19 cựu lãnh đạo trên thế giới đã kêu gọi Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ủng hộ việc đánh thuế đối với tỷ phú toàn cầu.
Trong một bức thư ngỏ, các cựu lãnh đạo thế giới cho rằng việc G20 đưa ra được một thỏa thuận toàn cầu về đánh thuế những người siêu giàu sẽ là một cú hích lớn đối với chủ nghĩa đa phương, khi điều này chứng minh được rằng các nền kinh tế có thể hợp tác với nhau vì lợi ích chung.
Những người ký thư kêu gọi hợp tác để ngăn chặn tình trạng người giàu trốn thuế. Trong thư, các cựu lãnh đạo cũng đánh giá cao đề xuất của Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc đánh thuế thu nhập đối với tỷ phú.
Trong số những người ký tên trong thư có cựu Tổng thống Chile Michelle Bachelet cùng cựu Thủ tướng Australia Julia Gillard, cựu Thủ tướng Hàn Quốc Han Seung Soo, cựu Thủ tướng Canada Kim Campbell, cựu Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven...
Trước đó, hồi tháng 2, Brazil - hiện là nước chủ tịch luân phiên G20 trong năm 2024 - đã đề xuất việc áp thuế toàn cầu đối với người siêu giàu, nhằm thu hẹp bất bình đẳng, đồng thời nhấn mạnh việc tập trung của cải vào tay một nhóm ít người đem lại rủi ro.
Brazil đang tìm cách tập hợp sự ủng hộ cho đề xuất trên và hy vọng có thể đạt được một tuyên bố liên quan đến vấn đề này tại cuộc họp các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20 dự kiến diễn ra vào cuối tháng 7 tại thành phố Rio de Janeiro.
Đề xuất của Brazil kêu gọi đánh thuế tối thiểu 2% mỗi năm đối với khoảng 3.000 người giàu nhất thế giới có tài sản vượt quá 1 tỷ USD.
Đề xuất này dựa trên khuyến nghị của nhà nghiên cứu kinh tế người Pháp Gabriel Zucman, sau khi ông Zucman công bố một kết quả nghiên cứu cho thấy việc đánh thuế 2% với các tỷ phú toàn cầu có thể giúp đem lại tới 250 tỷ USD mỗi năm.
Pháp, Tây Ban Nha, Colombia, Bỉ, Liên minh châu Phi đã ủng hộ đề xuất trên của Brazil, cùng với Nam Phi - quốc gia sẽ đảm nhận chủ tịch luân phiên G20 vào năm 2025./.
Kế hoạch đánh thuế người giàu vẫn tiến triển chậm trên quy mô toàn cầu
Vào cuối năm 2021, hơn 140 quốc gia đã nhất trí áp thuế tối thiểu đối với các tập đoàn đa quốc gia theo đề xuất của OECD, nhưng tới nay tiến triển vẫn còn hạn chế.