Chương trình Bảo tồn thú ăn thịt nhỏ và tê tê được Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật, Vườn quốc gia Cúc Phương và Trung tâm Cứu hộ và Bảo tồn động vật hoang dã (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) triển khai thực hiện từ năm 1999.
Đến nay, Chương trình đã phối hợp với các ngành hữu quan cứu chữa, nuôi dưỡng và tái thả lại tự nhiên hàng trăm cá thể tê tê thu giữ từ hoạt động săn bắt, vận chuyển trái phép.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, Chương trình gặp không ít những khó khăn, trong đó cơ bản nhất là kinh phí nuôi dưỡng tê tê, đợt cao điểm Chương trình nuôi nhốt trên 100 cá thể tê tê với kinh phí trên 90 triệu đồng/tháng.
Tại khu nuôi dưỡng, chăm sóc tê tê và thú ăn thị nhỏ, Vườn quốc gia Cúc Phương hiện có hơn 50 cá thể tê tê được nhân viên của Chương trình chăm sóc. Lượng cá thể tê tê này chủ yếu được thu gom từ các vụ săn bắt, vận chuyển, buôn bán trái phép tê tê do lực lượng chức năng bắt giữ.
Đợt cao điểm nhất, trong tháng 8-9/2015, Chương trình tiếp nhận 75 cá thể tê tê, nâng tổng số tê tê được nuôi nhốt trong chuồng lên 128 cá thể, lớn nhất từ trước tới nay. Đến nay, đã có 30 cá thể được tái thả lại môi trường tự nhiên, một số cá thể bị chết, số còn lại trên 50 cá thể đang được chăm sóc tại khu nuôi nhốt.
Các cá thể tê tê hiện đang nuôi nhốt đều đủ sức khỏe để tái thả lại tự nhiên. Tuy nhiên, do đây là tang vật của các vụ vận chuyển trái phép tê tê, các vụ án hình sự nên Chương trình không thể tái thả tê tê lại tự nhiên khi chưa có quyết định xử lý. Đây cũng là vướng mắc lớn nhất đối với cán bộ, nhân viên của Chương trình trong việc nuôi dưỡng tê tê. Bởi ngoài lượng thức ăn phải cung cấp thường xuyên cho tê tê lên đến hơn 1 triệu đồng/ngày, các nhân viên tại khu nuôi dưỡng hết sức lo ngại về khả năng tái hòa nhập với môi trường tự nhiên của tê tê sau một thời gian nuôi dưỡng tại chuồng.
Ông Trần Quang Phương - Quản lý Chương trình Bảo tồn thú ăn thịt nhỏ và tê tê, cho biết quá trình thực hiện, Chương trình gặp không ít khó khăn về nhân lực, cơ sở vật chất, kinh phí... Hiện chương trình có năm cán bộ, nhân viên thực hiện tiếp nhận và nuôi dưỡng thú ăn thịt nhỏ và tê tê; cơ sở vật chất cũng gặp nhiều khó khăn với 20 chuồng kiểm dịch, tám chuồng nuôi lớn sức chứa khoảng 70 cá thể tê tê.
Bên cạnh đó, chi phí thức ăn cho mỗi cá thể tê tê khoảng 40.000 đồng/ngày/cá thể và 50 cá thể đang được nuôi dưỡng thì số tiền thức ăn lên đến 2 triệu đồng/ngày. Ngoài ra, số tê tê trên chủ yếu là vật chứng của các vụ án hình sự, buộc phải lưu giữ và chờ quyết định xử lý...
Ông Phương lo ngại nếu nuôi nhốt tê tê quá lâu trong môi trường nhân tạo sẽ dần làm mất đi tập tính tự nhiên của tê tê, dẫn đến việc tê tê hòa nhập môi trường sống tự nhiên rất khó khăn. Cụ thể, theo ông Phương, tê tê thường ăn trứng kiến, kiến và côn trùng nhỏ. Tuy nhiên, việc bắt kiến và lấy trứng kiến từ tự nhiên tại Cúc Phương gần như là điều không thể. Do vậy, Chương trình phải nhập kiến và trứng kiến đông lạnh từ miền Nam, kết hợp với pha trộn nhộng tằm đông lạnh được mua từ một số tỉnh phía Bắc để làm thức ăn cho tê tê.
Quá trình huấn luyện cho tê tê ăn thức ăn nhân tạo này cũng hết sức phức tạp, cần có thời gian nhất định tê tê mới chấp nhận loại thức ăn này. Trước khi tái thả tê tê trở lại với môi trường tự nhiên cũng phải cho tê tê ăn kiến sống khoảng 2 tuần để làm quen trở lại với tập tính loài.
Ông Lê Phương Triều - Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật, Vườn quốc gia Cúc Phương - nhấn mạnh trước thực tế khó khăn về kinh phí cũng như việc khó hòa nhập môi trường tự nhiên của tê tê, Trung tâm đã đề nghị các ngành hữu quan cần quan tâm đầu tư kinh phí dài hạn cho việc nuôi dưỡng, chăm sóc tê tê; có cơ chế, quy định linh động về tang vật đặc thù này thay vì nuôi nhốt các cá thể tê tê lâu dài...
Ngoài ra, nếu các cơ quan chức năng gửi vật chứng, tang chứng vụ án hình sự là các cá thể tê tê cần cấp kinh phí duy trì hoạt động nuôi dưỡng tê tê trong môi trường nhân tạo. Tuy nhiên, những đề nghị của Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật vẫn chưa có hồi âm./.