Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria, được thế giới biết tới với cái tên ISIS, đã nắm quyền kiểm soát thành phố Raqqa của Syria từ ngày 13/1, sau khi tham gia một cuộc chiến khốc liệt chống lại phong trào Ahrar al-sham và Jabhat al-Nusra.
Thủ lĩnh ISIS là Abu Bakr al-Baghdadi đã thành lập Nhà nước Hồi giáo (Islamic State - viết tắt là IS) và người của ông này đã nhanh chóng triển khai các đạo luật hà khắc.
Cụ thể, các chiến binh đã yêu cầu thay đổi giáo trình trong nhiều trường học và còn đóng cửa các trường đại học. Phụ nữ bị buộc phải đeo mạng che mặt Niquab và họ bị cấm rời khỏi nhà trừ phi được tháp tùng bởi anh trai, chồng hoặc cha đẻ. Mọi người đều phải tham gia hoạt động cầu nguyện, với các khu chợ và siêu thị bị đóng cửa trong thời gian cầu nguyện. Thuốc lá bị cấm trên toàn thành phố. Bất kỳ ai vi phạm bất kỳ quy định nào nêu ở trên sẽ lập tức bị bắt.
Baghdadi và đám đông của ông ta đã lợi dụng sự yếu đuối về niềm tin tôn giáo của nhân dân Raqqa để tuyên bố mình là các bậc cứu nhân độ thế, giám sát việc thực hiện các quy định của Thượng Đế ở Trái Đất, thông qua IS.
Tuy nhiên trong thực tế hành động của Baghdadi đã bôi xấu Hồi giáo và một số điều những kẻ trong ISIS làm đã đi ngược với những điều răn dạy của Hồi giáo. Đây là lý do khiến không ít cư dân Raqqa căm ghét ISIS.
Ví dụ ISIS đàn áp sự tự do cá nhân của cư dân thành phố, tước đi nguồn sống của họ khi đóng cửa các quán càphê, cửa hàng với lý do đàn ông và phụ nữ có thể tiếp xúc nhau ở những nơi này. Tuy nhiên sự cấm đoán như thế là trái luật, ngược với những điều mà Hồi giáo răn dạy các tín đồ.
Tiếp đó ISIS còn yêu cầu người dân phải "đóng thuế" để chi tiêu cho các dịch vụ công. Tuy nhiên thực tế chẳng có "dịch vụ công" nào được triển khai cả.
"Tôi là người lao động của một công ty điện lực và tôi đã ngừng làm việc sau khi ISIS tiến vào," cư dân Raqqa là Om Salma nói với tờ International Business Times. "Nơi tôi làm bị người ta chiếm và tôi mất việc. Thế rồi ISIS yêu cầu người dân phải đóng tiền để được cung cấp điện và nước. Trước đó lực lượng FSA (Quân đội giải phóng Syria) đã cung cấp miễn phí tất cả các dịch vụ này."
[Hé lộ năm sự thật bí hiểm về tổ chức "Nhà nước Hồi giáo"]
Mỗi ngày trôi qua tại Raqqa lại có thêm những tiếng nói xuất hiện lên án ISIS và các hành động đáng hổ thẹn của họ. Một trong những hành vi bị lên án nhất là việc tuyển mộ trẻ em dưới 13 tuổi tham chiến trong cuộc nội chiến Syria. Trẻ em bị các lãnh đạo ISIS tẩy não khi chúng tới các thánh đường do nhiều giáo sỹ cực đoan điều hành. Chúng còn được thưởng 100 USD nếu tham chiến. Những việc này đã khuyến khích văn hóa bạo lực ở thành phố.
Kể từ khi ISIS nắm quyền, lực lượng này đã khiến rất đông cư dân Raqqa không theo Hồi giáo phải bỏ đi. Họ gồm người Thiên Chúa giáo, người Kurd và Armenia. Nhà của họ bị chiếm và tặng cho các chiến binh ngoại quốc tới từ nhiều nước Arab, sẵn sàng tham chiến ở Syria.
Ahmed Ali, một cư dân Raqqa mới 28 tuổi, cho biết sau khi ISIS tiến vào thành phố, nơi này đã dần trở thành địa ngục. Anh nói rằng Raqqua "từng là thành phố của tự do" và nơi này đã mở cửa đón nhận các tôn giáo khác nhau, trước khi mọi chuyện bị ISIS đảo ngược.
Trong khi đó phụ nữ đang đối mặt với tình cảnh ngày càng khốn khổ. Nhiều người đã bị tóm lấy trên phố hoặc bị các tay súng bắt cóc. Họ bị ép buộc phải trở thành nô lệ tình dục hoặc cưới một thành viên trong ISIS.
Maisaa, 22 tuổi, cho biết: "Chúng tôi dần sợ ra khỏi nhà. Nếu thể hiện mong ước kết hôn với một người nước ngoài, chúng tôi có thể bị bắt cóc. Gần đây 6 cô gái đã biến mất và chúng tôi không biêt số phận của họ sẽ ra sao.
Những gã đó (ISIS) đang làm giảm giá trị những lời răn dạy trong Hồi giáo. Họ ép chúng tôi dùng mạng che mặt, không cho chúng tôi ra ngoài thành phố nếu không có đàn ông giám hộ đi kèm.
Hành động của chúng khiến tôi không thể tham gia các kỳ thi đại học ở thành phố, do chúng đã đóng cửa các ngôi trường. Chúng còn mở những ngôi trường tiểu học và dạy những đứa trẻ dưới 13 tuổi bằng các cuốn sách riêng có tên 'Jihad.' Đây rõ ràng là những rủi ro lớn về tri thức và xã hội cho lũ trẻ."
Khi nắm quyền kiểm soát Raqaa, ISIS đã kiểm soát các bệnh viện, trung tâm y tế. Những nơi này lập tức rơi vào điều kiện tồi tàn. Cư dân thành phố giờ chỉ có thể tới các "bệnh viện của chính quyền." Tuy nhiên những nơi này không có khả năng xử lý một số lượng lớn bệnh nhân.
Gần đây các máy thẩm tách phục vụ chạy thận và lồng ấp của bệnh viện kể trên đã ngưng hoạt động. ISIS hiện vẫn không cho phép lực lượng nhân đạo tiến vào Raqqa, nói rằng họ không cần "những kẻ ngoại đạo" giúp đỡ.
Trong lúc cư dân Raqqa khốn khổ, nhiều tay súng của ISIS lại sống rất sung túc. Bất kỳ ai chống lại chúng hoặc có ý kiến bất đồng với chúng đều sẽ bị trừng phạt tàn bạo.
"Ở Raqqa, bạn thấy nhiều người đứng xếp hàng trước các bếp ăn cứu trợ vì họ đã trở nên nghèo khổ, trong khi các thành viên ISIS ăn những món ngon nhất và dành nhiều thời gian khoe khoang chiến thích của chúng cùng IS trên các mạng xã hội," nhà hoạt động Abu Muhammad cho biết.
"Chúng tôi đã mở chiến dịch có tên 'Cuộc tàn sát trong yên lặng ở Raqqa' để cho thấy giới biết về hành vi của ISIS ở trong thành phố của mình. Sau khi chiến dịch được triển khai, nhiều nhà hoạt động đã bị bắt, chỉ vì họ là bạn bè của chúng tôi và ủng hộ chúng tôi trên mạng.
ISIS thậm chí còn hành quyết một nhà hoạt động làm việc cho mạng Sham có tên Moataz Bellah Ibrahim. Chúng còn chiếm nhà tôi và nhà của nhiều nhà hoạt động khác tại Raqqa.
Tôi có thể nói người dân Raqqa đang nằm dưới sự cai trị của một tổ chức khủng bố, những kẻ cắt rời đầu khỏi thân các nạn nhân và bêu trên phố, chỉ để hăm dọa người dân thành phố"./.