Cứu rừng bằng Trí tuệ Nhân tạo

Nạn phá rừng đang là thách thức lớn và nghiêm trọng. Thế giới đã mất 1/3 diện tích rừng trong 10.000 năm qua - lớn gấp đôi diện tích nước Mỹ. Hơn một nửa trong số này đã biến mất trong thế kỷ qua.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hậu quả của biến đổi khí hậu đang ngày càng nặng nề và rõ nét, ảnh hưởng khôn lường đến cuộc sống của con người.

Rừng được ví như “lá phổi của hành tinh” và các nghiên cứu cũng cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của rừng trong ứng phó với biến đổi khí hậu nhờ khả năng hấp thu lượng khí thải khổng lồ.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là lá phổi ấy đang “kêu cứu” vì chính các tác động của biến đổi khí hậu và hành vi của con người. Trong bối cảnh đó, Liên hợp quốc đã chọn chủ đề cho Ngày Quốc tế Rừng (21/3) năm nay là “Rừng và đổi mới: Giải pháp mới cho thế giới tốt đẹp hơn” với mong muốn thúc đẩy các giải pháp công nghệ mới để bảo tồn và phát triển rừng trên thế giới.

Nạn phá rừng đang là thách thức lớn và nghiêm trọng. Thế giới đã mất 1/3 diện tích rừng trong 10.000 năm qua - lớn gấp đôi diện tích nước Mỹ. Hơn một nửa trong số này đã biến mất trong thế kỷ qua.

Giảm nạn phá rừng và suy thoái rừng, cũng như khôi phục và quản lý rừng bền vững là giải pháp quan trọng để đáp ứng các mục tiêu toàn cầu năm 2030. Mặc dù tốc độ phá rừng đã chậm lại, nhưng vẫn có hơn 420 triệu ha rừng biến mất kể từ năm 1990.

Hằng năm, 10 triệu ha rừng bị mất do phá rừng và khoảng 70 triệu ha do ảnh hưởng của hỏa hoạn. Một nghiên cứu mới cho thấy một nửa diện tích rừng nhiệt đới Amazon có thể biến thành đồng cỏ hoặc hệ sinh thái bị suy yếu trong những thập niên tới, khi biến đổi khí hậu, nạn phá rừng và hạn hán nghiêm trọng như hiện nay gây thiệt hại ở những khu vực rộng lớn vượt quá khả năng phục hồi của rừng.

Thực trạng này cho thấy cần phải đổi mới công nghệ cho các hệ thống cảnh báo sớm về cháy và mất rừng, cũng như để tạo điều kiện cho sản xuất hàng hóa bền vững.

Trong thời đại Trí tuệ Nhân tạo (AI) nở rộ hiện nay, việc dùng AI để “cứu” và bảo vệ rừng đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Thực tế, đổi mới và công nghệ đã thay đổi cách thức giám sát và báo cáo về rừng của nhiều quốc gia.

Nhờ hoạt động giám sát rừng một cách sáng tạo và minh bạch, 13,7 tỷ tấn CO2 (từ việc giảm hoặc tăng lượng phát thải) trong rừng đã được báo cáo. Tại Brazil, công cụ PrevisIA được sử dụng khá hiệu quả trong việc dự đoán và cảnh báo các địa điểm phá rừng tiếp theo (trước khi xảy ra), giúp các nhà bảo tồn rừng Amazon ngăn chặn các vụ phá rừng "từ sớm, từ xa."

Bên cạnh nạn phá rừng, suy thoái rừng cũng là vấn đề không nhỏ. Việc sử dụng các công nghệ tiên tiến, như AI và viễn thám, đã được triển khai để tìm cách bảo tồn rừng.

Từ năm 2023, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và Anh đã phối hợp triển khai AIM4Forests (Tăng tốc giám sát rừng đổi mới), một chương trình kéo dài 5 năm nhằm tăng cường giám sát rừng thông qua các công nghệ hiện đại, đổi mới kỹ thuật và sử dụng dữ liệu không gian và viễn thám, như một phần trong nỗ lực toàn cầu nhằm ngăn chặn phá rừng, suy thoái rừng và phục hồi rừng.

Đổi mới công nghệ có thể trao quyền cho người dân bản địa, những người trông coi phần lớn diện tích rừng nguyên sinh còn lại trên thế giới, thông qua việc lập bản đồ và đảm bảo đất đai truyền thống, cũng như tạo điều kiện tiếp cận tài chính khí hậu.

Tại Australia, tổ chức tái tạo thiên nhiên ClimateForce đang nghiên cứu phát triển một nơi thử nghiệm các kỹ thuật tái sinh nhiệt đới tại một phần của Rừng mưa nhiệt đới Daintree, được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. ClimateForce hợp tác, sử dụng công nghệ Nền tảng quản lý thông minh dựa trên AI của NTT Data để tạo ra "rừng nhiệt đới thông minh" đầu tiên trên thế giới, nhằm mục đích tái tạo một phần khu rừng nhiệt đới Daintree vốn bị chặt phá để làm nông nghiệp từ nhiều thập niên trước, tiến tới thiết lập các mô hình phục hồi môi trường sinh thái bền vững mà vẫn tiết kiệm được nhiều chi phí.

Mục đích quan trọng khác là hỗ trợ khả năng phục hồi kinh tế của cộng đồng bản địa, những người trông coi rừng. Tầm nhìn của dự án là cung cấp các khuôn khổ, phương pháp và các hệ thống sẽ hỗ trợ nông dân, người bản địa và cộng đồng nông thôn.

Ông Barney Swan, đồng sáng lập tổ chức từ thiện tái tạo thiên nhiên ClimateForce và là con trai của nhà thám hiểm vùng cực nổi tiếng người Anh Robert Swan, khẳng định cần có các mô hình mạnh mẽ hơn để tăng tốc bảo tồn, thúc đẩy nền kinh tế xanh trong tương lai và đa dạng hóa việc sử dụng đất độc canh.

Bên cạnh đó, ClimateForce cũng sử dụng bản đồ GIS theo dõi tình trạng của cây rừng và "lắng nghe" sức khỏe các khu rừng để thu thập dữ liệu quan trọng hỗ trợ thị trường đa dạng sinh học đang phát triển mạnh mẽ.

Bản đồ GIS là phần mềm hỗ trợ người dùng tạo bản đồ thông minh, tương tác trực quan hóa thông tin không gian và giúp đưa ra các quyết định ứng phó tốt hơn và khôn ngoan hơn.

Tại Việt Nam, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhiều địa phương đã đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học - công nghệ trong bảo vệ rừng tại các vườn quốc gia thông qua việc sử dụng flycam, camera tích hợp AI giám sát cháy rừng, thực hiện "giám sát từ trên cao"...

Việc ứng dụng công nghệ thu thập dữ liệu về độ cao, độ đa dạng của rừng và các dữ liệu khác nhau để xác định tình trạng của rừng và phát hiện sớm các dấu hiệu của cháy rừng,... giúp giảm thiểu nhân lực, tiết kiệm thời gian so với các phương pháp giám sát rừng truyền thống.

Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow (Anh) năm 2021, các nhà lãnh đạo thế giới đã cam kết hợp tác để ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất rừng và suy thoái đất vào năm 2030, sử dụng đất bền vững đồng thời bảo tồn, bảo vệ, quản lý và phục hồi rừng cũng như các hệ sinh thái trên cạn khác bền vững.

Nhân Ngày Quốc tế Rừng 2024, Liên hợp quốc muốn thúc đẩy các giải pháp đổi mới để bảo vệ rừng. Những sáng kiến như ClimateForce hay AIM4Forests cho thấy việc tận dụng sức mạnh của trí tuệ nhân tạo trong hoạt động bảo tồn, phát triển và quản lý rừng đang đem lại hiệu quả.

Bên cạnh đó, những đổi mới về công nghệ, xã hội, chính sách, thể chế và tài chính là chìa khóa để đảm bảo cung cấp và sử dụng bền vững các dịch vụ hệ sinh thái rừng, bảo vệ môi trường sống của cả con người và tài nguyên thiên nhiên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục