Cựu Đại sứ Đức Rolf Schulze: "Việt Nam là một phần trong trái tim tôi"

Ông Rolf Schulze, Chủ tịch Hội Đức-Việt, từng là Đại sứ tại Việt Nam khẳng định Hội Đức-Việt không chỉ là nhịp cầu mà còn đóng góp một phần công sức để kết nối và tăng cường quan hệ giữa hai nước.
Cựu Đại sứ Đức Rolf Schulze: "Việt Nam là một phần trong trái tim tôi" ảnh 1Cựu Đại sứ Đức tại Việt Nam Rolf Schulze (giữa) - Chủ tịch Hội Đức-Việt. (Ảnh: TTXVN)

"Việt Nam là một phần trong trái tim tôi." Đây là lời chia sẻ chân tình của ông Rolf Schulze, Chủ tịch Hội Đức-Việt, cũng từng là Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam giai đoạn 2007-2011, sau khi tham dự buổi giới thiệu "Sắc màu trang phục truyền thống và Nhạc cụ dân tộc Việt Nam" do Câu lạc bộ Văn nghệ tháng Mười tổ chức.

Sự kiện kiện văn hóa trên là một hoạt động trong khuôn khổ Dự án đa dạng văn hóa của quận Lichtenberg nhằm làm phong phú các giá trị văn hóa tại Cộng hòa Liên bang Đức.

Thông qua những hoạt động tích cực của Câu lạc bộ Văn nghệ tháng Mười, đặc biệt lĩnh vực văn hóa đã gây được tiếng vang tốt đẹp đối với bạn bè Đức và quốc tế, trở thành một điểm nhấn tiêu biểu trong bức tranh chung của hội đoàn người Việt tại Đức. 

Với tư cách cựu Đại sứ Đức tại Việt Nam, từng có 4 năm sinh sống và làm việc ở Hà Nội, ông Schulze xúc động nói: "Chương trình Sắc màu trang phục truyền thống và Nhạc cụ dân tộc Việt Nam đã gợi lại nhiều kỷ niệm và ấn tượng tốt đẹp, vui vẻ về đất nước và con người Việt Nam."

Ông Schulze đánh giá rất cao những buổi sinh hoạt văn hóa với hình thức kiểu này, cho rằng cộng đồng người Việt tại Berlin cũng như tại Cộng hòa Liên bang Đức là cộng đồng khá đông và luôn luôn có những đóng góp tích cực vào đời sống xã hội, văn hóa tại địa phương.

Câu lạc bộ Văn nghệ tháng Mười tổ chức buổi giới thiệu trên cũng là hình thức mang đến cho những người bạn Đức nói riêng và những người bạn quốc tế tại Berlin một số hình ảnh về văn hóa của Việt Nam.

Ông khẳng định Hội Đức-Việt không chỉ là nhịp cầu mà còn đóng góp một phần công sức nhỏ bé để kết nối và tăng cường quan hệ giữa hai nước.

Cũng tại buổi giới thiệu về "Sắc màu trang phục truyền thống và Nhạc cụ dân tộc Việt Nam," Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức Vũ Quang Minh chân thành cảm ơn Chủ tịch Hội Đức-Việt cùng các vị khách nước ngoài đã tham dự sự kiện để cùng chiêm ngưỡng và tìm hiểu thêm về văn hóa Việt Nam thông qua các trang phục và nhạc cụ cổ truyền. 

Đại sứ Vũ Quang Minh cũng đánh giá cao nỗ lực của Câu lạc bộ Văn nghệ tháng Mười, tổ chức hoạt động rất phong phú để gìn giữ và quảng bá văn hóa truyền thống của Việt Nam trên quê hương thứ hai của cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức.

Theo Đại sứ, dự án được quận Lichtenburg tài trợ, có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ hỗ trợ cho việc làm đa dạng hóa, giàu có hơn nữa nền văn hóa của Cộng hòa Liên bang Đức mà còn tạo điều kiện để cộng đồng người Việt Nam tại Đức góp một phần nhỏ bé vào bức tranh văn hóa chung.

[Thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Đức-Việt Nam đi vào chiều sâu]

Bà Tạ Kim Liên - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Văn nghệ tháng Mười chia sẻ: "Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hoá riêng, tạo nên nét đặc trưng của từng dân tộc."

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, chiếc áo dài của phụ nữ Việt Nam vẫn là hình ảnh đẹp đẽ, tự tin, duyên dáng mềm mại, thướt tha và kín đáo.

Không chỉ là Quốc phục của dân tộc Việt Nam, áo dài còn mang đậm bản sắc văn hoá người Việt và trở thành đại diện ko thể thiếu trong các nghi thức, lễ hội lớn của Việt Nam.

Màn trình diễn áo dài trên nền nhạc của nhiều loại nhạc cụ dân tộc do các các nghệ sĩ của câu lạc bộ giới thiệu và biểu diễn đã liên tục nhận được những lời khen của bạn bè quốc tế nói chung và Đức nói riêng. 

"Bạn ơi hãy đến quê hương chúng tôi. Ngắm mặt biển xanh xa tít chân trời…" - những ca từ ngọt ngào, ấm áp gợi nhớ về tình yêu quê hương đất nước trong ca khúc "Việt Nam quê hương tôi" của nhạc sỹ Đỗ Nhuận, đã thay cho lời chào, lời cảm ơn và lời mời những người bạn Đức, những người bạn khắp năm châu đến với đất nước Việt Nam, nơi có những cánh đồng thẳng cánh cò bay, những con người nhỏ bé chịu thương chịu khó, những lời du của mẹ, những làn điệu dân ca với những cô gái mặc áo mớ ba mớ bảy và đặc biệt hơn là những thiếu nữ trong tà áo dài mang đậm nét Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục