Ekip can thiệp mạch vành nhanh chóng can thiệp cấp cứu, đặt 2 stent động mạch vành phải - động mạch thủ phạm gây nhồi máu cơ tim trong đêm, thời gian can thiệp 30 phút.

Sau can thiệp, bệnh nhân tỉnh táo và có thể tự thở, mạch huyết áp ổn, đã ngưng sử dụng thuốc trợ tim. Bệnh nhân không còn cảm thấy đau ngực, vận động bình thường tại giường./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục