Cựu chuyên gia WTO đánh giá Việt Nam đã có những nỗ lực phù hợp để ngăn chặn IUU

Nhận định về việc EC chưa gỡ bỏ"thẻ vàng" đối với Việt Nam, ông Vidal-León cho rằng ủy ban này có thể đang chờ đợi kết quả Việt Nam thực thi các văn bản pháp lý trên trước khi đưa ra quyết định.
Hoạt động của tàu cá trên biển có gắn thiết bị giám sát hành trình được giám sát chặt chẽ tại Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Chống Khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển bền vững ngành thủy sản của các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Đây là đánh giá vừa được chuyên gia Christian Vidal-León đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Geneva (Thụy Sĩ).

Ông Vidal-León từng là luật sư giải quyết tranh chấp tại bộ phận các vấn đề pháp lý và Ban thư ký Cơ quan phúc thẩm của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Nhận định Việt Nam là nước xuất khẩu hải sản đáng kể sang châu Âu, trong đó có Thụy Sĩ, ông Vidal-León cho rằng xét về góc độ thương mại thuần túy, sự hợp tác giữa các bên là đáng kể, tích cực và mang tính xây dựng.

Tàu cá trên vùng biển quần đảo Thổ Châu, thành phố Phú Quốc (Kiên Giang). Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Theo ông Vidal-León, đánh bắt cá ở khu vực Đông Nam Á luôn là thách thức. Tuy nhiên, kể từ năm 2017, Việt Nam đã có những nỗ lực phù hợp để ngăn chặn hoạt động IUU, đồng thời nỗ lực đàm phán, thảo luận để sớm gỡ bỏ cảnh báo "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC).

Trong hơn 6 năm qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp lý liên quan, đưa các khuyến nghị của EU vào luật thủy sản, trong đó có Quyết định Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định do Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ban hành năm 2023.

Nhận định về việc EC chưa gỡ bỏ cảnh báo "thẻ vàng" đối với Việt Nam, ông Vidal-León cho rằng ủy ban này có thể đang chờ đợi kết quả Việt Nam thực thi các văn bản pháp lý trên trước khi đưa ra quyết định.

Tuy nhiên, trong những trường hợp trước đây, EU đã hài lòng với các cải cách luật và không đặt điều kiện gỡ bỏ "thẻ vàng" vào cách thức thực hiện hoặc thực thi các luật đó. Liên quan vấn đề này có thể nghiên cứu trường hợp của Philippines, Hàn Quốc, Kiribati và điển hình là Thái Lan.

Theo chuyên gia Vidal-León, người tham gia hỗ trợ trọng tài tại một số tòa án đầu tư quốc tế thuộc Trung tâm giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế (ICSID) và hiện công tác tại Trung tâm tư vấn về luật WTO ở Geneva, Thái Lan từng bị EC phạt thẻ vào năm 2015.

Ủy ban này cảnh báo sẽ áp dụng các biện pháp thương mại nếu Thái Lan không thực hiện nỗ lực chống IUU. Trước áp lực đó, quốc gia Đông Nam Á này đã điều chỉnh, bổ sung luật một cách hiệu quả theo các tiêu chuẩn của EU.

Chính vì vậy, họ đã được xóa tên khỏi danh sách các quốc gia "bị cảnh cáo." EU cũng cam kết hỗ trợ Thái Lan trong việc thực hiện luật IUU mới.

Cuối cùng, chuyên gia Vidal-León cho rằng các khuyến nghị của EU được thông qua trong luật của các quốc gia mục tiêu phù hợp với luật pháp của liên minh này.

Những khuyến nghị đó bao gồm giám sát thông qua các cơ chế giám sát vệ tinh; báo cáo phù hợp về sản lượng đánh bắt và khi một tàu/người vận hành đã tham gia vào IUU, tàu đó sẽ không được phép cập cảng, thậm chí bị tịch thu tàu, chủ tàu phải nộp phạt và không được phép tiến hành các hoạt động đánh bắt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục