Chúng tôi tìm gặp anh hùng Hà Trung Hùng tại một căn nhà đơn sơ nằm trong ngõ 460 đường Kim Giang. Trời nhá nhem tối cũng là lúc ông vừa đi khám về, khuôn mặt đượm chút mệt mỏi do một vài căn bệnh của tuổi già.
Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (phong tặng năm 2013) Hà Trung Hùng, tên thật là Hà Trung Lẫy (bí danh: Trần Văn Cường) sinh năm 1950 tại Hà Nội. Tháng 4/1968, chàng thanh niên trẻ Hà Trung Hùng lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ Quốc. Với tinh thần cảm tử vì độc lập tự do, người lính trẻ không bao giờ dám nghĩ: chỉ trong vòng có 7 năm, cuộc đời mình lại gặp nhiều biến cố đến như vậy.
Người sống sót duy nhất trong trận vây hãm tàu không số
Cầm trên tay những chứng từ cũ thời tại ngũ, ánh mắt anh hùng Hà Trung Hùng bỗng sáng lên về những hồi tưởng hào hùng, ông mở đầu câu chuyện bằng những ký ức trên con tàu không số.
“Tôi nhập ngũ năm 18 tuổi, đóng quân ở Chợ Bến, Hòa Bình, sau đó, gia nhập vào đoàn tàu không số vận chuyển vũ khí vào Nam từ năm 1968 đến năm 1971”.
Người đàn ông ngoài lục tuần bồi hồi kể cho chúng tôi nghe những ngày tháng quân ngũ thiếu thốn nhưng đầy ắp tình đồng chí, ông nhớ tên từng đồng đội, quê quán từng người, ông kể về lần đầu anh thư sinh biết đến cái chòng chành của biển, về cảm giác choáng ngợp của lần đầu tiên ra khơi, hay những lúc nín thở khi tàu lách khỏi tầm do thám của quân địch... bỗng ông chựng lại, như thể mấy câu chuyện vui chỉ để mở màn cho những ký ức sần sùi sắp tới.
“Rồi đoàn tàu của chúng tôi bị lộ khi đi qua vùng biển Quảng Nam-Đà Nẵng, quân địch nhanh chóng khoanh vùng bao vây tàu, chúng chờ cho tới sáng để tập trung hỏa lực tấn công”.
Ngay trong đêm, thuyền trưởng, thuyền phó, máy trưởng, máy phó được ưu tiên rời tàu trước, người lính trẻ Hà Trung Hùng nằm trong số 12 chiến sỹ ở lại bám trụ, quyết tử với địch.
Buổi sớm định mệnh ngày hôm ấy, anh lính trẻ Hà Trung Hùng vẫn còn nhớ rõ, sương bao quanh thuyền, quanh mặt biển một lớp dầy đặc, sóng đánh mạnh và mạn thuyền kèm theo những tiếng gió rít chói tai. 12 chiến sỹ còn lại cố thủ tàu đã chuẩn bị sẵn sàng tâm lý cho trận đánh lớn nhất, và có thể là trận đánh cuối cùng của đời mình.
“Buổi sáng hôm ấy, xác định không còn đường lui, tất cả anh em đồng lòng quyết tử với địch một trận ra trò. Nói là làm, chúng tôi mang hết súng ống lên trên tàu, cùng nhau chào tự mặc niệm lần cuối. Cái thời khắc đấy, 12 con người trên tàu không còn gì để mất, bên ngoài là quân địch bao vây tứ phía, đến bây giờ hay cho tôi thêm cả trăm năm nữa, cũng không thể nào quên được” Người lính già kể lại trong xúc động.
Ông nói tiếp: “Biết là sẽ chết, nhưng mấy anh em vẫn bảo nhau: sau trận này, nếu thằng nào còn sống mà trở về, nhớ phải tìm đến nhà nhau để báo cho gia đình biết”.
Dứt xong câu, cũng là lúc hỏa lực địch tứ phía dập tới, 12 chiến sỹ tỏa ra 4 hướng con tàu, xả súng về phía địch, tinh thần quyết tử của các chiến sỹ trên đoàn tàu không số khiến quân địch, dù hỏa lực mạnh mẽ, quân số đông đảo hơn bội phần, cũng phải e dè, khiếp sợ. Người lính trẻ Hà Trung Hùng, năm đó mới 21 tuổi, cùng các đồng độ đã dũng cảm cố thủ, tiêu diệt cơ số quân địch. Tuy nhiên, do chênh lệch về hỏa lực, sau một cú chòng chành do thuyền trúng phải dây mìn của địch, sức chiến đấu của các chiến sỹ đã yếu dần, lần lượt từng người một hy sinh trước sức tấn công dữ dội của kẻ thù. Hà Trung Hùng có khi một tay cầm súng, một tay với lấy đỡ người đồng chí vừa trúng đạn, tận mắt anh nhìn thấy những con người, mới đây thôi còn ngồi bên nhau, chia nhau từng điếu thuốc, từng miếng lương khô, từng người, từng người một ngã xuống...
Quân địch đã hoàn toàn áp đảo, con tàu không số thất thủ, ông Hùng bị một viên đạn bắn thủng ruột, cùng nhiều thương tích khác, ngất đi và ngã xuống biển.
Trận đánh kết thúc, toàn bộ các chiến sỹ trên tàu đều hy sinh, duy chỉ có ông Hùng thoát chết trong gang tấc, được kẻ địch vớt lên. Trong lúc mê man, ông phải chứng kiến cảnh xác những người anh em, những người đồng chí nằm la liệt, cảnh quân thù cười cợt, giẫm đạp lên thi thể họ.
Chiếc trực thăng đưa người lính Việt Cộng duy nhất còn sống sau cuộc tập kích tàu không số về Trung tâm thẩm vấn tại Sài Gòn. Một tháng sau, tức tháng Ba năm 1971, ông bị chuyển về nhà tù Côn Đảo.
Tại đây, cơn ác mộng mới thực sự bắt đầu...
Manh áo bạn tù
Kể đến đoạn này, người lính già trầm ngâm hồi lâu, ông trở lại câu chuyện của mình sau một ly nước lạnh.
“Thế chính ra, vào cái tù Côn Đảo, là tôi được “nối gót” ông cụ đấy chứ, kể thì cũng lừng lẫy”- câu nói đùa của ông làm chúng tôi không khỏi ngạc nhiên.
Cụ thân sinh anh hùng Hà Trung Hùng là ông Hà Trung Lừng (1805-1983), từng là một chiến sỹ trong Trung đội Quyết tử quân bảo vệ Ga Hà Nội. Sau này, ông Lừng bị bắt và nhốt tại nhà tù Hỏa Lò. Hòa bình lập lại, khi cả 2 cha con ông Lừng đều không còn trong quân ngũ, bà con trong xóm vẫn hay nói đùa: “Đấy, lẫy lừng như nhà Lừng Lẫy ấy!”
Cũng như lúc ông Hùng nói về trận tập kích tàu không số, chúng tôi dự cảm câu nói đùa của ông là báo hiệu cho một câu chuyện rất khác tiếp nối ngay sau...
“Tra tấn, lại tra tấn, tra tấn ngày đêm, hết người này đến người khác” ông Hùng nói trong sự xúc động, thấp thoáng những đường gân nổi gồ ghề trên 2 thái dương của người lính già.
Ngày vào nhà tù Côn Đảo, ông bị nhốt cùng với 40 đồng chí khác tại một phòng giam rộng 100m2, địch xích chân 2 người vào 1 xích, đảm bảo việc đi lại khó khăn và mệt mỏi. Ngày ngày, quân địch dùng đủ mọi biện pháp tra tấn đối với cái chiến sỹ cách mạng cả về thể xác lẫn tinh thần.
Ông diễn tả cho chúng tôi rành mạch những đòn tra tấn dã man của quân địch, mà nếu không chứng kiến, không trải qua, sẽ không bao giờ nghĩ nó lại tồn tại giữa con người với con người.
“Đánh đập ở đây được xem như màn khởi động, chúng dùng mọi cách để tra tấn tù nhân: bẻ răng, đóng đinh vào chân, đổ nước xà phòng vào miệng, đắp khăn mặt đổ nước lạnh vào miệng, nhốt trong thùng phuy, gõ 2 bên đến khi tai chảy máu, xích tay vào ghế, rọi đèn cao áp đến trụi tóc
Ông vừa kể cho chúng tôi, vừa vạch cho xem những thương tích ông được kẻ thù “kỷ niệm” cho trong thời gian làm tù nhân tại đây. Người cựu tù già nua biểu cảm những khắc khổ của ông bằng cái nhíu mày thật sâu, ông kéo ống quần, ống tay áo lên cho cho chúng tôi xem những vết sẹo, những vết đinh đóng vào người. Ở nơi cổ tay ông, một hình xăm đã phai mực, mờ mờ dòng số 200371. Ngày 20 tháng 3 năm 1971 là ngày ông Hà Trung Hùng bắt đầu trải nghiệm nỗi kinh hoàng tại nhà tù Côn Đảo...
Lời kể của ông rành rọt và thật đến nỗi chỉ nghe không thôi cũng thấy lạnh sống lưng.
“Chúng còn dã man cắt vụn tóc chúng tôi, trộn vào cơm và bắt ăn, tức nước vỡ bờ, rất nhiều đồng chí đã tuyệt thực, hoặc mổ bụng để phản đối những hành vi tra tấn độc ác của kẻ thù”.
Cũng chính từ sự việc này mà cựu tù Côn Đảo Hà Trung Hùng có được kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quãng thời gian tại nhà tù.
Ông kể: trong phòng giam có một đồng chí tên là Lương (nhà ở Đội Cấn) cũng tham gia trong nhóm tuyệt thực phản đối sự tra tấn của kẻ thù.
“Ở trong tù, tôi và anh Lương chơi rất thân, vì lớn tuổi hơn, anh Lương luôn coi tôi như em trai của mình. Tuyệt thực ngày thứ 5 thì tới giới hạn chịu đựng của con người, một buổi trưa, đồng chí Lương lả đi, tôi đỡ lấy anh, lúc này đã rất yếu, vì đói, vì những vết thương do tra tấn. Còn chút tỉnh táo, anh Lương đưa tôi chiếc áo anh đang mặc và nói: “Áo tao lành hơn...Mày đổi áo cho tao để tao mặc tao đi, mặc áo lành vào để còn tiếp tục đấu tranh”
“Ngay ngày hôm ấy, đồng chí Lương qua đời...” Người lính già kể tới đây thì giọng run run, ông chớp mắt liên tục, như để cản không cho những giọt nước mắt xúc động rơi xuống.
Năm 1975 thống nhất đất nước, người tù Côn Đảo Hà Trung Hùng mới được trả tự do, ông trở về trong sự ngỡ ngàng của người thân cùng bà con trong xóm. Người thương binh đứng trước mặt họ, tưởng rằng đã hy sinh 3 tháng sau khi nhập ngũ, nay đã trở về, với cơ số những vết thương trên người và ký ức sâu đậm của 7 năm ròng rã với những biến cố dữ dội trong cuộc đời.
“Mỗi người chỉ chết có một lần, đây tôi được chết đi sống lại những 2, 3 lần, cũng đáng lắm”.
Người lính già lại nói đùa, khuôn mặt của ông giãn ra sau những ký ức căng thẳng, trở về với vẻ ngoài mệt mỏi, với vài căn bệnh tuổi già và những vết thương chiến tranh, ngày ngày chực chờ tái phát..../.