Ngày 24/5, Cựu Ngoại trưởng Anh và hiện là nghị sỹ đảng Bảo thủ Boris Johnson đã khẳng định sẽ tranh cử chức Thủ tướng chỉ vài giờ sau khi bà Theresa May thông báo sẽ từ chức.
Phát biểu tại một hội thảo kinh tế ở Thụy Sĩ, ông Johnson đã thể hiện sự kính trọng đối với bà May, nhấn mạnh nữ chính khách này đã rất "kiên nhẫn và chịu đựng" khi đối mặt với mọi khó khăn xung quanh tiến trình Anh rời khỏi EU, còn gọi là Brexit.
Ông cho rằng vị thủ tướng tiếp theo của nước Anh có thể sẽ cứu vãn các cuộc đàm phán vốn đã bế tắc với EU về thỏa thuận "ly hôn."
Cựu Ngoại trưởng Anh nhận định nhà lãnh đạo mới sẽ có "cơ hội làm mọi thứ theo một cách khác và sẽ có động lực lãnh đạo từ một chính quyền mới."
Ông Johnson cũng đánh giá nước Anh cần chuẩn bị việc rời khỏi EU mà không có thỏa thuận nếu nước này buộc phải đàm phán về một thỏa thuận ra đi hợp lý.
Ông nêu rõ: "Chúng ta sẽ ra khỏi EU vào ngày 31/10, kèm một thỏa thuận hoặc không có thỏa thuận nào. Cách tốt nhất để đạt được một thỏa thuận tốt là chuẩn bị cho phương án không có thỏa thuận."
Trong khi đó, tờ Farnham Herald dẫn phát biểu của Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt tuyên bố sẽ trở thành ứng cử viên cho vị trí lãnh đạo của đảng Bảo thủ cầm quyền sau tuyên bố từ chức của bà May.
[EU không thay đổi lập trường trong đàm phán với Anh về Brexit]
Trước đó, cùng ngày, Thủ tướng May thông báo bà sẽ từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ vào ngày 7/6 tới sau khi không thể thuyết phục các nghị sỹ ủng hộ thỏa thuận nước Brexit mà bà đạt được với EU hồi cuối năm ngoái.
Quyết định của bà May sẽ mở đường cho đảng Bảo thủ bầu lãnh đạo mới và nước Anh sẽ có một Thủ tướng mới.
Người kế nhiệm Thủ tướng May sẽ được lựa chọn theo tiến trình gồm hai giai đoạn, theo đó hai ứng cử viên cuối cùng sẽ đối mặt với một cuộc bỏ phiếu kín của 125.000 thành viên đảng Bảo thủ.
Bà May sẽ là Thủ tướng tạm quyền của Anh trong suốt cuộc bầu cử lãnh đạo đảng Bảo thủ dự kiến kéo dài khoảng 6 tuần.
Trước quyết định trên của bà May, Thủ tướng Ireland Leo Varadkar đã cảnh báo việc lựa chọn một Thủ tướng mới tại Anh có thể dẫn tới một giai đoạn mới trong tiến trình đàm phán về Brexit, song điều này lại có thể "rất nguy hiểm" đối với Ireland.
Trao đổi với hãng tin Virgin Media, Thủ tướng Varadkar nêu rõ: "Chúng ta có thể mường tượng về một Thủ tướng mới đắc cử có quan điểm hoài nghi châu Âu, muốn từ bỏ thỏa thuận Brexit và để Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận, hoặc... một chính phủ Anh mới mong muốn một mối quan hệ gần gũi hơn với EU và tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai."
Tuy nhiên, ông khẳng định dù bất cứ điều gì xảy ra, Ireland vẫn bình tĩnh và sẽ củng cố, xây dựng các liên minh trên khắp EU.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bày tỏ tôn trọng trước quyết định ra đi của người đồng cấp May, đồng thời khẳng định Berlin sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với London để đảm bảo tiến trình Brexit diễn ra một cách có trật tự.
Theo nhà lãnh đạo này, việc Anh rời khỏi EU là một quá trình chuyển tiếp lớn và bất chấp điều gì xảy ra hiện nay tại Anh, Chính phủ Đức sẽ làm mọi thứ để đảm bảo một sự ra đi có trật tự, cũng như một mối quan hệ đối tác tốt đẹp./.