Cuối năm 2019, người dân sẽ có hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân

Hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cá nhân tử giúp mỗi người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của mình, từ đó, chủ động phòng bệnh, chủ động chăm sóc sức khỏe.
Cuối năm 2019, người dân sẽ có hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân ảnh 1Phần mềm Hồ sơ sức khỏe được kết nối liên thông tại 90% trạm y tế xã, phường, thị trấn. (Ảnh: TTXVN phát)

Phần mềm Hồ sơ sức khỏe điện tử đã được Bộ Y tế triển khai thí điểm tại 26 trạm y tế xã thuộc tám tỉnh, thành phố là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Lào Cai, Yên Bái, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Long An.

Đây là tám tỉnh, thành phố tham gia vào Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới, thực hiện mô hình điểm trạm y tế xã, phường giai đoạn 2018-2020.

Tính đến thời điểm này, phần mềm Hồ sơ sức khỏe được kết nối liên thông tại 90% trạm y tế xã, phường, thị trấn thuộc tám địa phương nói trên.

[Hà Nội triển khai thí điểm quản lý hồ sơ sức khỏe cho nhân dân]

Theo Bộ Y tế, Hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cá nhân tử giúp mỗi người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của mình, từ đó, chủ động phòng bệnh, chủ động chăm sóc sức khỏe.

Khi đi khám bệnh, thông qua hồ sơ sức khỏe, người bệnh cung cấp cho thầy thuốc hồ sơ sức khỏe, tiền sử bệnh tật và quá trình khám chữa bệnh một cách nhanh chóng, chính xác, đầy đủ tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị của thầy thuốc.

Khi người dân đến cơ sở y tế, bác sĩ ở bất kỳ đâu chỉ cần bấm máy tính là sẽ hiện ra đầy đủ thông tin về hiện trạng sức khỏe của người đó, giúp ích rất nhiều cho chẩn đoán và điều trị.

Đối với người thầy thuốc, Hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cá nhân cung cấp cho người thầy thuốc đầy đủ các thông tin về bệnh tật, tiền sử bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Từ đó kết hợp với thăm khám hiện tại, người thầy thuốc có nhận định về sức khỏe của người bệnh toàn diện hơn, chẩn đoán bệnh kịp thời, chính xác hơn, phát hiện bệnh sớm hơn, điều trị kịp thời khi bệnh còn ở giai đoạn sớm mang lại hiệu quả điều trị cao hơn, giảm bớt chi phí khám bệnh, chữa bệnh của mỗi người dân.

Hơn nữa, khi thông tin về sức khỏe của người bệnh được thông suốt giữa các tuyến sẽ giúp việc chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn. Hồ sơ sức khỏe điện tử giúp người thầy thuốc chăm sóc sức khoẻ cho người dân liên tục, toàn diện theo nguyên lý của y học gia đình tốt hơn.

Đối với công tác quản lý, việc triển khai Hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cá nhân giúp cho ngành có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác và kịp thời. Khi thông tin về khám chữa bệnh của người bệnh thông suốt, minh bạch, giúp cho việc quản lý chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế dễ dàng hơn, góp phần hạn chế việc lạm dụng thuốc và xét nghiệm nếu có.

Hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cá nhân là cơ sở dữ liệu về sức khỏe rất lớn, giúp Ngành Y tế có các chỉ đạo kịp thời về phòng chống dịch bệnh, dự báo, hoạch định chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân tốt hơn vì có những bằng chứng thực tiễn, có cơ sở khoa học hơn.

Phần mềm Hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cá nhân y tế sử dụng nguồn dữ liệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam để tạo lập mã số định danh (ID) và hồ sơ sức khỏe điện tử cho từng cá nhân. Điều này, không gây phiền hà cho người dân và thông tin dữ liệu của người dân được bảo mật tuyệt đối.

Dự kiến, lộ trình thực hiện Hồ sơ sức khỏe điện tử như sau: Từ tháng 1-6/2019 triển khai và hoàn thiện phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử cho tám tỉnh, thành phố trong mô hình điểm.

Từ tháng 7/2019, tổ chức triển khai nhân rộng trên toàn quốc. Như vậy, đến nửa cuối năm 2019, người dân sẽ có hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục