Cuộc tổng tuyển cử lớn nhất thế giới ở Ấn Độ: Chiến thắng nhọc nhằn

Liên minh Dân chủ quốc gia (NDA) do đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) của đương kim Thủ tướng Narendra Modi lãnh đạo chỉ giành chiến thắng với 297 ghế, trong đó 240 ghế là của BJP.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (giữa) cùng các lãnh đạo Liên minh Dân chủ quốc gia (NDA) do đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) đứng đầu, mừng chiến thắng của NDA tại New Delhi. (Ảnh: AA/TTXVN)
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (giữa) cùng các lãnh đạo Liên minh Dân chủ quốc gia (NDA) do đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) đứng đầu, mừng chiến thắng của NDA tại New Delhi. (Ảnh: AA/TTXVN)

Sau khi trải qua 7 giai đoạn bầu cử kéo dài 6 tuần đằng đẵng, cử tri Ấn Độ đã bầu ra được 543 thành viên Lok Sabha (Hạ viện).

Đây là cuộc bầu cử dài thứ hai kể từ cuộc bầu cử đầu tiên ở Ấn Độ vào năm 1951-1952.

Bức tranh toàn cảnh của cuộc kiểm phiếu đã không giống với bất cứ kết quả thăm dò dư luận hay thăm dò ngoài phòng bỏ phiếu nào.

Liên minh Dân chủ quốc gia (NDA) do đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) của đương kim Thủ tướng Narendra Modi lãnh đạo chỉ giành chiến thắng với 297 ghế, trong đó 240 ghế là của BJP.

Con số này giảm mạnh so với năm 2019, khi NDA kiểm soát 350 ghế, trong khi số ghế của BJP là 303.

Kết quả từ cuộc bầu cử hạ viện lớn nhất thế giới này cho thấy một chiến thắng không dễ dàng đối với Thủ tướng Modi và đảng BJP theo chủ nghĩa dân tộc đạo Hindu của ông.

NDA đã nhắm tới mục tiêu 400 ghế (một đại đa số sẽ cho phép liên minh thực hiện những thay đổi lớn về lập pháp và hiến pháp), trong đó riêng BJP là 370 ghế nhờ vào chính trị, phúc lợi, phát triển và kế hoạch Hindutva (Chủ nghĩa dân tộc Hindu).

Các cuộc thăm dò đã đưa ra nhiều kết quả, song tựu trung đều nhận định NDA và BJP sẽ chiến thắng với tỷ lệ áp đảo.

ttxvn_0506_bau cu an do (2).jpg
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (giữa) cùng các lãnh đạo Liên minh Dân chủ quốc gia (NDA) do đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) đứng đầu, mừng chiến thắng của NDA tại New Delhi. (Ảnh: AA/TTXVN)

Không những bản thân NDA, BJP hay các tổ chức thăm dò dư luận mà các chính khách, chuyên gia, học giả cũng tin chắc “như đinh đóng cột” vào chiến thắng áp đảo của liên minh cầm quyền trước đối thủ.

Trong khi đó, Liên minh Toàn diện phát triển quốc gia Ấn Độ (INDIA) do đảng Quốc đại dẫn đầu đã không đặt ra bất cứ mục tiêu nào cũng như không được bất cứ tổ chức khảo sát, chuyên gia, học giả nào đặt kỳ vọng thì lại gây bất ngờ khi giành được 234 ghế, gấp hơn 2 lần so với dự đoán.

Trong cương lĩnh tranh cử, BJP đã đưa ra những cam kết an lòng cử tri như tạo nhiều việc làm, củng cố hệ thống cơ sở hạ tầng, mở rộng các chương trình phúc lợi xã hội...

Với cam kết trên, ông Modi và đảng BJP đang tìm cách tháo gỡ những vấn đề lo ngại của cử tri trong bối cảnh thất nghiệp, lạm phát, tình trạng nghèo khổ ở vùng nông thôn vẫn là mối quan ngại tại quốc gia đông dân nhất thế giới này mặc dù kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ.

Giải thích về sự sụt giảm đáng kể số ghế của BJP, một số chuyên gia cho rằng điều đó có thể liên quan đến tình trạng thất nghiệp, giá cả tăng cao, bất bình đẳng ngày càng tăng và cải cách tuyển quân gây tranh cãi, cùng nhiều lý do khác.

Bên cạnh đó, chiến dịch vận động của ông Modi nhắm vào người Hồi giáo cũng có thể khiến cử tri ở một số khu vực xa lánh.

Tuy nhiên, với 297 ghế, NDA đã vượt qua mốc 272 ghế tối thiểu cần thiết để thành lập chính phủ.

Những người ủng hộ Thủ tướng Modi tin rằng việc ông đảm bảo nhiệm kỳ thứ ba là nhờ vào một số yếu tố: thành tích quản lý ổn định, sức hấp dẫn của tính liên tục, các chương trình phúc lợi hiệu quả và nhận thức rằng ông đã nâng cao hình ảnh toàn cầu của Ấn Độ.

ttxvn_0506_bau cu an do (3).jpg
Cử tri bỏ phiếu trong giai đoạn 7 của cuộc tổng tuyển cử tại điểm bầu cử ở Jalandhar, Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đối với nền tảng chủ nghĩa dân tộc theo đạo Hindu, ông Modi đã đưa ra những cam kết quan trọng trong cương lĩnh tranh cử: thu hồi quyền tự trị của Kashmir do Ấn Độ quản lý, xây dựng đền Ram ở Ayodhya và thực thi luật công dân gây tranh cãi.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN về lý do dẫn tới thắng lợi cho NDA và đảng BJP, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp các nhà nhập khẩu Ấn Độ (IICCI), ông Atul Kumar Saxena cho rằng “mục tiêu chính của Thủ tướng Modi khi nhậm chức cách đây 10 năm là phát triển không chỉ nền kinh tế quốc dân mà còn phát triển cả quan hệ với nước ngoài và đặc biệt là quan hệ với các nước láng giềng, đồng thời mang lại sự ổn định cho đất nước. Ông Modi biết rất rõ rằng, không có sự ổn định thì không có sự phát triển. Chính vì vậy, 10 năm qua, người dân đã chứng kiến sự ổn định, nhiều kế hoạch của chính phủ đã rất thành công nên người dân rất vui vì điều đó và đó là lý do họ ủng hộ BJP tiếp tục nắm quyền lần thứ ba.”

Cũng theo ông Saxena, trong tương lai gần, chính phủ mới ở Ấn Độ sẽ chưa có thay đổi lớn về chính sách đối nội và đối ngoại mà tiếp tục duy trì những tiến bộ đã đạt được của đất nước, đồng thời khắc phục những khó khăn đang tồn tại.

Ông Modi, 73 tuổi, lần đầu tiên lên nắm quyền thủ tướng vào năm 2014 với những cam kết về phát triển kinh tế.

Kể từ đó, ông đã kết hợp tôn giáo với chính trị theo một công thức thu hút sự ủng hộ rộng rãi của đa số người dân theo đạo Hindu trong nước.

Trong thập niên ông Modi lãnh đạo, thế giới đã chứng kiến những bước chuyển mình đầy ngoạn mục của Ấn Độ trên mọi phương diện, từ công nghệ khoa học, quân sự, kinh tế đến đối ngoại...

Theo đánh giá của các chuyên gia công ty dịch vụ tài chính Jefferies, kể từ khi Thủ tướng Modi lên nắm quyền nhiệm kỳ đầu tiên, Ấn Độ đã đạt được tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm trên 7% tính theo đồng USD, theo đó nhảy từ vị trí thứ 8 lên thứ 5 thế giới, với quy mô Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 3.600 tỷ USD.

Trong 4 năm tới, GDP của Ấn Độ có thể cán mốc 5.000 tỷ USD nhờ lợi thế nhân khẩu học cũng như đổi mới sức mạnh thể chế và cải thiện quản trị.

ttxvn_0506_bau cu an do (4).jpg
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu trước những người ủng hộ tại Hyderabad ngày 10/5. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Việc liên minh NDA do BJP của Thủ tướng Modi đứng đầu thắng cử và giành quyền thành lập chính phủ điều hành đất nước trong 5 năm tới sẽ giúp tạo ra một giai đoạn đặc biệt then chốt đối với lịch sử của Ấn Độ. Đây là nhiệm kỳ mà nền kinh tế Ấn Độ được dự báo sẽ vươn lên đứng thứ ba thế giới.

Tuy nhiên, để thực sự trở thành sức mạnh của nền kinh tế thế giới sẽ đòi hỏi vai trò rất lớn của chính phủ mới ở Ấn Độ trong việc hiện đại hóa nền kinh tế và tìm những động lực mới cho tăng trưởng.

Việc Thủ tướng Modi có thể tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp cũng đã gửi một thông điệp quan trọng tới các nhà đầu tư - thông điệp về một chính phủ ổn định để tiếp tục theo đuổi các chính sách đối nội và đối ngoại vốn đã đạt được những thành quả nhất định trong 10 năm qua.

Bên cạnh thuận lợi vẫn tồn tại những thách thức lớn: sự chênh lệch tăng trưởng kinh tế trên thực tế giữa thành phố với vùng nông thôn rộng lớn; lạm phát vượt mục tiêu do ngân hàng trung ương đề ra; nạn thất nghiệp; quan hệ đối ngoại; thuế; nông dân; cải cách đất đai, lao động...

Ngoài ra, áp dụng một bộ luật dân sự thống nhất trên cả nước cũng là một trong những cam kết chính của BJP khi vận động tranh cử. Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ khó khăn vì người dân vẫn còn tranh cãi về vấn đề này.

Một nhiệm vụ nữa cũng không hề dễ dàng đang chờ chính phủ mới ở Ấn Độ là thực hiện cam kết áp dụng cơ chế “một quốc gia, một cuộc bầu cử,” trong đó cử tri trên cả nước sẽ tham gia bầu cử Lok Sabha và nghị viện địa phương để bầu ra các đại diện trung ương và địa phương trong cùng một năm, nếu không muốn nói là cùng một lúc.

Ông Shivdutt Das, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Vishwa Samudra, nhận định “bất kể kết quả bầu cử thế nào, đất nước vẫn phải cam kết với chương trình nghị sự phát triển. Phát triển cơ sở hạ tầng đã chiếm vị trí trung tâm trong thập niên qua là một hành trình tiếp tục và chính phủ dự kiến sẽ tăng cường hơn nữa với nhiều chương trình đầu tư và đổi mới khuyến khích sự tham gia của tư nhân”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục