Bác sỹ Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Hồi sức tích cực-Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết ngày 10/1, bé Lê Nguyễn Nguyệt Cát (2 tuổi, ngụ tổ 2, phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) được người nhà đưa đến bệnh viện trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở.
Sau thăm khám, các bác sỹ phát hiện bé bị sặc thạch rau câu (thạch rau câu quá to, bít hết đường thở của bệnh nhi). Não của bé bị phù do bị ngưng tim quá lâu.
Sau 10 ngày phải thở bằng máy và rơi vào tình trạng hôn mê sâu, sáng 19/1, tay, chân của bé Lê Nguyễn Nguyệt Cát (2 tuổi, ngụ tổ 2, phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đã cử động được.
Các bác sỹ cũng bắt đầu tập cho bệnh nhi tự thở mà không cần sự hỗ trợ của máy.
Trong thời gian điều trị, ngoài việc giúp bé thoát khỏi trạng thái hôn mê sâu, các bác sỹ còn tiến hành điều trị phù não. Đến thời điểm này, chứng phù não của bé Nguyệt Cát đã không còn.
Bác sỹ Nghĩa cho biết thêm, năm 2014, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cũng đã cứu sống một bệnh nhi bị thạch rau câu bít hết đường thở.
Cuối năm 2014, trên địa bàn Đồng Nai có một trẻ tử vong vì thạch rau câu.
Bác sỹ Nghĩa khuyến cáo thạch rau câu là thức ăn mềm, trơn, trẻ khoảng 2 tuổi khi ăn thường không biết nhai. Do cổ họng trẻ nhỏ nên thạch rau câu dễ mắc tại đây và gây sặc.
Các bậc phụ huynh có con khoảng 2 tuổi tốt nhất không để trẻ tự ăn thạch rau câu./.