Ngày 22/1, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, Khoa Tim mạch can thiệp của bệnh viện vừa cứu sống một bệnh nhân bị ngưng tim do nhồi máu cơ tim cấp.
Bệnh nhân N.V.N (57 tuổi, trú tại Hậu Giang) nhập viện ngày 21/1 trong tình trạng ngừng tuần hoàn, ngừng thở, mạch = 0, huyết áp = 0. Người nhà cho biết bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp và hút thuốc lá nhiều năm với số lượng nhiều.
Ngay lập tức, kíp trực của Khoa Cấp cứu tiến hành cấp cứu hồi sinh tim phổi, xoa bóp tim ngoài lồng ngực, sốc điện, đặt nội khí quản, bóp bóng hỗ trợ hô hấp, dùng thuốc vận mạch, chống loạn nhịp và kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện.
Sau 3 lần sốc điện, bệnh nhân có nhịp tim trở lại nhưng hôn mê, phải thở bằng nội khí quản. Bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp thành trước giờ thứ ba có biến chứng ngưng tim do rối loạn nhịp (rung thất), được chỉ định can thiệp mạch vành cấp cứu.
Kết quả chụp mạch vành cho thấy bệnh nhân bị tắc hoàn toàn nhánh động mạch liên thất trước do vỡ mảng xơ vữa kèm nhiều cục máu đông.
Ê kíp can thiệp đã sử dụng kỹ thuật hút cục máu đông, đặt ống mở rộng lòng mạch bị tắc hẹp với kích thước (4x34mm). Sau 40 phút can thiệp, mạch vành của bệnh nhân đã được thông.
Hiện tình trạng sức khỏe của bệnh nhân cải thiện rõ rệt, sinh tồn ổn định, tri giác gần như bình thường, được chỉ định rút ống nội khí quản. Bệnh nhân được chuyển đến Khoa Tim mạch can thiệp để tiếp tục theo dõi và điều trị nội khoa tích cực và dự kiến ra viện trong vài ngày tới.
Đặc biệt, đây là trường hợp bệnh nhân sau khi nhồi máu cơ tim cấp có biến chứng ngưng tim ngưng thở, nhưng nhờ được cấp cứu và can thiệp kịp thời nên đã không để lại di chứng tổn thương não, các thông số huyết động và siêu âm tim kiểm tra ghi nhận chức năng cơ tim được bảo tồn.
Theo bác sỹ Trần Văn Triệu, Khoa Tim mạch can thiệp Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, nhồi máu cơ tim là tình trạng tắc hoàn toàn một hoặc nhiều nhánh động mạch vành - động mạch cung cấp máu nuôi tim một cách đột ngột, làm chết tế bào cơ tim.
Nhồi máu cơ tim có những biến chứng nguy hiểm nếu không xử lý kịp thời bệnh nhân có thể tử vong bất cứ lúc nào.
Các trường hợp bệnh nhân bị ngưng tim ngưng thở nếu không kịp thời thực hiện tốt quy trình cấp cứu hồi sinh tim phổi thì dù có cứu sống cũng để lại nhiều di chứng nghiêm trọng như sống đời thực vật hoặc suy tim sau này.
Nhồi máu cơ tim có thể phòng ngừa được bằng cách điều trị tích cực các bệnh lý tim mạch liên quan kết hợp với điều chỉnh lối sống khoa học lành mạnh như hạn chế các loại chất béo có hại có nhiều trong mỡ, da, phủ tạng động vật, các loại thịt đỏ (thịt lợn, thịt bò, thịt dê), lòng đỏ trứng; ăn giảm muối và tăng cường bổ sung chất xơ và các vitamin có nhiều trong rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt; không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê; tập luyện thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày./.