Bài 2: Minh bạch cước vận tải biển bằng sàn giao dịch, tránh thổi giá

Cước vận tải biển tăng phi mã: Doanh nghiệp lao đao, hãng tàu vớ bẫm

Ngoài việc ổn định giá vận chuyển, các hãng tàu nước ngoài cần thực hiện đúng quy định về việc công khai minh bạch giá cước vận tải và cơ quan chức năng sẽ có các chế tài để quản lý chặt chẽ.
Cước vận tải biển tăng phi mã: Doanh nghiệp lao đao, hãng tàu vớ bẫm ảnh 1Bốc xếp hàng hóa tại một cảng biển Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Để tránh hãng tàu hoặc đại lý giao hàng bắt tay “thổi giá,” đại diện cơ quan quản lý Nhà nước và các Hiệp hội ngành nghề đề nghị cần có giải pháp kê khai giá cước công khai, minh bạch trên sàn giao dịch nhằm thống nhất về mức giá.

Hãng tàu cần phải kê khai giá

Thừa nhận tình trạng “nóng” giá cước vận tải hiện nay diễn ra trên toàn cầu và khu vực, không chỉ riêng Việt Nam, theo ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), thực tế, có thời điểm, số lượng container rỗng các hãng tàu nước ngoài đưa về Việt Nam còn nhiều hơn thị trường khác như Thái Lan. Thậm chí, họ còn bổ sung thêm chuyến, thêm tuyến để cùng cơ quan chức năng và chủ hàng Việt Nam duy trì, vận hành chuỗi vận tải hàng hóa…

Để đảm bảo quyền lợi về giá cước vận tải cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam, ông Giang cho rằng cần phải xây dựng một hệ thống giải pháp mà trước tiên là minh bạch giá cước bằng sàn giao dịch, tránh hiện tượng hội sở (Công ty mẹ) hãng tàu nước ngoài công bố giá cước 5.000USD nhưng đại lý tại Việt Nam “thổi” giá lên 7.000USD.

Tiếp đến là minh bạch về chất lượng dịch vụ, Cục Hàng hải Việt Nam sẽ tham mưu các cấp có thẩm quyền tìm hiểu thông lệ quốc tế để xây dựng quy định phù hợp, yêu cầu hãng tàu khi đến hoạt động tại cảng biển Việt Nam phải đăng ký và đảm bảo sự ổn định về số tuyến, số chuyến, số phương tiện, khung thời gian hoạt động, số chỗ trống cấp cho chủ hàng…

[Bai 1: Chủ hàng ‘khóc ròng,’ chấp nhận ‘khoanh tay chịu trói’]

Về giải pháp ngắn hạn, Cục Hàng hải sẽ cùng các cơ quan, doanh nghiệp, hiệp hội liên quan làm việc với các hiệp hội, đại diện các doanh nghiệp châu Âu, châu Mỹ và các hãng tàu đề nghị ổn định giá vận chuyển để có thể lâu dài khai thác thị trường tiềm năng tại Việt Nam; tăng cường kiểm tra, giám sát việc niêm yết giá của hãng vận tải nước ngoài theo quy định hiện hành; đảm bảo thủ tục thông thoáng, hạ tầng luồng lạch cho tàu lớn hành hải làm hàng thuận lợi, không để xảy ra tình trạng ùn tắc.

[Cước vận tải biển tăng ‘phi mã,’ doanh nghiệp ngồi trên… đống lửa]

Trong khi đó, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam kiến nghị Bộ Tài Chính, Bộ Giao thông Vận tải xem xét sửa đổi Luật quy định các doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển, phải thực hiện kê khai giá thay vì chỉ quy định niêm yết giá như hiện nay.

Một số đại diện các hiệp hội khác cũng đề xuất cần rà soát lại toàn bộ hiện trạng giá cước tại khu vực phía Nam và sớm có sự điều chỉnh để bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Thẳng thắn nhìn nhận đội tàu Việt Nam chỉ đảm nhận được một tỷ lệ rất nhỏ hàng hóa xuất nhập khẩu (chủ yếu hoạt động ở khu vực nội Á), ông Phạm Quốc Long (Chủ tịch Hiệp hội Đại lý và Môi giới Hàng hải) đánh giá sân chơi vận tải container gần như thuộc về các hãng tàu nước ngoài nên việc kiểm soát giá là rất khó.

“Giải pháp tối ưu để doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam được hưởng giá cước tốt hiện nay là cần có những hiệp hội ngành hàng liên minh, liên kết đủ mạnh để thương thảo với các hãng tàu, đưa ra một mức giá hợp lý cho chủ hàng trong nước,” ông Long gợi ý.

Sẽ áp dụng các chế tài để quản lý chặt chẽ

Theo đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), dịch COVID-19 đã tác động làm thị trường bất ổn trên phạm vi toàn cầu, do đó các doanh nghiệp trong nước, đại lý, hãng tàu có chiến lược định hướng về mặt lâu dài.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đề nghị các doanh nghiệp cung cấp thông tin tới các cơ quan quản lý Nhà nước để tiến hành xác minh điều tra nếu có hiện tượng “thổi giá” làm lũng đoạn thị trường đồng thời đề xuất công khai giá theo hình thức điện tử để thuận tiện cho doanh nghiệp trong việc cập nhật thông tin.

[Thiếu hụt container gây xáo trộn hoạt động thương mại toàn cầu]

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề xuất có kênh tiếp nhận thông tin tới Hiệp hội, cơ quan quản lý Nhà nước để có giải pháp mạnh mẽ hơn, như tiến hành làm việc, thanh kiểm tra nhiều hơn.

Theo ông Hồ Kim Lân, Tổng thư ký Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, tại Mỹ, tất cả hãng tàu vào cảng biển phải công bố mọi thứ về giá. Các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp tư nhân đàm phán với hãng tàu, nếu thấy xuất hiện dấu hiệu hãng tàu sử dụng lợi thế ban hành giá, phí quá lớn thì kiện ra cơ quan quản lý cạnh tranh xử lý. Khi ấy, hãng tàu phải công bố lý do tại sao tăng. Nếu cơ quan quản lý cạnh tranh phát hiện vi phạm, hãng tàu sẽ bị xử phạt rất nặng.

“Ở Việt Nam, Chính phủ cần chỉ đạo giao cơ chế quản lý cạnh tranh của Bộ Công Thương cho từng khu vực cảng biển để nâng cao hiệu quả quản lý về việc áp dụng chính sách của hãng tàu tại khu vực,” ông Lân đề xuất.

Cước vận tải biển tăng phi mã: Doanh nghiệp lao đao, hãng tàu vớ bẫm ảnh 2Tàu hàng Maersk Tigris chờ container lưu thông trên biển. (Nguồn: rt.com)

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khẳng định Việt Nam là thị trường tiềm năng đối với các hãng tàu, đo đó không chấp nhận việc các hãng tàu đến kinh doanh nhưng không hợp tác với các doanh nghiệp trong nước vì sự phát triển chung.

“Nếu các hãng tàu không có sự hợp tác thì cơ quan quản lý Nhà nước sẽ áp dụng các chế tài thích đáng,” ông Hải nhấn mạnh.

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp và lây lan nhanh như hiện nay nhưng Việt Nam vẫn đã và đang nỗ lực để đảm bảo hoạt động hàng hải thông suốt, an toàn, đại diện Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị hãng tàu thực hiện đúng quy định về việc công khai minh bạch giá cước vận tải; có những cam kết về lịch trình tàu, chỗ trên tàu và bảo đảm đủ lượng container rỗng để vận chuyển hàng hóa.

“Trong trường hợp hãng tàu tự cắt tuyến, cắt chuyến, Chính phủ và cơ quan quản lý Nhà nước của Việt Nam sẽ áp dụng các chế tài để quản lý chặt chẽ. Các chủ hàng nên xem xét làm việc trực tiếp với các hãng tàu để tránh việc tăng giá từ các khâu trung gian; đồng thời có kế hoạch sản xuất nhập hàng sớm để ký kết các hợp đồng dài hạn với các hãng tàu,” ông Hoàng Hồng Giang khuyến nghị.

Đưa ra giải pháp tổng thể để tránh việc doanh nghiệp bị ép giá cước thuê tàu và container, đại diện cơ quan quản lý Nhà nước và chuyên gia cho rằng đội tàu biển Việt Nam phải sớm được nâng cao năng lực để lấp đầy khoảng trống trong thị trường hàng hóa xuất nhập khẩu. Trong đó, Nhà nước cần có các chính sách, cơ chế để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực vận tải biển nhằm giành giật và thống lĩnh thị trường vốn đang bị các hãng tàu nước ngoài thao túng.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục