Cứu được tàu Nga, tàu phá băng Trung Quốc lại mắc kẹt

Sau khi giải cứu thành công các hành khách trên tàu Akademik Shokalskiy, chính chiếc tàu phá băng của Trung Quốc lại rơi vào tình huống tương tự
Những hành khách đầu tiên từ con tàu Akademik Shokalskiy được đưa vào nơi an toàn. (Nguồn: THX/TTXVN)

Sau khi giải cứu thành công các hành khách trên tàu Akademik Shokalskiy của Nga mắc kẹt hơn một tuần qua trong lớp băng dày tại Nam Cực, chính chiếc tàu phá băng mang tên Tuyết Long của Trung Quốc lại rơi vào tình huống tương tự khi bị mắc kẹt trong băng.

Ngày 4/1, Tân Hoa Xã cho biết sau khi đưa trực thăng tới giải cứu hành khách, tàu Tuyết Long đã không thể di chuyển do một tảng băng có chiều dài tới 1 km trôi về phía Tây Bắc chặn ở phía trước.

Tảng băng khổng lồ này đôi khi chỉ còn cách tàu Tuyết Long khoảng 2,22 km. Ngoài ra, thuyền trưởng Vương Kiến Trung cho biết điều kiện thủy triều ở vùng biển này hiện tại vô cùng phức tạp với nhiều cơn sóng lớn, trong khi tảng băng trôi nói trên và các tảng băng khác thay đổi vị trí rất nhanh. Do vậy tàu Tuyết Long chỉ có thể di chuyển sau khi tảng băng khổng lồ trôi đi nơi khác.

Cơ quan An toàn hàng hải Australia (AMSA) cho biết sáng 4/1, tàu Tuyết Long đã thử vượt qua tảng băng trôi song không thành công. Hiện tàu vẫn an toàn, lương thực dự trũ đủ dùng trong nhiều tuần lễ và chưa cần yêu cầu hỗ trợ. Cũng theo AMSA, tàu Tuyết Long và tàu Akademik Shokalskiy có thể hỗ trợ lẫn nhau và đều không cần thêm trợ giúp từ tàu Aurora Australis của Australia.

Tàu nghiên cứu Akademik Shokalskiy thuộc sở hữu của Nga chở 74 người bị mắc kẹt trong băng từ lễ Giáng sinh vừa qua ở vị trí cách đảo Tasmania của Australia hơn 2.700 km về phía Nam. 52 hành khách gồm 22 nhà khoa học, 26 khách du lịch và 4 nhà báo trên tàu đã được giải cứu thành công vào ngày 2/1 bằng trực thăng và sẽ trở về đất liền trong vài tuần tới, trong khi thủy thủ đoàn 22 người vẫn ở lại trên tàu Akademik Shokalskiy cho tới khi băng tan để đưa tàu chạy bằng hơi nước về đất liền.

Chiến dịch giải cứu tàu Akademik Shokalskiy đã khiến nhiều chương trình nghiên cứu tại Nam Cực của các nhà khoa học Pháp, Trung Quốc và Australia bị hủy bỏ./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục