Cuộc sống mới nơi tái định cư thủy điện Tuyên Quang

Khu tái định cư Nà Chao giống như một khu phố nhỏ sầm uất, đường nhựa phẳng lì chạy từ trung tâm huyện đến tận ngõ nhà dân.

Theo Quyết định 1766/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mỗi khẩu di dân tái định cư dự án thủy điện Tuyên Quang sẽ được giao 500m2 quy ra đất hai vụ lúa, tuy nhiên trên thực tế, do quỹ đất hạn chế nên nhiều địa phương không có hoặc không có đủ quỹ đất để trưng dụng bổ sung.

Trong khi các địa phương khác đang loay hoay chưa tìm ra hướng giải quyết thì thôn Nà Chao, xã Năng Khả (Nà Hang) đã trở thành điểm sáng khi vận động nhân dân sở tại chuyển nhượng đất và kết quả là có tới hơn 98% bà con đã có đủ đất sản xuất nông nghiệp.

Khu tái định cư Nà Chao giờ đây chẳng khác nào một khu phố nhỏ sầm uất. Đường nhựa được rải phẳng lì từ trung tâm huyện đến tận ngõ nhà dân, những ngôi nhà được quy hoạch giống nhau nằm san sát nhau dưới chân núi. Sau 8 năm, kể từ ngày những hộ dân tái định cư của Thủy điện Tuyên Quang chuyển về đây, Nà Chao đã mang một diện mạo mới.

Là thành viên của một trong những gia đình khá giả nhất thôn, ông Đặng Tài Lâm, dân tộc Dao đỏ, thôn Nà Chao chia sẻ, gia đình ông có 7 khẩu, được chuyển về đây từ năm 2005, lúc mới chuyển về được Nhà nước cấp cho 3.000m2 đất màu (vì quỹ đất có hạn nên gia đình không được cấp đất lúa).

Những ngày đầu cuộc sống rất vất vả, đất màu chỉ trồng được ngô, mỗi năm cho 2 vụ nhưng năng suất không cao. Nhận thấy trong xã có nhiều hộ gia đình có ruộng nhưng thiếu lao động hoặc có vị trí ở xa nên ông mạnh dạn bán trâu, tích cóp tiền của để mua đất trồng lúa.

Cuối năm 2006, ông mua được 915m2 đất 2 vụ lúa với giá 12 triệu đồng, năm 2007 ông tiếp tục bỏ ra 9 triệu đồng mua thêm 370m2 đất 2 vụ lúa. Có ruộng, ông mở rộng sản xuất, nhờ vậy mà cuộc sống của gia đình ngày càng khấm khá. Cuối năm 2012, gia đình ông lại được cấp thêm 700m2 đất 2 vụ lúa và 1ha đất lâm nghiệp.

Gia đình ông Bàn Kim Phượng, dân tộc Dao đỏ, vốn quê ở thôn Nà Toong, xã Vĩnh Yên (Na Hang) cũng chuyển về thôn Nà Chao, xã Năng Khả đến nay được 8 năm để nhường đất xây dựng công trình Nhà máy thủy điện Tuyên Quang. Nhớ lại những ngày đầu chuyển về vùng dất mới ông bảo vì quỹ đất ít nên ban đầu gia đình ông có 5 khẩu nhưng chỉ có được cấp 116m2 đất 1 vụ lúa, hơn 4.000m2 đất màu. Đất ít, lại không được màu mỡ nên năng suất cây trồng thấp, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn.

Được sự vận động của chính quyền địa phương ông đã chủ động đi tìm mua đất của các hộ sở tại, năm 2006, ông quyết định mua thêm một thửa ruộng 320m2 đất 2 vụ lúa với giá 4 triệu đồng. Giờ đây cuộc sống của gia đình ông đã khá hơn nhiều, mỗi năm thu hoạch được khoảng hơn 2 tấn ngô và hơn 2 tạ thóc, dù còn nhiều khó khăn nhưng không còn chuyện thiếu ăn nữa.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Năng Khả cho biết, xã tiếp nhận 51 hộ dân từ dự án Nhà máy thuỷ điện Tuyên Quang. Do quỹ đất của xã ít nên lúc đầu xã mới chỉ bố trí cấp cho mỗi khẩu 310m2 đất sản xuất, còn thiếu 190m2 (định mức quy định là 500m2 đất sản xuất/khẩu đất 2 vụ lúa).

Để giúp đồng bào tái định cư có đủ đất sản xuất ổn định cuộc sống, chính quyền xã đã phối hợp với Ban di dân tái định cư huyện Na Hang tuyên truyền, vận động các hộ dân sở tại có đất sản xuất nhưng không có nhu cầu sử dụng thì chuyển nhượng cho các hộ tái định cư, còn các hộ tái định cư thì nên chủ động liên hệ với các hộ dân sở tại để mua một phần diện tích đất canh tác.

Với cách làm này, đến nay 98% số hộ đã được bố trí đủ 500m2/khẩu đất sản xuất (đất 2 vụ lúa). Diện tích đất giao bổ sung đều đảm bảo phù hợp với điều kiện canh tác của các hộ dân.

Cũng với hình thức này mà hiện nay phần diện tích đất lâm nghiệp theo quyết định mới cũng được chính quyền xã giao đủ cho các hộ theo đúng định mức là 1ha/hộ.

Theo ông Bùi Công Phượng, Phó trưởng Ban di dân tái định cư huyện Na Hang, để tháo gỡ những khó khăn, tiếp tục giúp đồng bào tái định cư ổn định đời sống, cách làm của xã Năng Khả đang được nhân rộng, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang cũng chỉ đạo các huyện, thành phố tiếp tục trưng dụng bổ sung đất sản xuất nông nghiệp, kiến thiết đồng ruộng để giao cho bà con tái định cư thiếu đất sản xuất.

Hiện nay, việc giao đất lâm nghiệp cho các hộ tái định cư cũng đang gấp rút hoàn thành. Với những nỗ lực của chính quyền địa phương cùng cách làm sáng tạo của các hộ dân, bà con tái định cư sẽ có một cuộc sống ổn định trên vùng đất mới./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục