Các tình nguyện viên tại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết vẫn đang nỗ lực tìm kiếm những người còn sống sót tại thành phố Antakya, nhưng nạn trộm cắp và các vấn đề vệ sinh đã trở thành gánh nặng mới trong nhiệm vụ của họ.
Một người sống sót đang tìm kiếm người quen bị chôn vùi trong tòa nhà đổ sập cho Reuters biết rằng anh đã chứng kiến nạn cướp bóc xuất hiện ngay từ những ngày đầu tiên sau khi xảy ra động đất hôm 6/2.
Mehmet Bok, 26 tuổi, hiện đã dọn tới Antakya và đang tìm kiếm đồng nghiệp của mình chia sẻ: “Người hôi của đập vỡ cửa sổ và hàng rào của các cửa hàng. Họ đập cả kính ôtô.”
Các tổ chức cứu trợ của Đức đã tạm đình chỉ hoạt động cứu hộ trong khu vực động đất vào ngày 11/2, viện dẫn vấn đề an ninh. Họ cho biết đã xảy ra các cuộc đụng độ giữa một số nhóm người có sử dụng súng.
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ chưa đưa ra bình luận về bất kỳ tình trạng bất ổn nào.
[Thổ Nhĩ Kỳ trấn áp nạn cướp bóc sau trận động đất kinh hoàng]
Nhưng Tổng thống Tayyip Erdogan vào ngày 11/2 cho biết chính phủ sẽ xử lý dứt khoát đối với tội phạm cướp bóc và các hành vi phạm tội khác, đồng thời lưu ý rằng tình trạng khẩn cấp đã được ban bố.
Tổng số người thiệt mạng trong trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã gần chạm ngưỡng 30.000, tính tới thời điểm bài viết này được xuất bản.
Gizem, một nhân viên cứu hộ đến từ tỉnh Sanliurfa ở phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết cô cũng đã nhìn thấy những tên cướp trong 4 ngày ở Antakya.
“Chúng tôi không thể can thiệp vì hầu hết bọn cướp đều mang theo dao. Hôm nay mọi người bắt được một tên cướp, họ đã đuổi theo hắn,” Gizem chia sẻ thêm.
Theo Gizem, thành phố Antakya là nơi có sự hiện diện dày đặc của cảnh sát và quân đội, tuy nhiên vấn đề cướp bóc vẫn xảy ra.
Gizem mô tả Antakya như một thành phố ngập tràn sự chết chóc và hủy diệt khi cô mới tới nơi. “Chúng tôi không thể cầm được nước mắt,” cô xúc động nói khi tiếng còi xe cấp cứu rền rĩ phía sau. “Nếu mọi người không chết dưới đống đổ nát ở đây, họ sẽ chết vì bị thương, hoặc vì nhiễm trùng. Ở đây không có nhà vệ sinh. Đó là một vấn đề lớn.”
Gizem cho biết thêm rằng người ta thậm chí không có đủ túi xác để chứa các thi thể. “Xác người chết nằm la liệt trên đường, nhưng chỉ có những tấm chăn đắp trên người họ,” cô kể.
Nhiều người sống sót đã phải đeo khẩu trang, để giảm bớt mùi hôi thối bốc ra từ các thi thể.
Hiện vệ sinh là vấn đề lớn khác khiến nhiều người lo ngại. Nhiều hàng dài người đã xuất hiện tại các nhà vệ sinh di động tạm thời. Nhưng không ít người đã tranh thủ “xả bậy,” dẫn đến những phàn nàn về mùi hôi thối.
“Tôi nghĩ thứ cần thiết nhất bây giờ là các sản phẩm vệ sinh. Chúng tôi gặp vấn đề về nhà vệ sinh, tôi sợ rằng một số bệnh dịch sẽ lây lan,” một người đàn ông giấu tên cho biết và nói thêm rằng anh đã đến từ Antalya để hỗ trợ việc tìm kiếm cứu nạn./.