"Giải cứu" môn văn?

"Cứu" điểm văn để tăng tỷ lệ học sinh tốt nghiệp?

Đề văn không sai quy chế, góp phần thúc đẩy đổi mới dạy và học văn. Thế nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn không yên vì lo cho thí sinh?
Những ngày này, công việc chấm thi của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đang diễn ra. Sau khi gây chú ý của dư luận vì đề thi hơi lạ, môn văn giờ lại "nóng" khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn hướng dẫn bổ sung chấm môn thi này gửi đến các Sở Giáo dục và Đào tạo.
Đề bất ngờ nhưng đúng quy chế Nhớ lại, cách đây hai năm, đề Văn trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từng gây “sốc” cho thí sinh  ngay ở câu hỏi đầu tiên, vì thí sinh đều quen với câu hỏi được "mặc định" là tái hiện kiến thức học thuộc lòng. Nên đề hỏi về câu chuyện trong quán trà (truyện “Thuốc” của Lỗ Tấn) đã gây bất ngờ đối với mặt bằng thí sinh vẫn quen với...học vẹt. Năm nay, đề thi cũng có phần bất ngờ và mới mẻ và vẫn là câu đầu trong đề thi. Bởi, tuy nằm trong chương trình, có trong bài học nhưng đã vượt ra ngoài "dự đoán" lối mòn về câu hỏi “thường thấy.” Theo thông lệ nhiều năm qua, câu hỏi đầu tiên thường yêu cầu tái hiện kiến thức học thuộc lòng về hoàn cảnh sáng tác, ý nghĩa nhan đề, tóm tắc tác phẩm văn học nước ngoài. Hoặc cũng có thể đề ra câu hỏi về cuộc đời, sự nghiệp của một tác giả văn học. Nên khi đề ra theo hướng mở hỏi về một chi tiết cuối của truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” (Nguyễn Minh Châu), dù đúng quy chế, nhưng cũng đã gây xôn xao dư luận ngay sau buổi thi văn hôm 2/6. Tại sao phải có bổ sung hướng dẫn chấm? Có một số ý kiến cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo “chữa cháy” cho việc ra đề lạ và đáp án hơi chi tiết đến khó có học sinh nào đạt được điểm số tối đa của câu hỏi 2 điểm này. Theo tìm hiểu của phóng viên, để trả lời được câu hỏi, học sinh phải đọc kỹ và hiểu tác phẩm, biết cách lựa chọn và vận dụng một vài chi tiết cụ thể để làm rõ. Khá nhiều học sinh không quen làm bài vận dụng sáng tạo đã rất bối rối. Một cô giáo đang tham gia chấm thi ở Hội đồng chấm thi môn văn của Hà Nội cho biết hội đồng chấm bài của 5 tỉnh khác. Có “gói” bài làm tốt, có gói thì làm cũng bình thường nhưng nói chung là các em làm được. Nếu theo đáp án cũ thì khó có em nào đạt được điểm theo từng chi tiết. Nếu theo hướng dẫn bổ sung thì các trò sẽ đỡ mất điểm. Đây là điều có lợi cho thí sinh mà cũng rất hợp lý với bài bài dạy của các thầy cô giáo. Tìm hiểu về việc dạy tác phẩm này tại trường học, cô giáo Lan Anh (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết khi giáo viên dạy một tác phẩm văn chương trong thời lượng 2 đến 3 tiết học trên lớp thì chủ yếu là khơi gợi hướng dẫn cách học toàn tác phẩm. "Trọng tâm bài thường đi vào nội dung tư tưởng, vào khai thác các nhân vật chính chứ không thể dạy kỹ, giảng dàn đều và đủ về các chi tiết. Đáp án đầu tiên hơi cứng nhắc quá chăng!” Vậy nên có thể thấy việc hướng dẫn chấm bổ sung là hợp lý. Vì với nội dung được nêu để người chấm đánh giá bài thi là “ý tưởng nghệ thuật của tác giả về mối quan hệ giữa nghệ sĩ với hiện thực, nghệ thuật với cuộc sống” chắc chắn ở lớp học nào thầy cô giáo dạy môn văn cũng không thể bỏ qua khi dạy tác phẩm. Còn đòi hỏi phân tích kỹ từng ý ở một bài học vốn khá dài như "Chiếc thuyền ngoài xa" thì cũng khó đạt ở mọi lớp văn.   Hiểu lầm - “bệnh cũ tái phát!” Đổi mới thi cử, đổi mới cách ra đề để tác động đến việc đổi mới phương pháp dạy và học là một hướng đi đúng. Trong ba kỳ thi tốt nghiệp gần đây, đề văn luôn được đánh giá là hay, lạ, bất ngờ. Những ai quan tâm đều có thể thấy quá trình từ từ, nhích từng bước một là cách mà các nhà giáo dục đang làm. Tuy nhiên, trước nguy cơ điểm thấp vì đổi mới ra đề sẽ dồn thiệt thòi vào một vài thế hệ thí sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã "nới" đáp án vì không thể quyết liệt hơn. Song tư duy học môn văn của phần đông học sinh phổ thông vẫn chưa có sự chuyển biến rõ rệt. Mặc dù, sau mỗi kỳ thi các thầy cô giáo đều đã gom góp các ‘kinh nghiệm’ mới cho việc dạy và ôn tập với học sinh của mình. Điều này cho thấy để thay đổi một lối mòn đâu có thể "nói là làm tắp lự." Trọng trách này chỉ đặt lên vai những người ra đề thì quả là sẽ gây ra nhiều dư luận.  Một nhà giáo dạy ngữ văn cấp Trung học Phổ Thông ở Hà Nội đã trao đổi cùng phóng viên: “Dường như chịu ảnh hưởng từ dư luận và lo ngại kết quả bài thi có thể hạn chế mà Bộ có động thái hướng dẫn chấm bổ sung. Thực tế, nếu chỉ tăng một điểm thì kết quả kỳ thi tốt nghiệp đã thay đổi, "cứu" được hàng loạt những thí sinh có điểm sát nút.” Nhà giáo dục dạy môn văn đã nêu ý kiến: “Để quyết tâm thay đổi cách dạy học, cách đánh giá học sinh thì cần phải kiên quyết hơn. Xem ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại vẫn chưa yên tâm dù đã chọn đổi đổi mới từng phần nhỏ nên mới 'sinh ra' thêm công văn gây hiểu nhầm là bệnh cũ của ngành tái phát- Bệnh thành tích!”
                
                             Đoạn văn cuối tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”


"Không những trong bộ lịch năm ấy mà mãi mãi về sau, tấm ảnh chụp của tôi vẫn còn được treo ở nhiều nơi, nhất là trong các gia đình sành nghệ thuật. Quái lạ, tuy là ảnh đen trắng nhưng mỗi lần ngắm kỹ, tôi vẫn thấy hiện lên cái màu hồng hồng của ánh sương mai lúc bấy giờ tôi nhìn thấy từ bãi xe tăng hỏng, và nếu nhìn lâu hơn, bao giờ tôi cũng thấy người đàn bà ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh, đó là một người đàn bà vùng biển cao lớn với những đường nét thô kệch tấm lưng áo bạc phếch có miếng vá, nửa thân dưới ướt sũng, khuôn mặt rỗ đã nhợt trắng vì kéo lưới suốt đêm. Mụ bước những bước chậm rãi, bàn chân giậm trên mặt đất chắc chắn, hòa lẫn trong đám đông…"

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục