Cước vận tải, hàng tiêu dùng giữ giá mặc dù giá xăng dầu giảm

Mặc dù giá xăng dầu đã có 4 lần giảm giá liên tiếp với tổng mức giảm gần 4.000 đồng/lít, song nhiều mặt hàng tiêu dùng và đặc biệt là cước vận tải vẫn “cố thủ.”
Ảnh minh họa. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Giá xăng dầu đã có 4 lần giảm giá liên tiếp với tổng mức giảm gần 4.000 đồng/lít. So với thời điểm đầu năm nay, giá xăng hiện đã thấp hơn khoảng 1.400 đồng/lít. Dù vậy, nhiều mặt hàng tiêu dùng và đặc biệt là cước vận tải vẫn “cố thủ.”

Trong hai tháng qua, giá xăng đã có 4 lần giảm giá liên tiếp. Cụ thể, vào ngày 22/10, giá xăng E5 giảm nhẹ 224 đồng/lít; xăng RON95 giảm 144 đồng/lít; vào ngày 6/11, giá xăng E5 giảm mạnh 1.082 đồng/lít, xăng RON95 giảm 1.138 đồng/lít; ngày 21/11, giá xăng E5 tiếp tục giảm mạnh 973 đồng/lít; xăng RON95 giảm 1.093 đồng/lít. Gần đây nhất, ngày 6/12, giá xăng E5 giảm 1.446 đồng/lít, xăng A95 giảm 1.513 đồng/lít.

Qua tìm hiểu tại các chợ trên địa bàn Hà Nội, như chợ Mơ, chợ Hôm, chợ 8/3..., giá cả hầu hết các mặt hàng không có sự thay đổi nhiều so với thời điểm 2 tháng trước.

Tại chợ Mơ, giá thịt bò vẫn ở mức 220.000-230.000 đồng/kg, thịt gà lông có giá 100.000-110.000 đồng/kg, cá chép giá 70.000-75.000 đồng/kg. Giá ốc nhồi có giảm từ 80.000 đồng/kg xuống còn 70.000-73.000 đồng/kg... Mặt hàng rau xanh giá không có nhiều biến động. Giá xu hào 2.500 đồng/củ, củ cải trắng 10.000 đồng/kg, rau muống 10.000-12.000 đồng/mớ. Riêng chỉ có giá cà chua hàng loại 1 đã giảm từ mức 25.000 đồng xuống còn khoảng 15.000-18.000-20.000 đồng/kg, cà chua loại 2 giá vẫn dao động quanh 12.000 đồng/kg...

Theo các tiểu thương tại chợ Mơ, giá xăng giảm vẫn không có tác động đến giá bán ra của các sản phẩm tiêu dùng. Giá cả lên hay xuống chủ yếu phụ thuộc nhu cầu tiêu dùng và lượng cung cấp hàng hoá trong ngày.

Chị Hà Thị Tuyến, kinh doanh rau củ tại chợ Mơ cho hay, giá xăng không tác động tới giá hàng hóa, vì lý do “gần cuối năm”, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng tăng cao hơn bình thường. Bên cạnh đó, mặt hàng rau củ quả vào mùa lạnh luôn giữ giá hoặc có giá cao hơn các thời điểm trong năm.

Không chỉ riêng mặt hàng tiêu dùng giữ giá, mà giá cước vận tải cũng đang “cố thủ” khi xăng dầu giảm giá mạnh. Hiện xăng dầu chiếm khoảng 40% yếu tố chi phí trong hoạt động kinh doanh vận tải. Việc xăng liên tục giảm giá trong 2 tháng qua được hi vọng sẽ khiến cước vận tải giảm. Thế nhưng đến nay, mức cước vận tải vẫn không có sự thay đổi.

Chị Nguyễn Thu Trang ở phố Bạch Mai (Hà Nội) cho hay, chị thường xuyên phải sử dụng dịch vụ taxi khi di chuyển, nhưng với 4 lần giảm giá xăng mà mức cước không giảm thì sẽ là không công bằng với người dùng dịch vụ. Hiện mức cước phổ biến vẫn ở khoảng 11.500 đồng/km. Trong bối cảnh cạnh tranh với công nghệ Grab, nếu các hãng taxi không thể cân đối, giảm giá để tăng sức cạnh tranh thì sẽ rất khó để tồn tại.

Theo ông Đinh Văn Sáu, Chủ tịch hãng Taxi Hương Lúa, giảm giá cước vận tải, không phải nói giảm là có thể giảm ngay. Từ đầu năm, giá xăng tăng 6 lần, có đợt điều chỉnh lên vượt mốc 20.000 đồng/lít nhưng nhiều hãng taxi vẫn gồng mình giữ ổn định cước taxi để giữ chân khách hàng và có thể cạnh tranh với Grab…

Ngoài ra, muốn thay đổi giá cước, doanh nghiệp tốn khá nhiều thời gian và chi phí về thủ tục đăng ký điều chỉnh cước, thay đồng hồ cước, bảng biểu, kẹp chì… chứ không phải muốn tăng là tăng, giảm là giảm như Grab.

Theo ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, để điều chỉnh cước vận tải, doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian và chi phí. Trước tiên, các doanh nghiệp phải tính toán dựa trên giá xăng dầu tăng giảm, với biên độ tăng, giảm rộng; họp bàn và quyết định mức giá chung để đảm bảo có lãi trong hoạt động kinh doanh. Sau đó mới đến các thủ tục khác, như: taxi phải cài đặt lại đồng hồ tính tiền; vận tải khách phải in lại vé và phát hành lại. Trong vận tải hàng hóa do hợp đồng với chủ hàng đã được ký trước theo thời gian dài, khi điều chỉnh giá cước phải đàm phán với chủ hàng. Đó là chưa kể thời gian chờ đợi đăng ký với cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, ông Liên cũng cho hay, Hiệp hội cũng khuyến cáo các doanh nghiệp, mức giá xăng đã giảm tương đối lớn, vì thế cũng cần có những tính toán để làm sao đảm bảo hoạt động kinh doanh có lãi và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, các doanh nghiệp vận tải chưa thể giảm giá cước ngay, cũng có lý do. Có thể kể đến như việc các doanh nghiệp phải có sự tính toán phương án về giá cước, dự báo xăng dầu trong khoảng thời gian nhất định…để thực hiện điều chỉnh.

Ngoài ra, để điều chỉnh được giá cước, doanh nghiệp phải cần thời gian để chuẩn bị, kê khai giá với cơ quan chức năng. Cụ thể, như các thủ tục kê khai với Sở Tài chính, sau một thời gian kê khai theo quy định mới được điều chỉnh giá cước. Được chấp thuận, các đơn vị vận tải mới tiến hành cài đặt lại đồng hồ tính tiền, bảng biểu, kẹp chì… Còn các đơn vị vận tải hành khách phải in lại vé và phát hành lại. Với hàng nghìn xe taxi, việc thay đổi đồng hồ, bảng biểu không thể diễn ra trong thời gian ngắn.

Ông Quyền cũng cho hay, qua theo dõi tình hình biến động giá xăng dầu, hiệp hội thường khuyến cáo các đơn vị vận tải giải quyết hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, xã hội và người tiêu dùng, để phát triển và cạnh tranh tốt hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục