“Chúng tôi sống trong một thị trấn biệt lập nhất Vương quốc Anh. Chúng tôi có tới hai nghĩa địa nhưng không có cửa hàng, và phải mất hàng giờ để tới bệnh viện.”
Đó là những chia sẻ đầy tự hào của những người dân địa phương sống tại thị trấn Easington, vùng bờ biển Holderness thuộc đông bắc nước Anh. Họ đang sống trong một thị trấn vô cùng biệt lập, không có cửa hàng, không có bác sỹ, dịch vụ xe buýt thì “vô vọng” và thiếu những tiện nghi cơ bản. Nhưng họ cho biết mình rất yêu nơi này và từ chối rời đi.
Cửa hàng gần nhất cách đó 90 phút đi bộ, trong khi trường cấp hai gần nhất mất tới hai giờ đi bộ, hoặc gần một giờ nêu đi bằng các phương tiện công cộng.
Tuy nhiên, nhiều cư dân ở đây cho biết họ sẽ không rời đi. Elizabeth Leigh, một người sinh ra ở Easington và chưa bao giờ cảm thấy muốn rời khỏi quê hương của mình, cho biết trên tờ Metro. “Hiện tôi đang đợi chuyến xe buýt 12 giờ trưa để tới cửa hàng mua sắm, và sẽ không trở lại cho đến 2 giờ chiều.”
Nếu không kịp hoặc không có xe buýt, người phụ nữ 68 tuổi này sẽ phải đi nhờ xe một ai đó để ra cửa hàng.
Bà cho biết “Ngôi làng rất yên tĩnh. Tôi cho rằng nó hơi buồn tẻ nhưng tôi thực sự chưa nghĩ đến việc rời đi.”
Tư tưởng này của bà dường như đã ảnh hưởng đến các con và cháu của bà. Họ đều sống ở đó, cách đây mấy ngôi nhà. Tuy nhiên, việc không có trường học trên địa bàn khiến cuộc sống hàng ngày trở nên bất tiện đối với các gia đình trẻ.
Elizabeth nói: “Tôi thấy rất tiếc cho những người trẻ tuổi sống tại đây. Tôi thấy họ đi lại xung quanh và có vẻ buồn chán. Chúng tôi có hai quán rượu và hai nghĩa địa, bởi vậy, nếu bạn muốn uống say đến chết ở đây thì cũng được. Bản thân tôi thích sống tại đây.”
Trong khi đó, một người bạn của bà, một cư dân địa phương tên là Carol Newsam đã cùng chồng trong thị trấn gần 40 năm. Người phụ nữ 77 tuổi cho biết: “Ở đây không có nhiều việc để làm. Nó từng là một ngôi làng rất đẹp, nhưng giờ chúng tôi thậm chí còn không có cả cửa hàng. Chúng tôi phải đến Withernsea và Patrington để mua sắm.”
“Chúng tôi vẫn còn hai quán rượu. Nhưng trước đây ở đây từng có ba quán. Quán rượu Sun Inn từng có mặt ở đây.”
Giống như Elizabeth, bà cho biết bà cảm thấy tiếc cho những người trẻ tuổi phải trải nghiệm cuộc sống buồn chán tại đây.
Linda Callan, người đã chuyển đến sống tại thị trấn này gần hai thập kỷ trước, cho biết bà rất thích sống ở những khu vực biệt lập.
Tuy nhiên, người phụ nữ 68 tuổi này cũng phải thừa nhận dịch vụ xe buýt thật “vô vọng” và không có cửa hàng. Xe thư báo thì tới thị trấn vào thứ năm hàng tuần.
Bà cũng cho biết ngôi làng cổ này đã từng có một trung tâm cộng đồng nổi tiếng, nhưng nó đã đóng cửa từ 8 năm trước. “Tôi thích sống tại đây, ở đây rất yên bình và tĩnh lặng, và có một bãi biển ở ngay cuối con đường,” bà nói thêm.
Tuy nhiên, Linda cũng bày tỏ sự lo lắng là bệnh viện ở quá xa, sẽ rất bất tiện khi bà đang ngày một già đi. “Bạn sẽ không mong muốn mình bị đau tim hay đột quỵ đâu.”
Nhiều người bày tỏ sự thắc mắc tại sao những người dân sống tại những thị trấn và làng mạc biệt lập và buồn chán này yêu thích cuộc sống này đến thế.
Người dân địa phương ở đảo Mersea, một hòn đảo lớn trong vùng Essex, nói rằng họ không muốn sống ở bất cứ nơi nào khác. Chỉ có một con đường duy nhất để đến được hòn đảo này. Và khi thủy triều dâng cao, con đường này sẽ ngập nước khiến cho cư dân bị cô lập với thế giới bên ngoài.
Một người dân cho biết: “Chúng tôi yêu thích nơi này. Vào những lúc chúng tôi bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài, chúng tôi cảm thấy ở đây như một cộng đồng thực sự. Mọi người đều quan tâm đến nhau. Không ai có cảm giác phải ở một mình.”
Tuy nhiên, người dân ở quận Blaenau Gwent, xứ Wales lại đưa ra một góc nhìn khác về cuộc sống ở một thị trấn xa xôi. Họ lo ngại rằng sau này họ thậm chí còn khó kết nối với thế giới bên ngoài hơn nữa khi thiếu những phương tiện công cộng cần thiết./.