Cuộc sống trong những ngôi làng "5 không" ở núi rừng Gia Lai

Ở một ngôi làng “5 không” - không điện, không đường, không trường, không trạm và cũng không có tương lai, giữa cái nắng oi ả, những đứa trẻ chụm lại ăn xoài rừng, xem đó như bữa trưa.
Những đứa trẻ lớn lên mà không được đi học, không được hưởng các dịch vụ xã hội. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)

Dù đã được đưa đến nơi ở mới theo diện di dời để xây dựng hồ thủy lợi Ayun Hạ, song người dân sinh sống tại những ngôi làng ở xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai, lại quay về nơi ở cũ trong rừng sâu, từ đó hình thành những ngôi làng “5 không” - không điện, không đường, không trường, không trạm và cũng không có tương lai.

Làng Heg (thuộc xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) hiện có 20 căn nhà với hơn 70 nhân khẩu là đồng bào dân tộc thiểu số Banar, nằm giữa rừng sâu. Có hai cách để đến được ngôi làng là đi thuyền qua hồ thủy lợi Ayun Hạ hoặc vượt qua quãng đường bộ xuyên rừng gần 10km. Ngôi làng như một lòng chảo nằm giữa ba ngọn núi Cheng Leng, Lờ Pá và N’Nheng.

Giữa cái nắng oi ả, những đứa trẻ chụm lại với nhau ăn xoài rừng, xem đó như bữa trưa. Không ai trong số chúng biết chữ, biết nói tiếng phổ thông. Những đứa trẻ này cũng không có giấy khai sinh, không được đi học, tiêm chủng và nhiều dịch vụ xã hội khác.

Ông Đinh Jăi, người được cả làng Heg tín nhiệm là trưởng làng cho biết làng Heg là nơi “chôn nhau cắt rốn” của đại đa số người dân trong làng. Năm 2000, khi tỉnh Gia Lai có chủ trương xây dựng hồ thủy lợi Ayun Hạ, nguy cơ ngập cao nên tỉnh đã di dời toàn bộ làng trên núi xuống làng Heg theo diện tái định cư. Thế nhưng sau khi hồ thủy lợi Ayun Hạ hoàn thành, ông cùng một số bà con quay lại làng cũ, phát hiện ngôi làng không hề bị ngập, cộng thêm việc không đủ đất sản xuất ở nơi ở mới nên đã quyết định quay về làng cũ và tự đặt tên là làng Heg.

Chính vì nằm khá biệt lập, trở ngại trong việc di chuyển nên mỗi khi trong làng có người ốm đau, bệnh tật, việc đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gặp rất nhiều khó khăn.

“Ở đây muốn đi chữa bệnh chỉ có cách đi 6km đến làng T Lâm của huyện Chư Sê, hoặc quay về làng Heg tái định cư cách 8km, xa hơn nữa là đi về xã Đăk Trôi của huyện Mang Yang cách đây 15km. Vì xa xôi như vậy nên trong làng cũng đã có trường hợp không thể đưa đến bệnh viện kịp và tử vong trên đường đi," trưởng làng Đinh Jăi tâm sự.

[Ổn định đời sống người dân vùng tái định cư thủy điện Sông Bung 4]

Cách làng Heg không xa, trên đỉnh núi Cheng Leng có khoảng 20 căn nhà của làng Plei Cheng Leng, nhà ở lâu nhất khoảng 20 năm. Ban ngày, người lớn đi làm rẫy, trong làng chỉ còn lại những đứa trẻ chơi với nhau. Giống như ở làng Heg, những đứa trẻ ở làng Plei Cheng Leng cũng không hề biết chữ, dù có đứa đã 15 tuổi.

Nguyên nhân mà những người này rời bỏ làng cũ lên núi Cheng Leng sinh sống chủ yếu vì thiếu đất sản xuất. Dù vậy, cuộc sống ở trên núi cũng khiến họ gặp rất nhiều khó khăn vì điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, các dịch vụ xã hội không có. Không giấy tờ tùy thân hoặc có nhưng đã cũ, rách nát, cũng là thực trạng chung của người dân sinh sống nơi đây.

Anh Rmah T’rúi, làng Plei Cheng Leng, cho biết bà con thích ở đây vì ở trong làng cũ không có đất rẫy.

"Cuộc sống ở đây khó khăn lắm, cái gì cũng thiếu, mà thiếu nước là khổ nhất. Trồng trọt không có nước, nước uống cũng thiếu, tắm giặt cũng thiếu," anh Rmah T’rúi kể.

Qua khảo sát sơ bộ, tại làng Plei Cheng Leng có 9 gia đình với hơn 40 nhân khẩu có nguồn gốc từ làng Trớ, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, lên định cư từ năm 2004. Số hộ gia đình khác là người từ các làng quanh vùng, chủ yếu từ huyện Chư Sê lên định cư hoặc làm nương rẫy rồi làm nhà, sinh sống tại đây. Do sống biệt lập tại vùng núi tiếp giáp giữa huyện Chư Sê và Phú Thiện nên cuộc sống của bà con gặp nhiều khó khăn, không điện, không đường, không trường, không trạm, không có hộ khẩu, chứng minh nhân dân và bà con cũng không được hưởng bất kỳ chế độ, chính sách nào.

Ông Phùng Trung Toàn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Chư A Thai cho biết, sau khi nhận được phản ánh, các cơ quan chức năng của xã Chư A Thai cũng như của huyện Phú Thiện đã trực tiếp đến các điểm làng trên núi để rà soát số hộ, số nhân khẩu, qua đó có phương án giải quyết tình trạng trên.

Tương lai mịt mờ của những đứa trẻ làng Heg khi sinh ra không được hưởng dịch vụ xã hội. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)

Cũng theo ông Toàn, khi đưa đến các làng tái định cư, xã cũng đã cấp đất sản xuất cho người dân nên không có chuyện người dân thiếu đất sản xuất.

"Hiện nay, Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai đã có văn bản chỉ đạo huyện Phú Thiện và xã Chư A Thai tập trung kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng trên theo hướng vận động nhân dân trở về làng tái định cư. Xã đã rà soát và dành quỹ đất riêng để cấp cho các hộ dân sản xuất nông nghiệp trong trường hợp thiếu đất sản xuất. Dù vậy, xã cũng xác định đây là nhiệm vụ khó khăn bởi tập tục của đồng bào dân tộc thiểu số là sinh sống tại các khu vực đồi núi đã quen. Tuy nhiên, chính quyền xã cũng quyết tâm để vận động bà con trở về, để người dân, đặc biệt là trẻ em ở hai ngôi làng này được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách xã hội," ông Toàn nhấn mạnh.

Tỉnh Gia Lai đã có chủ trương vận động người dân sinh sống tại hai làng Heg và Plei Cheng Leng quay về làng tái định cư và cấp đất sản xuất. Đây lại là "bài toán khó" cho tỉnh Gia Lai nói chung và huyện Phú Thiện, xã Chư A Thai nói riêng, bởi rất khó để những người dân vốn đã quen với việc sinh sống và canh tác trên núi trở về.

Trưởng làng Heg Đinh Jăi tâm sự: “Đây là nơi 'chôn nhau cắt rốn' của chúng tôi, nếu không bị ngập bởi hồ thủy lợi Ayun Hạ, chúng tôi quyết tâm bám trụ lại mảnh đất này, dù cuộc sống nhiều khó khăn”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục