Ngày 21/8, Bệnh viện Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết sau 2 tuần điều trị tích cực, ông N.V.T (43 tuổi, ở thành phố Vũng Tàu) trước đó bị biến chứng, ngưng tim 2 lần do sử dụng thuốc “gia truyền” mua trên mạng đã được các bác sỹ cứu sống.
Ông N.V.T mắc bệnh tiểu đường, đã thăm khám tại bệnh viện và được bác sỹ chỉ định chích thuốc tiểu đường. Tuy nhiên, ông T không tuân thủ phác đồ điều trị và nghe theo quảng cáo nên mua thuốc trị tiểu đường “gia truyền” trên mạng về uống.
Đến tối 8/8, ông T có biểu hiện đau bụng, nôn ói. Sáng 9/8, ông bị đau bụng dữ dội và được người nhà đưa vào Bệnh viện Vũng Tàu cấp cứu.
Tại bệnh viện, trong thời gian làm xét nghiệm máu nhập viện, ông T đột ngột ngưng tim, được hồi sức tim thành công và chuyển lên khoa Hồi sức tích cực-Chống độc.
Tại đây, ông T tiếp tục ngưng tim lần 2 và được hồi sức thành công.
Theo các y, bác sỹ, trong thành phần thuốc “gia truyền” trên nghi có chất Phenformin.
Bác sỹ Văn Viết Thắng, Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc cho biết Phenformin là chất bị cấm sử dụng trên toàn thế giới.
Việc sử dụng thuốc có thành phần Phenformin ban đầu sẽ làm bệnh nhân hạ đường huyết. Tuy nhiên, Phenformin hay gây biến chứng và thường là các biến chứng nặng nề, khả năng tử vong rất cao nếu bệnh nhân không được cấp cứu, điều trị kịp thời tại các cơ sở y tế có các điều kiện về hồi sức tích cực chuyên sâu.
Sau 2 tuần điều trị, chăm sóc tích cực, lọc máu, thở máy, sử dụng thuốc hỗ trợ tim mạch, sức khỏe ông N.V.T đã dần ổn định. Đến nay, ông được rút nội khí quản, cai máy thành công, ngưng sử dụng thuốc hỗ trợ tim mạch và đang tiếp tục theo dõi, điều trị tại khoa.
Thạc sỹ, bác sỹ Vũ Thị Phương Nga, Trưởng khoa Hồi sức tích cực-Chống độc cho biết thêm, việc sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc rất nguy hiểm. Khi vào cơ thể, thuốc được đào thải qua gan và thận.
Nếu thuốc có những thành phần độc hại sẽ làm tổn thương gan, thận, nguy hiểm tính mạng. Do đó, người dân tuyệt đối không được tự ý sử dụng các bài thuốc trôi nổi trên thị trường./.
Cảnh sát dùng xe đặc chủng đưa bé trai người Nhật Bản đi cấp cứu kịp thời
Tổ công tác trên cao tốc Hà Nội-Hải Phòng chở gia đình gồm ba thành viên mang quốc tịch Nhật Bản, trong đó có bé K.S. có dấu hiệu nghi ngộ độc thực phẩm tới bệnh viện điều trị kịp thời.