Tòa nhà bị phá hủy trong xung đột tại Sloviansk, Ukraine, ngày 27/3/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cuộc xung đột Nga-Ukraine khi nào chấm dứt?

Lực lượng Nga và Ukraine vẫn trong thế giằng co trên chiến trường với rất ít diễn biến mang tính đột phá, trong khi các nỗ lực tìm giải pháp hòa bình gần như “dậm chân tại chỗ.”

Tròn hai năm kể từ khi xung đột bùng phát ngày 24/2/2022, lực lượng Nga và Ukraine vẫn trong thế giằng co trên chiến trường với rất ít diễn biến mang tính đột phá, trong khi các nỗ lực tìm giải pháp hòa bình gần như “dậm chân tại chỗ.”

Câu hỏi chưa có lời giải

Ngay trước thời điểm cuộc xung đột bước sang năm thứ ba, một trong những diễn biến đáng chú ý nhất trên thực địa là việc Bộ Quốc phòng Nga thông báo giành quyền kiểm soát thành phố chiến lược Abdiibka, cửa ngõ vào Donetsk ở miền Đông Ukraine.

Lực lượng Nga được đánh giá là đã giành lại thế chủ động sau khi các chiến dịch phản công của Ukraine từ tháng 6/2023 hầu như không mang lại kết quả. Tuy nhiên, vẫn chưa có dấu hiệu về một bước ngoặt đáng kể trong cục diện.

Ukraine tiếp tục kêu gọi hỗ trợ quân sự quy mô lớn từ phương Tây. Theo ước tính của Bộ Quốc phòng Estonia, các nước phương Tây cần đầu tư 0,25% GDP vào hỗ trợ quân sự cho Ukraine để nước này tiếp tục duy trì cuộc chiến trong năm 2024 và chuẩn bị cho một đợt phản công mới vào năm 2025.

Liên minh châu Âu (EU) đã phê duyệt gói viện trợ trị giá 54 tỷ USD, các thành viên châu Âu trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng khẳng định cung cấp thêm vũ khí, khí tài cho Ukraine.

Tính đến thời điểm hiện tại, phương Tây đã cung cấp hoặc cam kết gửi vũ khí cho Ukraine nhiều hơn so với giai đoạn đầu của cuộc xung đột.

Mới đây nhất, Liên minh châu Âu (EU) đã phê duyệt gói viện trợ trị giá 54 tỷ USD, các thành viên châu Âu trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng khẳng định cung cấp thêm vũ khí, khí tài cho Ukraine.

Tiếp nối các chuyến công du nước ngoài kêu gọi viện trợ quân sự, Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky vừa có chặng dừng chân tại và Đức và Pháp với việc ký kết 2 thỏa thuận hợp tác, kèm theo cam kết cung cấp vũ khí bổ sung.

Tuy nhiên, như chia sẻ của ông Antonio Albanese, Giám đốc hãng truyền thông AGC của Italy trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN, việc biến cam kết thành hành động lại phụ thuộc vào những cân nhắc về lợi ích quốc gia.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (phải) trong cuộc gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) ở Washington, DC ngày 21/9/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tại Mỹ, đề xuất của Tổng thống Joe Biden về việc cấp khoản viện trợ quân sự mới cho Kiev không nhận được sự ủng hộ của các nghị sỹ quốc hội, trong đó có cả những thành viên đảng Dân chủ.

EU và NATO đều chưa sẵn sàng đáp ứng đề nghị kết nạp Ukraine khi cho rằng Kiev vẫn còn cần nhiều cải thiện mới đủ điều kiện, tiêu chuẩn được gia nhập các khuôn khổ hợp tác này.

Một số nước EU thậm chí sẵn sàng ban hành lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine nhằm xoa dịu làn sóng biểu tình của nông dân vốn lo ngại tác động từ các biện pháp hỗ trợ Ukraine có thể ảnh hưởng đến ngành sản xuất trong nước.

Bên cạnh đó, Giáo sư Fabio Massimo Parenti tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Lorenzo de' Medici, Italy nhận định những điểm nóng mới như xung đột giữa Hamas và Israel ở Dải Gaza, căng thẳng ở Trung Đông và những biến động ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương khiến Mỹ các đồng minh Đại Tây Dương lùi lại một vài bước trong nỗ lực tạo khoảng cách với “vũng lầy Ukraine.”

Bế tắc dai dẳng

Theo một nghiên cứu gần đây, do Datapraxis và YouGov thực hiện cho Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, chỉ 10% người trả lời ở 12 quốc gia châu Âu tin rằng Ukraine có thể giành chiến thắng trong cuộc xung đột đang tiếp diễn, 37% mong chờ một thỏa thuận được ký kết để chấm dứt tình thế bế tắc dai dẳng hiện nay.

Từ tháng 6/2023, hội nghị quốc tế nhằm tìm giải pháp cho cuộc xung đột Ukraine, sau khi đàm phán giữa Moskva và Kiev bị đình trệ, đã bắt đầu ở thủ đô Copenhagen của Đan Mạch, tiếp đó là 3 vòng thảo luận tại Saudi Arabia, Malta và Thụy Sĩ, với sự tham gia của hàng chục quốc gia.

Brazil, Trung Quốc và Liên minh châu Phi (AU) cũng liên tục đưa ra các đề xuất hòa bình. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có đề xuất nào có thể đưa hai bên ngồi vào bàn đàm phán. Việc nhiều hội nghị không có sự tham gia của Nga được cho là một trong những nhân tố khiến cánh cửa nối lại đàm phán chưa thể mở.

Gia tăng căng thẳng

So với năm đầu tiên xung đột bùng phát, căng thẳng giữa Nga và phương Tây được đẩy lên cao hơn với các động thái trừng phạt, đáp trả lẫn nhau ngày càng gay gắt.

Liên minh châu Âu (EU) vừa thông qua gói trừng phạt thứ 12 nhằm vào Nga, còn Moskva kéo dài lệnh cấm các nhà đầu tư từ phương Tây đến năm 2025.

Mối nghi kỵ giữa hai bên càng được khoét sâu khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) kết nạp thêm Phần Lan vào tháng 4/2023 và bật đèn xanh cho Thụy Điển.

Liên minh châu Âu (EU) vừa thông qua gói trừng phạt thứ 12 nhằm vào Nga, còn Moskva kéo dài lệnh cấm các nhà đầu tư từ phương Tây đến năm 2025.

Khi mới bùng phát, cuộc xung đột được xem là chất xúc tác để nước châu Âu vượt qua những chia rẽ đang có khi cùng phải giải quyết thách thức chung về mặt an ninh.

Tuy nhiên, sau 24 tháng bị cuốn vào cuộc xung đột và chưa nhìn thấy lối ra, sự gắn kết ấy dần lỏng lẻo và bị thay thế bởi tâm lý mệt mỏi trước những thiệt hại mà "Lục địa già" phải đối mặt.

Một trong những minh chứng cho thấy rõ sự thiệt hại của các nước châu Âu khi mất nguồn cung năng lượng từ Nga là trường hợp của Đức.

Giá năng lượng là một trong những tác nhân chính khiến nền kinh tế lớn nhất châu Âu thiệt hại hơn 216 tỷ USD trong suốt thời gian 2 năm xung đột bùng phát ở Ukraine.

Châu Âu đã mất đi đối tác năng lượng hiệu quả nhất là Nga - đây là một trong những yếu tố tạo nên những khác biệt giữa các nước trong cách tiếp cận với Nga, dẫn tới khó tạo đồng thuận về hành động đối với Moskva.

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng gần Kramatorsk, Ukraine ngày 4/8/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Không chỉ vậy, mâu thuẫn trong nội bộ nhiều nước cũng bị khoét sâu khi các biện pháp hỗ trợ của EU dành cho Ukraine bị coi là ảnh hưởng tới lợi ích của người dân. Có thể thấy rõ điều này qua các cuộc biểu tình của nông dân các nước châu Âu trong nhiều tháng qua.

Xuất phát từ Ba Lan với yêu cầu không nhập khẩu lúa mỳ từ Ukraine, làn sóng này đã lan rộng ra toàn khối phản đối các chính sách chung của EU.

Về phần Nga, nước này được đánh giá là đã tìm ra biện pháp hạn chế tác động từ chuỗi các lệnh trừng phạt của các nước phương Tây và phí tổn ngày càng gia tăng do xung đột kéo dài.

Theo số liệu của Tổng cục thống kê Liên bang Nga (Rosstat), tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2023 là 3,6%, cao hơn cả những cam kết của chính quyền.

Các nhà xuất khẩu dầu cũng thích ứng rất nhanh trước các biện pháp trừng phạt khi sản lượng dầu của Liên bang Nga chỉ giảm 1% trong năm 2023 và xuất khẩu tiếp tục tạo ra ngoại hối cần thiết để ổn định thị trường trong nước.

Tuy vậy, những tổn thất của Nga và Ukraine do xung đột dai dẳng là không nhỏ. Theo tính toán của Lầu Năm Góc (Mỹ), gần 2 năm tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Nga thiệt hại tới 211 tỷ USD.

Cảnh tàn phá do xung đột tại Kharkiv, miền Đông Ukraine, ngày 30/8/2022. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Trong khi đó, theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, Liên hợp quốc, Ủy ban châu Âu và Chính phủ Ukraine công bố tháng 2/2024, việc tái thiết nền kinh tế Ukraine sau xung đột dự kiến sẽ tiêu tốn 486 tỷ USD, cao gấp 2,8 lần sản lượng kinh tế dự kiến cho năm 2023 của nước này.

Bước sang năm thứ ba xung đột giữa Nga và Ukraine, vẫn chưa có tia sáng về một giải pháp hòa bình. Triển vọng càng thêm ảm đạm nếu tính đến những yếu tố có thể chi phối lựa chọn chính sách của các nước trong năm 2024, như các cuộc bầu cử tổng thống tại Nga và Mỹ hay việc bầu lại các vị trí lãnh đạo của EU, NATO.

Do đó, chắc chắn cuộc khủng hoảng này vẫn sẽ là yếu tố tác động đời sống chính trị-kinh tế-an ninh quốc tế trong thời gian tới. Không chỉ Moskva hay Kiev gánh chịu tổn thất, thế giới cũng sẽ phải mất nhiều năm mới có thể khắc phục và vượt qua những hệ lụy từ cuộc xung đột dai dẳng này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục