Tổ chức Động vật châu Á vừa phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Hà Nội thực hiện cứu hộ 5 cá thể gấu từ một hộ gia đình tại xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ, Hà Nội.
Thông tin với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus vào cuối giờ chiều 22/2, đại diện Tổ chức Động vật châu Á cho biết 5 cá thể gấu trên đã được một gia đình ở xã Phụng Thương nuôi nhốt từ những năm 2002, khi còn là gấu con với mục đích thương mại.
Qua một thời gian được Hạt Kiểm lâm số 5 (Chi cục Kiểm lâm Hà Nội) vận động, phía gia đình nuôi gấu đã tự nguyện viết đơn chuyển giao và mong muốn đưa toàn bộ 5 cá thể gấu sau 20 năm nuôi nhốt, về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam - “ngôi nhà gấu lớn nhất cả nước” tại Vườn Quốc gia Tam Đảo, Vĩnh Phúc để chăm sóc.
[Xây dựng mạng lưới nhà báo điều tra bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp]
Các cá thể gấu bị nuôi nhốt nhiều năm, phần lớn chúng đều bị rụng lông và có những vệt viêm da, nên chỉ khi khám sức khoẻ cụ thể sau khi về trung tâm cứu hộ, các bác sỹ thú y mới có thể đánh giá được chính xác tình trạng sức khoẻ của gấu.
Ngay sau khi cứu hộ trong ngày hôm nay, 22/2, các cá thể gấu đã được đặt tên là Dawn (Bình Minh), Noon (Chính Nhật), Twilight (Hoàng Hôn), Midnight (Đêm) và Chronos (Vị thần thời gian theo thần thoại Hy Lạp), để nhắc nhớ rằng vẫn còn hàng trăm gấu đang bị nuôi nhốt, ngày qua ngày, tại các trang trại trên khắp cả nước.
Như vậy, trong 2 năm gần đây, Tổ chức Động vật châu Á và Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã vận động cứu hộ thành công được 14 cá thể gấu. Chuyến cứu hộ 5 cá thể gấu hôm nay là chuyến cứu hộ thứ hai trong năm 2023 của Tổ chức Động vật châu Á.
Theo thông tin từ Hạt kiểm lâm số 5, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, trên địa bàn huyện Phúc Thọ còn 116 cá thể gấu nuôi nhốt và các cơ quan chức năng vẫn triển khai vận động, kiểm tra định kỳ thường xuyên tới các hộ nuôi gấu./.