Chiều 8/11, Quốc hội tiếp tục diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.
Tái cấu trúc quy trình, nghiệp vụ thủ tục hành chính
Làm rõ thêm những nội dung chỉ đạo và kết quả triển khai thực hiện của Thủ tướng Chính phủ về về xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay sau 20 năm triển khai Chính phủ điện tử, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ và kết quả khích lệ. Tuy nhiên, nhìn nhận thẳng thắn là nhiều kết quả chưa như mong đợi.
Trước tình hình trên, năm 2014, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết về ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển kinh tế xã hội cũng như hội nhập quốc tế. Sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 17 xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm xây dựng Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2025, trong đó có tập trung hoàn thiện thể chế. Đến thời điểm thích hợp, Chính phủ sẽ nghiên cứu để trình Quốc hội ban hành Luật Chính phủ điện tử.
Vấn đề rất quan trọng khác là nền tảng hạ tầng công nghệ, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, sẽ sớm ban hành khung kiến trúc Chính phủ điện tử 2.0. Đây là điều rất quan trọng để các cơ quan, các nhà mạng căn cứ vào quy chuẩn, tiêu chuẩn để đảm bảo các phần mềm được kết nối.
“Hạ tầng công nghệ thông tin phải đảm bảo an ninh thông tin. Hạ tầng dùng chung, hiện đã có mạng truyền số liệu cho các cơ quan Đảng, chính quyền”- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, cơ sở dữ liệu về bảo hiểm hiện cơ bản hoàn thành, đã tinh lọc được 85 triệu thẻ bảo hiểm; cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp hiện đã có cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang hoàn thiện liên quan đến Thuế, Hải quan. Còn hai nội dung lớn liên quan đến cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tới đây Thủ tướng sẽ chủ trì để nghe Bộ Công an báo cáo, tháo gỡ đồng thời, bổ sung vốn đầu tư công dự phòng cho việc này. Cơ sở dữ liệu quốc gia, đất đai cũng đang tiếp tục xem xét.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nhấn mạnh thực trạng hiện nay các cơ sở dữ liệu vừa phân tán vừa tập trung. Ví dụ như cơ sở dữ liệu quốc gia từ dân cư tập trung giao Bộ Công an, cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm giao cho Cơ quan bảo hiểm. Một số khác phân tán tại các địa phương, các thành phố.
“Vì đây là cơ sở quản lý để thành các thủ tục liên quan đến phục vụ nhân dân và các cơ sở dữ liệu khác hiện vẫn đang do các bộ, ngành, địa phương quản lý,” Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, để triển khai thành công Chính phủ điện tử đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải triệt để tuân thủ nguyên tắc, tập trung nguồn lực để tái cấu trúc quy trình, nghiệp vụ thủ tục hành chính theo hướng tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, cắt giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, lựa chọn những dịch vụ công thiết yếu để thực hiện trước.
Theo lộ trình, cuối tháng 11 này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia. Thời điểm này có thể đưa một số các dịch vụ lên Cổng như nộp thuế doanh nghiệp, cấp đổi giấy phép lái xe trong nước và quốc tế, cấp điện trung áp, hạ áp… Tiếp theo, quý 1 năm 2020, sẽ thực hiện cung cấp danh mục dịch vụ công thuế thu nhập cá nhân, cấp đăng ký khai sinh, thu tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, thu phí, lệ phí trước bạ đối với ôtô, xe máy…
Liên minh, liên kết để đối phó an ninh mạng
Giải trình về vấn đề an ninh mạng, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, đây là một vấn đề toàn cầu. Các quốc gia trên thế giới đều quan tâm đến vấn đề này và không có một diễn đàn quốc tế nào từ Liên hợp quốc cho đến các diễn đàn khu vực không có chủ đề bàn về an ninh mạng.
“Chúng tôi cũng thấy không có một quốc gia nào có đủ lực để đối phó với vấn đề an ninh mạng mà đều phải liên minh, liên kết với nhau để xử lý,” Bộ trưởng chỉ rõ.
Theo Bộ trưởng, Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, thậm chí có người nói rằng chúng ta đang phải đối mặt với cuộc chiến tranh mạng. Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã ban hành luật, nghị quyết… để đảm bảo an ninh mạng và phục vụ phát triển kinh tế của đất nước.
Liên quan tội phạm mạng, Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là loại tội phạm ẩn danh, hoạt động trên tất cả các mặt đời sống kinh tế văn hóa xã hội, không chỉ khủng bố tuyên truyền, chia rẽ phá hoại đoàn kết dân tộc, tạo ra khủng hoảng mà thậm chí còn can thiệp bầu cử như một số nước trên thế giới.
Ngoài những lĩnh vực đã và đang đấu tranh xử lý, hiện nay, lực lượng Công an quan tâm đến một số vấn đề khác đang có chiều hướng phát triển ở Việt Nam như thương mại điện tử, nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, buôn lậu trốn thuế trên không gian mạng; vấn đề tín dụng điện tử, tiền ảo, tiền công nghệ đã vượt lên trên sự quản lý của ngân hàng, vượt qua khỏi lãnh thổ quốc gia thế; tội phạm cờ bạc, xâm hại trẻ em...
Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an đang phối hợp với các ngành để triển khai các công tác để bảo đảm an ninh, an toàn.
Đối với trung tâm dữ liệu dân cư quốc gia, Bộ trưởng Tô Lâm thông tin, Bộ Công an đang tập trung xây dựng thông tin dữ liệu quốc gia, triển khai hiệu quả những vấn đề của Luật An ninh mạng và các văn bản dưới luật, từng bước hướng dẫn, yêu cầu người dân sống và làm việc trên mạng tuân thủ đúng các quy định của Luật An ninh mạng.
Bộ Công an ủng hộ sự phát triển về công nghệ mạng, coi công nghệ mạng là hệ tuần hoàn, hệ huyết mạch quan trọng như cơ thể đời sống con người đối với hệ thông tin, hệ mạng quốc gia.
“Để duy trì sự sống, các bác sỹ tim mạch phải làm mọi cách giữ hệ tuần hoàn thông suốt, đảm bảo không cho nó đột quỵ, không đứt mạch, không tắc nghẽn," Bộ trưởng Tô Lâm phân tích./.