Bệnh nhân bị bức tường đổ đè lên người, gây đa chấn thương kèm rối loạn đông máu, nguy kịch tính mạng, đã được các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cấp cứu thành công nhờ phương pháp nút mạch.
Bệnh nhân D.C (nam, 54 tuổi, Kiên Giang) nhập viện ngày 5/3 trong tình trạng gãy xương đùi phải, vỡ niệu đạo sau, vỡ xương chậu do bị tường đè trong quá trình thi công nhà.
Qua thăm khám, bác sỹ nhận thấy bệnh nhân bị chảy máu nội tạng nhiều nơi. Ngoài ra, xét nghiệm cho thấy bệnh nhân có toan chuyển hóa, rối loạn đông máu, cầm máu, giảm tiểu cầu... tiên lượng tử vong cao.
Sau khi hội chẩn cấp với nhiều chuyên khoa khác nhau cấp cứu, ngoại chấn thương, ngoại niệu, ngoại tổng quát, ngoại thần kinh, gây mê hồi sức, can thiệp mạch..., các bác sỹ quyết định can thiệp cầm máu các tạng số hóa nền (nút mạch) để cấp cứu bệnh nhân. Đây được đánh giá là phương pháp xâm lấn tối thiểu-điều trị tối đa.
Êkíp can thiệp mạch do bác sỹ chuyên khoa I Trần Công Khánh - Phó Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh và cộng sự tiến hành chụp, phát hiện nhiều ổ thoát mạch xuất phát từ động mạch bàng quang.
Các bác sỹ tiến hành luồn chọn lọc vào động mạch bàng quang, chụp xác định vị trí và bơm tắc mạch máu. Sau can thiệp, tình trạng bệnh nhân tiến triển tốt, mạch và huyết áp ổn định dần, tình trạng chung bệnh nhân cải thiện rõ.
[Cứu sống người đàn ông bị tăm đâm xuyên dạ dày qua gan]
Sáng 6/3, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, mạch, huyết áp ổn định. Bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và điều trị tại khu hậu phẫu-Khoa Gây mê hồi sức.
Theo bác sỹ Trần Công Khánh, phương pháp nút mạch cầm máu điều trị chấn thương nội tạng, bảo tồn tối đa cơ quan nội tạng bị tổn thương, giúp bệnh nhân tránh được cuộc đại phẫu với nhiều biến chứng nguy hiểm...
Nút mạch cầm máu là sự gây tắc mạch bằng đường nội mạch dùng những chất gây tắc. Bác sỹ sẽ sử dụng hệ thống máy chụp số hóa xóa nền để thực hiện thủ thuật nút động mạch cầm máu.
Khi bị tổn thương động mạch hoặc các tạng như gan, thận, lách… do tai nạn giao thông, tai nạn trong lao động, sinh hoạt, bệnh nhân sẽ gặp phải nguy cơ mất máu. Kéo theo đó là một loạt các biến chứng nghiêm trọng như rối loạn hoạt động các chức năng sống của cơ thể, rối loạn đông máu, suy phủ tạng và dẫn đến tử vong.
Thông thường, bệnh nhân sẽ được chỉ định mổ cấp cứu để xử lý các tổn thương. Tuy nhiên, với phương pháp nút mạch cầm máu trong chấn thương, bệnh nhân sẽ không phải trải qua những cuộc đại phẫu cắt gan, thận, lách… kéo dài hàng giờ, tiềm ẩn biến chứng trong và sau phẫu thuật nguy hiểm như sốc mất máu, nhiễm trùng vết mổ… Đây là phương pháp can thiệp ít xâm lấn an toàn, hiệu quả, được ứng dụng sâu rộng trên thế giới và một số bệnh viện tuyến Trung ương./.