Cuối tháng 10, Đà Nẵng tiêm vaccine cho học sinh trung học phổ thông

Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đề nghị ngành Y tế phối hợp với ngành Giáo dục, tiêm vaccine Pfizer ngừa COVID-19 cho học sinh lớp 10, 11,12 từ ngày 26-29/10.
Bảng khuyến cáo thực hiện thông điệp 5K tại Công viên Biển Đông, thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Chiều 22/10, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng họp bàn các biện pháp phòng, chống dịch.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng cho biết, tính từ 13h ngày 21/10 đến 13h ngày 22/10, thành phố không ghi nhận ca mắc mới COVID-19. Tính từ ngày 10/7 đến nay, thành phố ghi nhận 4.692 ca mắc COVID-19.

Ngày 22/10 có 8.768 lượt người được xét nghiệm. Địa phương hiện có 4 điểm phong tỏa; 55 trường hợp về từ vùng dịch cách ly tập trung và 862 trường hợp cách ly tại nhà.

Đến nay, thành phố Đà Nẵng đã tiêm 999.744 mũi tiêm; trong đó 854.135 người tiêm mũi 1 (đạt 97,6%) và 145.609 người tiêm mũi 2 (đạt 16,6%).

Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Ngô Thị Kim Yến cho hay, theo kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo, thành phố sẽ tổ chức đi học trở lại cho lớp 1, lớp 9, lớp 12 vào ngày 1/11/2021. Đến ngày 8/11/2021, toàn bộ học sinh sẽ đi học lại. Đặc biệt, sắp tới thành phố tiếp nhận hơn 100.000 liều vaccine Pfizer.

[Người từ nơi "nguy cơ thấp" không phải xét nghiệm khi đến Đà Nẵng]

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố đề nghị ngành Y tế phối hợp với ngành Giáo dục có kế hoạch tiêm vaccine Pfizer cho học sinh từ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi (lớp 10, 11,12) từ ngày 26-29/10.

Ngành Giáo dục cần chủ động lên danh sách, tập huấn để việc tiêm vaccine cho học sinh trung học phổ thông diễn ra thuận lợi, tránh bỏ sót đối tượng.

Đồng thời, ngành Giáo dục cần dựa vào hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo để xây dựng tiêu chí trường học an toàn, đảm bảo phòng, chống dịch khi học sinh đi học trở lại.

Bà Ngô Thị Kim Yến yêu cầu các quận, huyện sớm có báo cáo về việc kiểm tra, thống kê các cơ sở triển khai việc quét mã QRcode, xử lý các cơ sở không tổ chức quét mã QRcode, không có phương án, kế hoạch phòng, chống dịch trên địa bàn.

Bên cạnh đó, các địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch tổ chức các Trạm Y tế lưu động, nhằm tổ chức tập huấn, chuẩn bị trang thiết bị, nhân lực để đáp ứng các tiêu chí của Bộ Y tế.

Sở Y tế cần nghiên cứu các văn bản mới của Trung ương để kịp thời tham mưu lãnh đạo thành phố, có phương án phòng, chống dịch phù hợp trong giai đoạn mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục