Hơn 10 năm qua, ông Lê Trọng Kính, phường Trung Sơn, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình, đã đến nhiều cơ sở thu mua phế liệu tìm mua các bộ phận của xe đạp cũ về "tân trang" thành xe đạp mới để tặng học sinh, người nghèo trong và ngoài tỉnh.
Những chiếc xe ấm áp nghĩa tình đã tiếp sức nhiều học sinh tới trường và tạo động lực cho người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Hơn 10 năm âm thầm làm việc thiện
Dù đã ở tuổi 70 nhưng ông Lê Trọng Kính vẫn dành thời gian đến các cửa hàng phế liệu để tìm mua vật liệu cần thiết để sửa chữa những chiếc xe cũ thành chiếc xe đạp mới tặng người có hoàn cảnh khó khăn.
Ông Kính cho biết sau khi rời quân ngũ, ông về giảng dạy kỹ thuật tại Trường Cao đẳng Cơ điện, Xây dựng Việt-Xô, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình.
Từ lúc còn dạy trong trường, ông đã có niềm say mê với những chiếc xe đạp cổ nên thường mua về để sửa chữa và sưu tầm. Đến khi về hưu, thấy nhiều gia đình bỏ đi những chiếc xe đạp cũ rất lãng phí, ông mua về sửa chữa, vừa sưu tầm xe vừa có phương tiện để con, cháu trong gia đình đi lại.
[TTXVN mang Tết ấm cho học sinh nghèo vùng cao tỉnh Kon Tum]
Một lần, cô con gái có chuyến thiện nguyện tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã chia sẻ với ông câu chuyện học sinh ở đó thiếu thốn từ quần áo, sách vở cho đến phương tiện đi lại.
Nghe xong, ông Kính đã gửi con gái mấy chiếc xe đạp vừa lắp ráp để tặng các cháu. Từ đó, ông nghĩ đến việc lắp ráp, "tân trang" nhiều chiếc xe để tặng các gia đình và học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở xung quanh mình.
Chia sẻ về quá trình "biến" xe cũ thành xe mới, ông Kính nói: "Giờ nhiều người dùng xe máy, xe đạp điện nên những chiếc xe đạp cũ họ không sử dụng và đem bán. Trong khi đó, nhiều nơi còn thiếu thốn nên tôi tìm mua lại với giá từ 100.000- 300.000 đồng rồi về "tân trang," sửa chữa để tặng học sinh nghèo."
Quá trình "biến" một chiếc xe cũ thành xe mới mất nhiều thời gian do phải tìm kiếm thêm các phụ tùng cho xe.
Lắp ráp xong, ông còn tự tay sơn lại thành một chiếc xe gần như mới và dành thời gian để kiểm tra chất lượng trước khi trao tặng.
Bà Nguyễn Thị Năm, vợ ông Kính, chia sẻ con gái bà vừa là giáo viên vừa làm công tác thiện nguyện nên cháu hỗ trợ việc trao tặng những chiếc xe đạp cho học sinh, người nghèo.
Hiện nay, ông bà dành một gian nhà để sửa và xếp xe. Mặc dù đã có tuổi nhưng còn làm được việc thiện giúp người có hoàn cảnh khó khăn nên ông bà vẫn cố gắng làm.
Tiếng lành đồn xa, dần dần nhiều người biết đến việc làm ý nghĩa của ông Kính nên đã mang những chiếc xe đạp không có nhu cầu sử dụng tới để ông sửa chữa, "tân trang" lại, tặng cho người nghèo.
Những chiếc xe "chở ước mơ"
Hai em Phạm Đăng Quang, sinh năm 2014, và Nguyễn Hồng Ngọc, sinh năm 2002, có hoàn cảnh khó khăn, được trụ trì chùa Trung Sơn, thành phố Tam Điệp nhận nuôi.
Hằng ngày, Quang thường đưa đón Ngọc đến trường qua nhà ông Kính. Do không có xe nên có những ngày hai anh em phải đi bộ đến trường. Biết được hoàn cảnh khó khăn của hai em, ông Kính đã tặng chiếc xe đạp do chính tay ông sửa chữa, "tân trang" để hai anh em có phương tiện đến trường.
Em Phạm Đăng Quang chia sẻ từ khi có xe đạp, việc đưa em Ngọc đi học không còn vất vả như trước. Khi xe hỏng em thường mang đến nhà ông Kính nhờ ông sửa giúp. Mỗi lần như vậy, ông đều không lấy tiền và còn dặn dò hai anh em phải học tập thật tốt.
Ông Phạm Trung Sơn, Bí thư Chi bộ Tổ dân phố 5, phường Trung Sơn, thành phố Tam Điệp, cho biết: "Đồng chí Kính luôn giữ vững phẩm chất bộ đội Cụ Hồ và bản chất của con người Việt Nam là lá lành đùm lá rách. Những tấm gương làm việc tốt như đồng chí Kính đã góp phần lan tỏa đạo lý "thương người như thể thương thân" của dân tộc ta. Mong rằng đồng chí Kính sẽ có thật nhiều sức khỏe để ngày càng có nhiều phần việc ý nghĩa vì cộng đồng."
Miệt mài suốt hơn 10 năm, ông Kính đã hoàn thiện và trao tặng trên 150 chiếc xe đạp cho trẻ em, người có hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài tỉnh. Những chiếc xe ấm áp nghĩa tình đã tiếp sức cho nhiều học sinh tới trường, tạo động lực để người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống./.