Cứu sống bệnh nhân hẹp 3 nhánh mạch vành có nhóm máu hiếm

Trung tâm Tim mạch thuộc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa phẫu thuật thành công trường hợp bệnh nhân hẹp 3 nhánh mạch vành có nhóm máu hiếm bằng kỹ thuật truyền máu hoàn hồi.
Êkíp phẫu thuật cho bệnh nhân ngày 11/11. (Ảnh: TTXVN phát)

Trung tâm Tim mạch thuộc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa phẫu thuật thành công trường hợp bệnh nhân hẹp 3 nhánh mạch vành có nhóm máu hiếm bằng kỹ thuật truyền máu hoàn hồi.

Ngày 23/11, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, dấu hiệu sinh tồn ổn định, vết mổ khô.

Bệnh nhân Dương Văn M. (sinh năm 1964, ngụ tại Cần Thơ) nhập viện ngày 20/10, trong tình trạng đau ngực trái nhiều. Kết quả chụp động mạch vành có cản quang cho thấy, bệnh nhân bị hẹp thân chung, hẹp nặng 3 nhánh động mạch vành.

Đặc biệt, qua xét nghiệm, nhóm máu bệnh nhân thuộc nhóm máu hiếm O/ Rh(-). Bệnh nhân còn có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường tuýp 2.

Rh(-) là nhóm máu hiếm, trong 10.000 người chỉ có 4-7 người có cùng nhóm máu Rh(-) với người bệnh. Nhóm máu Rh(-) phổ biến ở người châu Âu, rất hiếm ở chủng tộc châu Á, nhất là nhóm máu O, Rh(-).

[Cứu sống bệnh nhân nguy kịch, đa chấn thương do bị ngã từ thác cao]

Sau khi hội chẩn, các bác sỹ quyết định phẫu thuật cầu nối chủ - vành (4 cầu) cho bệnh nhân. Do bệnh nhân có nhóm máu hiếm nên bên cạnh việc huy động nguồn máu từ Bệnh viện Huyết học Truyền máu Cần Thơ, các bác sỹ còn sử dụng phương pháp truyền máu hoàn hồi bằng hệ thống máy Cell Saver.

Đây là phương pháp hiện đại, bệnh nhân được truyền lại lượng máu bị mất đi của chính mình trong quá trình phẫu thuật, sau khi máu được xử lý loại bỏ các chất đệm hồng cầu, hemoglobin tự do trong huyết tương, các chất chống đông máu, các yếu tố đông máu, kali ngoại bào...

Ngày 23/11, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, dấu hiệu sinh tồn ổn định, vết mổ khô.

Bệnh nhân Dương Văn M. (sinh năm 1964, ngụ tại Cần Thơ). (Ảnh: TTXVN phát)

Theo bác sỹ Chuyên khoa II Lâm Việt Triều, Trưởng êkíp phẫu thuật, truyền máu tự thân có nhiều ưu điểm, như nhanh chóng xử lý lượng máu mất đi nhằm kịp thời truyền lại cho bệnh nhân, rút ngắn thời gian bù lượng máu mất trong các trường hợp cấp cứu tối khẩn cấp; không có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm; không bị phản ứng, biến chứng do truyền máu, giảm áp lực cho ngân hàng máu...

Bác sỹ Nguyễn Thị Minh Thy, Trưởng khoa Huyết học truyền máu, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ khuyến cáo, người dân cần quan tâm đến sức khỏe bản thân, động viên người thân xét nghiệm để biết chính xác nhóm máu của mình.

Nếu bản thân thuộc nhóm máu hiếm Rh (-) nên thông báo với cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt khi truyền máu và chăm sóc thai kỳ; tham gia “Câu lạc bộ người có máu hiếm” để chia sẻ thông tin và hỗ trợ hiến máu khi bệnh nhân cần truyền máu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục