Trên hải trình của Đoàn công tác số 4 gồm 222 đại biểu trong nước và kiều bào đến từ 22 quốc gia trên thế giới đi thăm Quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 năm 2023 từ ngày 18-23/4 đã diễn ra cuộc thi tìm hiểu về biển đảo quê hương.
Ban Tổ chức cuộc thi cho biết đây là lần đầu tiên cuộc thi tìm hiểu về biển đảo quê hương được tổ chức và đặc biệt hơn diễn ra trong chuyến tàu lần thứ 10 của hải trình có nhiều Kiều bào trở về với Trường Sa. Đây cũng là sự kiện rất ý nghĩa trên Tàu 571.
[Hải trình mang tên Trường Sa: Lan tỏa tình yêu với biển đảo Tổ quốc]
Theo Ban tổ chức cuộc thi, mỗi người có thể tìm hiểu rất nhiều tài liệu về Trường Sa, biển, đảo qua nhiều nguồn thông tin khác nhau, nhưng việc khuyến khích từng cá nhân tìm hiểu về những thông tin này không phải dễ dàng.
Chị Trần Nguyễn Phương Loan - Việt Kiều tại Malaysia cho hay khi tất cả các đoàn được thông báo có cuộc thi này, mọi người đều háo hức đọc sách, nghiên cứu tài liệu để cử các đại diện tham gia cuộc thi. Các đội có 2 ngày để trang bị thêm kiến thức cho ngày thi.
Cuộc thi diễn ra vào tối 20/4 với sự tham gia của 9 đội gồm: Đội Kiều bào 1, Đội Kiều bào 2, Đội Trung ương Hội chữ Thập Đỏ Việt Nam, Đội phóng viên báo chí, Đội Công ty Cổ phần tập đoàn truyền thông quốc gia Việt Nam, Đội của Đoàn tỉnh Nghệ An, Đội của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Đội của Đoàn Viện Kinh tế và pháp luật quốc tế, Đội của Đoàn Viện tư vấn công nghệ và đào tạo Toàn Cầu.
Các đội thi trải qua ba vòng thi với các câu hỏi trắc nghiệm và lựa chọn phương án đúng. Vòng 1 với 10 câu hỏi ở mức độ dễ, vòng 2 lựa chọn ra 6 đội với 10 câu hỏi trắc nghiệm ở mức độ vừa phải và vòng ba là vòng chung kết với sự tham gia của 3 đội gồm 5 câu hỏi trả lời trực tiếp đáp án và đan xen trắc nghiệm.
Cuộc thi diễn ra vô cùng gay cấn giữa 9 đội để phân loại các đội vào vòng trong. Ban tổ chức cuộc thi nhiều lần phải dùng tới câu hỏi phụ để phân thắng bại.
Chung cuộc, Đội Trung ương Hội chữ Thập Đỏ Việt Nam đã đoạt giải Nhất, Đội phóng viên báo chí và Đội của Đoàn Viện tư vấn công nghệ và đào tạo Toàn Cầu đoạt giải Nhì, các đội còn lại đạt giải Ba và Khuyến khích.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, nguyên là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên bang Nga, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho hay từ năm 2012, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức cho 9 đoàn công tác với gần 600 lượt Kiều bào ra thăm, động viện quan, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.
Việc tổ chức các đoàn công tác hàng năm thăm Trường Sa, trong đó có Kiều bào đã góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa. Đây cũng là dịp để Kiều bào nhiều nơi trên thế giới gặp gỡ, gắn kết với nhau và tạo cơ hội giao lưu, chia sẻ giữa người dân Kiều bào với người dân trong nước, góp phần tăng cường đại đoàn kết dân tộc.
Theo ông Sơn, năm 2023 là lần thứ 10 đoàn Kiều bào với 47 đại biểu đến từ 22 quốc gia được ra thăm quần đảo Trường Sa. Đây là những chuyến đi rất có ý nghĩa đáp ứng được nguyện vọng và tình cảm của Kiều bào, thể hiện tình yêu quê hương đất nước của những người con xa xứ luôn hướng về Tổ quốc thân yêu. Từ đó, các đoàn Kiều bào tiếp tục có những đóng góp về vật chất và tinh thần cũng như việc tìm hiểu, sưu tầm thông tin tài liệu để bảo vệ lợi ích của đất nước Việt Nam trong lĩnh vực biển đảo để đóng góp tiếng nói vào công cuộc bảo vệ biển đảo của Tổ quốc.
Một số hình ảnh về cuộc thi: