Hàng chục năm qua, cựu chiến binh Nguyễn Hữu Ích, ở phường Nam Thành, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, đã lặn lội khắp nơi sưu tầm những kỷ vật chiến tranh với mong muốn làm cho thế hệ hôm nay và mai sau hiểu được giá trị của sự hy sinh, ý chí chiến đấu kiên cường của các thế hệ đi trước vì nền độc lập tự do của Tổ quốc.
Ông Ích nguyên là chiến sỹ đặc công của Đoàn 126, Quân chủng Hải quân tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam từ năm 1971. Tháng 3/1975, ông bị thương được chuyển ra miền Bắc điều trị, sau đó đi học và về công tác tại Sở Tài chính Hà Nam Ninh (cũ).
Năm 1994, thời điểm đất nước đang khó khăn, đồng lương ít ỏi của hai vợ chồng đôi khi chưa đủ lo cho gia đình nhỏ nhưng hàng tháng ông Ích vẫn dành dụm một số tiền để bắt đầu thực hiện ước nguyện sưu tầm kỷ vật thời chiến nhằm tri ân những đồng đội đã hy sinh. Đối với ông, mỗi kỷ vật mang giá trị của một giai đoạn, thời kỳ lịch sử, là nhân chứng của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại gắn liền với cuộc sống chiến đấu của những người lính.
Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Ích kể: "Khi đến thăm gia đình liệt sỹ Phí Văn Minh ở huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình - người đã hy sinh trong trận đánh nhổ chốt của địch trên Quốc lộ 13 (thuộc địa phận tỉnh Bình Dương) vào tháng 3/1975, tôi nhận thấy gia đình liệt sỹ còn lưu giữ được tấm vải dù anh đã từng dùng. Khi tôi bày tỏ ý định xin về để trưng bày, người mẹ già đã mở chiếc hòm gỗ, đôi tay run run trao vật kỷ niệm của đứa con trai và nói 'Mẹ hy vọng, thông qua kỷ vật có thể giúp cho nhiều người hiểu thêm về sự hy sinh thầm lặng của những người lính cho đất nước được hòa bình, thống nhất, nhân dân ta có cuộc sống như ngày hôm nay.' Lúc ấy tôi hiểu rằng, việc làm của mình còn mang theo bao kỳ vọng của đồng đội và thân nhân các liệt sỹ."
Sau đó, ông Ích quyết định, không chỉ sưu tầm những kỷ vật chiến tranh giới hạn trong một số tỉnh ở khu vực đồng bằng sông Hồng mà mở rộng phạm vi tìm kiếm trên cả nước. Từ đó, ông tiến hành thường xuyên những chuyến đi về nguồn, thăm vùng căn cứ cách mạng như Điện Biên Phủ, ngã ba Đồng Lộc, thành cổ Quảng Trị, đường 9 Khe Sanh, Tây Nguyên và nhiều tỉnh, thành phố để tìm kiếm những mảnh ghép của chiến tranh.
Sau mỗi chuyến đi như thế, có khi ông chỉ mang về thêm được những mảnh bom, vỏ đạn, hay chiếc võng dù, bình tông đựng nước, chiếc mũ tai bèo, đôi dép cao su, chiếc ba lô đã bạc... Đây là những thứ đồ đã không còn giá trị sử dụng, nhưng bản thân mỗi kỷ vật đó chứa đựng những giá trị lịch sử vượt thời gian, là câu chuyện về cuộc đời người lính trong cuộc sống thường ngày đến những trận đánh ác liệt và cả giờ phút thiêng liêng trước lúc hy sinh. "Nếu chúng ta nhìn nhận ở góc độ này thì dường như kỷ vật cũng có linh hồn và tiếng nói rất riêng," ông Ích nói.
Sau gần 20 năm tìm kiếm không biết mệt mỏi, ông Ích đã cho ra đời một phòng trưng bày cá nhân với 530 hiện vật mang đậm dấu ấn của thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, với không ít những kỷ vật quý giá.
Trong căn phòng rộng chừng 75m2, các kỷ vật được sắp xếp khá ngăn nắp. Hai chiếc kệ dài được đặt song song, một bên là những kỷ vật bao gồm quân tư trang, vũ khí, các phương tiện kỹ thuật của Quân đội nhân dân Việt Nam; còn phía đối diện là các dụng cụ, trang thiết bị của quân đội các nước đế quốc và đồng minh xâm lược, giúp người xem có thể hình dung đầy đủ hơn về cuộc đối đầu giữa ta và địch trong quá khứ.
Hàng ngày, người lính tóc đã điểm hoa sương ấy vẫn đến phòng trưng bày để lau chùi, sắp xếp lại các kỷ vật, bởi như ông nói, các kỷ vật bằng kim loại thì phải thường xuyên bảo dưỡng bằng cách lau dầu mỡ, kê cao không để ẩm ướt nhằm tránh hoen rỉ, còn các đồ bằng cao su, vải thì không được để mưa, nắng hắt vào làm chảy nhựa, mục nát. Lau những hạt bụi bám trên chiếc máy phát điện các bác sỹ quân y thường dùng trong chiến trường, ông cho biết có rất nhiều ca phẫu thuật cứu chữa cho chiến sĩ của ta đã được thực hiện nhờ ánh sáng của chiếc máy này.
Chỉ tay về phía cây nhiệt đới đã hoen rỉ, ông nói: Đây là thiết bị trinh sát để phát hiện chấn động mặt đất và tiếng động của người, vũ khí, xe cơ giới trong phạm vi từ vài chục mét đến vài trăm mét. Phương tiện này được quân Mỹ thả xuống hệ thống đường chiến lược Hồ Chí Minh, và một số khu vực trọng yếu ở chiến trường miền Nam . Phải mất cả tuần tôi và mấy anh em đồng đội mới đưa được cây nhiệt đới từ Quảng Trị về nhà. Qua hiện vật này, tôi muốn nhắn nhủ với người xem một thông điệp rằng: Dù bọn đế quốc xâm lược được trang bị các loại vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại, nhưng chúng vẫn phải khuất phục trước sự sáng tạo, ý chí quật cường và tinh thần đoàn kết của quân và dân ta.
Giờ đây, ngôi nhà của ông đã trở thành một điểm đến cho những người muốn hồi tưởng lại quá khứ, là địa chỉ đỏ góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cho các bạn học sinh, sinh viên trên địa bàn. Lật giở chiếc balô đã bạc, bác Phạm Ngọc Định ở thành phố Ninh Bình tâm sự: Đến đây, những người từng trải qua thời lính chúng tôi được sống lại với ký ức về những năm tháng chiến đấu cùng đồng đội ở chiến trường.
Em Lê Thị Quỳnh, sinh viên trường cao đẳng y tế Ninh Bình xúc động cho biết: Sinh ra và lớn lên trong thời bình, những điều em hiểu về lịch sử dân tộc chủ yếu là thông qua sách giáo khoa và bài giảng của thầy cô. Được thăm quan phòng trưng bày kỷ vật chiến tranh của bác Ích đã giúp em và các bạn có được những bài học thực tế. Kỷ vật tưởng như rất bình thường như: chiếc cuốc, chiếc xẻng nhưng trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, chỉ bằng những vật dụng này, bộ đội ta đã đào thành hệ thống giao thông hào tới sát khu vực đồn trú của đối phương để tiếp cận và tiêu diệt quân Pháp xâm lược.
Vào tháng 2/2013, sau rất nhiều nỗ lực, phòng trưng bày kỷ vật chiến tranh của ông Ích đã cơ bản hoàn thiện nhưng ông vẫn chưa có ý định nghỉ ngơi. Ở tuổi 61, đôi chân dù đã chậm dần nhưng thương binh Nguyễn Hữu Ích vẫn đặt ra cho mình khá nhiều mục tiêu để hướng tới. Ông cho biết, việc trước mắt là khẩn trương ghi chú thích rõ ràng những thông tin liên quan đến kỷ vật giúp người xem dễ hiểu. Bên cạnh đó, gấp rút hoàn thiện hồ sơ, thủ tục xin cơ quan chức năng của tỉnh cho phép xây dựng “Bảo tàng tư nhân kỷ vật người lính” để tạo một điểm tham quan thực tế, gặp gỡ trao đổi, giáo dục truyền thống hữu ích cho thế hệ trẻ./.
Ông Ích nguyên là chiến sỹ đặc công của Đoàn 126, Quân chủng Hải quân tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam từ năm 1971. Tháng 3/1975, ông bị thương được chuyển ra miền Bắc điều trị, sau đó đi học và về công tác tại Sở Tài chính Hà Nam Ninh (cũ).
Năm 1994, thời điểm đất nước đang khó khăn, đồng lương ít ỏi của hai vợ chồng đôi khi chưa đủ lo cho gia đình nhỏ nhưng hàng tháng ông Ích vẫn dành dụm một số tiền để bắt đầu thực hiện ước nguyện sưu tầm kỷ vật thời chiến nhằm tri ân những đồng đội đã hy sinh. Đối với ông, mỗi kỷ vật mang giá trị của một giai đoạn, thời kỳ lịch sử, là nhân chứng của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại gắn liền với cuộc sống chiến đấu của những người lính.
Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Ích kể: "Khi đến thăm gia đình liệt sỹ Phí Văn Minh ở huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình - người đã hy sinh trong trận đánh nhổ chốt của địch trên Quốc lộ 13 (thuộc địa phận tỉnh Bình Dương) vào tháng 3/1975, tôi nhận thấy gia đình liệt sỹ còn lưu giữ được tấm vải dù anh đã từng dùng. Khi tôi bày tỏ ý định xin về để trưng bày, người mẹ già đã mở chiếc hòm gỗ, đôi tay run run trao vật kỷ niệm của đứa con trai và nói 'Mẹ hy vọng, thông qua kỷ vật có thể giúp cho nhiều người hiểu thêm về sự hy sinh thầm lặng của những người lính cho đất nước được hòa bình, thống nhất, nhân dân ta có cuộc sống như ngày hôm nay.' Lúc ấy tôi hiểu rằng, việc làm của mình còn mang theo bao kỳ vọng của đồng đội và thân nhân các liệt sỹ."
Sau đó, ông Ích quyết định, không chỉ sưu tầm những kỷ vật chiến tranh giới hạn trong một số tỉnh ở khu vực đồng bằng sông Hồng mà mở rộng phạm vi tìm kiếm trên cả nước. Từ đó, ông tiến hành thường xuyên những chuyến đi về nguồn, thăm vùng căn cứ cách mạng như Điện Biên Phủ, ngã ba Đồng Lộc, thành cổ Quảng Trị, đường 9 Khe Sanh, Tây Nguyên và nhiều tỉnh, thành phố để tìm kiếm những mảnh ghép của chiến tranh.
Sau mỗi chuyến đi như thế, có khi ông chỉ mang về thêm được những mảnh bom, vỏ đạn, hay chiếc võng dù, bình tông đựng nước, chiếc mũ tai bèo, đôi dép cao su, chiếc ba lô đã bạc... Đây là những thứ đồ đã không còn giá trị sử dụng, nhưng bản thân mỗi kỷ vật đó chứa đựng những giá trị lịch sử vượt thời gian, là câu chuyện về cuộc đời người lính trong cuộc sống thường ngày đến những trận đánh ác liệt và cả giờ phút thiêng liêng trước lúc hy sinh. "Nếu chúng ta nhìn nhận ở góc độ này thì dường như kỷ vật cũng có linh hồn và tiếng nói rất riêng," ông Ích nói.
Sau gần 20 năm tìm kiếm không biết mệt mỏi, ông Ích đã cho ra đời một phòng trưng bày cá nhân với 530 hiện vật mang đậm dấu ấn của thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, với không ít những kỷ vật quý giá.
Trong căn phòng rộng chừng 75m2, các kỷ vật được sắp xếp khá ngăn nắp. Hai chiếc kệ dài được đặt song song, một bên là những kỷ vật bao gồm quân tư trang, vũ khí, các phương tiện kỹ thuật của Quân đội nhân dân Việt Nam; còn phía đối diện là các dụng cụ, trang thiết bị của quân đội các nước đế quốc và đồng minh xâm lược, giúp người xem có thể hình dung đầy đủ hơn về cuộc đối đầu giữa ta và địch trong quá khứ.
Hàng ngày, người lính tóc đã điểm hoa sương ấy vẫn đến phòng trưng bày để lau chùi, sắp xếp lại các kỷ vật, bởi như ông nói, các kỷ vật bằng kim loại thì phải thường xuyên bảo dưỡng bằng cách lau dầu mỡ, kê cao không để ẩm ướt nhằm tránh hoen rỉ, còn các đồ bằng cao su, vải thì không được để mưa, nắng hắt vào làm chảy nhựa, mục nát. Lau những hạt bụi bám trên chiếc máy phát điện các bác sỹ quân y thường dùng trong chiến trường, ông cho biết có rất nhiều ca phẫu thuật cứu chữa cho chiến sĩ của ta đã được thực hiện nhờ ánh sáng của chiếc máy này.
Chỉ tay về phía cây nhiệt đới đã hoen rỉ, ông nói: Đây là thiết bị trinh sát để phát hiện chấn động mặt đất và tiếng động của người, vũ khí, xe cơ giới trong phạm vi từ vài chục mét đến vài trăm mét. Phương tiện này được quân Mỹ thả xuống hệ thống đường chiến lược Hồ Chí Minh, và một số khu vực trọng yếu ở chiến trường miền Nam . Phải mất cả tuần tôi và mấy anh em đồng đội mới đưa được cây nhiệt đới từ Quảng Trị về nhà. Qua hiện vật này, tôi muốn nhắn nhủ với người xem một thông điệp rằng: Dù bọn đế quốc xâm lược được trang bị các loại vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại, nhưng chúng vẫn phải khuất phục trước sự sáng tạo, ý chí quật cường và tinh thần đoàn kết của quân và dân ta.
Giờ đây, ngôi nhà của ông đã trở thành một điểm đến cho những người muốn hồi tưởng lại quá khứ, là địa chỉ đỏ góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cho các bạn học sinh, sinh viên trên địa bàn. Lật giở chiếc balô đã bạc, bác Phạm Ngọc Định ở thành phố Ninh Bình tâm sự: Đến đây, những người từng trải qua thời lính chúng tôi được sống lại với ký ức về những năm tháng chiến đấu cùng đồng đội ở chiến trường.
Em Lê Thị Quỳnh, sinh viên trường cao đẳng y tế Ninh Bình xúc động cho biết: Sinh ra và lớn lên trong thời bình, những điều em hiểu về lịch sử dân tộc chủ yếu là thông qua sách giáo khoa và bài giảng của thầy cô. Được thăm quan phòng trưng bày kỷ vật chiến tranh của bác Ích đã giúp em và các bạn có được những bài học thực tế. Kỷ vật tưởng như rất bình thường như: chiếc cuốc, chiếc xẻng nhưng trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, chỉ bằng những vật dụng này, bộ đội ta đã đào thành hệ thống giao thông hào tới sát khu vực đồn trú của đối phương để tiếp cận và tiêu diệt quân Pháp xâm lược.
Vào tháng 2/2013, sau rất nhiều nỗ lực, phòng trưng bày kỷ vật chiến tranh của ông Ích đã cơ bản hoàn thiện nhưng ông vẫn chưa có ý định nghỉ ngơi. Ở tuổi 61, đôi chân dù đã chậm dần nhưng thương binh Nguyễn Hữu Ích vẫn đặt ra cho mình khá nhiều mục tiêu để hướng tới. Ông cho biết, việc trước mắt là khẩn trương ghi chú thích rõ ràng những thông tin liên quan đến kỷ vật giúp người xem dễ hiểu. Bên cạnh đó, gấp rút hoàn thiện hồ sơ, thủ tục xin cơ quan chức năng của tỉnh cho phép xây dựng “Bảo tàng tư nhân kỷ vật người lính” để tạo một điểm tham quan thực tế, gặp gỡ trao đổi, giáo dục truyền thống hữu ích cho thế hệ trẻ./.
Vũ Văn Đạt (TTXVN)