Ngày 24/3, một tòa án đặc biệt ở thủ đô Athens của Hy Lạp đã tuyên án một năm tù giam đối với cựu Bộ trưởng Tài chính nước này George Papaconstantinou vì liên quan vụ bê bối "Danh sách Lagarde" cách đây bốn năm; song cho phép hoãn thi hành án ba năm.
Xem xét vụ án từ cuối tháng Hai vừa qua, tòa án phát hiện ông Papaconstantinou phạm tội giả mạo giấy tờ, do đã loại tên ba người thân của mình ra khỏi danh sách 2.000 công dân Hy Lạp có tài khoản tiền gửi tại chi nhánh của ngân hàng HSBC tại Thụy Sĩ và bị điều tra trốn thuế. Tuy nhiên, ông không bị buộc tội cố tình làm mất lòng tin.
Các chuyên gia cho biết với tội danh giả mạo giấy tờ, ông Papaconstantinou có thể phải chịu mức án tối đa 5 năm tù và có thể phải chịu án tù chung thân nếu bị phát hiện phạm cả hai tội danh nói trên.
Công tố viên Xeni Dimitriou đề nghị mức án cao hơn nhưng tòa đã chấp nhận biện hộ của các luật sư nói rằng bị cáo có tiền sử trong sạch.
"Danh sách Lagarde" là một trong những vụ bê bối nghiêm trọng nhất về hành vi sai trái của chính giới Hy Lạp trong những năm gần đây.
Vụ bê bối này được đặt theo tên Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lúc bấy giờ Christine Lagarde do bà đã trao bản danh sách trên cho Chính phủ Hy Lạp như một phần trong các nỗ lực chống trốn thuế, ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ và khôi phục tăng trưởng kinh tế ở Hy Lạp.
Ông Papaconstantinou làm Bộ trưởng Tài chính từ tháng 10/2009 đến tháng 6/2011 dưới thời cựu Thủ tướng George Papandreou, cũng là thời gian Hy Lạp ký thỏa thuận cứu trợ đầu tiên với Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Trong một diễn biến khác, một nguồn thạo tin cùng ngày cho biết Hy Lạp đề nghị Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) hoàn lại 1,2 tỷ euro (1,3 tỷ USD) mà quỹ này buộc Hy Lạp giao trả do nhầm lẫn.
Nguồn tin xác nhận Chủ tịch Nhóm các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup) Jeroen Dijsselbloem đã yêu cầu EFSF xem xét đề nghị của Hy Lạp và cũng đã yêu cầu Chủ tịch Nhóm làm việc của Eurogroup nhanh chóng giải quyết vấn đề này.
Tháng trước, Chính phủ mới ở Hy Lạp buộc phải trả EFSF 10,9 tỷ euro chưa sử dụng trong quỹ cứu trợ được thiết lập để tái huy động vốn cho các ngân hàng Hy Lạp.
Chính phủ mới sau đó phát hiện Chính phủ tiền nhiệm đã sử dụng 1,2 tỷ euro để hỗ trợ các ngân hàng từ một nguồn khác mang tên Quỹ bình ổn Hellenic. Số tiền này tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa quan trọng đối với quốc gia đang cạn ngân quỹ như Hy Lạp./.