Cuộc sống của người dân tại bản không rượu, bia ở Lai Châu

Trong những năm gần đây, để góp phần xây dựng đời sống văn hóa mới, đồng bào dân tộc Mông ở xã Khun Há, huyện Tam Đường (Lai Châu) đã vận động lẫn nhau là không lạm dụng rượu, bia.
Bữa cơm không rượu, bia trong dịp Lễ tết, ma chay, cưới hỏi của bà con nhân dân trong bản Lao Chải 2. (Ảnh: Công Tuyên/TTXVN)

Sử dụng rượu, bia trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày từ lâu đã trở thành thói quen của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, để góp phần xây dựng đời sống văn hóa mới, đồng bào dân tộc Mông ở xã Khun Há, huyện Tam Đường (Lai Châu) đã vận động lẫn nhau là không lạm dụng rượu, bia, cùng nhau xây dựng bản văn hóa, bản không rượu, bia. Nhờ đó, tại địa phương gần như không xảy ra các vấn đề về bạo lực gia đình, an ninh trật tự, gây rối trật tự công cộng...

Bản Lao Chải 2, xã Khun Há có 62 hộ với 374 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Những năm gần đây, được các cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động về việc xây dựng bản văn hóa, nhân dân trong bản ngoài việc cùng nhau góp công, góp tiền để xây dựng đường giao thông nội bản; trồng hoa, cây cảnh tạo cảnh quan, vệ sinh môi trường..., còn bảo nhau cũng như giáo dục, khuyên dạy con cháu không sử dụng rượu, bia trong sinh hoạt, ăn uống hằng ngày.

Để khuyên dạy con cháu không uống rượu, bia, trước hết ông bà, cha mẹ phải làm gương, khi bản thân mình không uống rượu, bia thì con cháu cũng sẽ học theo.

Chính nhờ việc không uống rượu, bia mà bà con dân tộc Mông ở bản Lao Chải 2 có nhiều thời gian đi làm nương hơn, tập trung với công việc chăn nuôi, phát triển kinh tế hơn. Qua đó, điều kiện kinh tế của nhiều hộ trong bản ngày càng phát triển, nhiều hộ không những có tiền xây nhà, mua sắm các đồ dùng đắt tiền như xe máy, tivi, tủ lạnh..., mà còn có tiền gửi ngân hàng, cho con cái đi học. Trong 3 năm trở lại đây, bản Lao Chải 2 có hơn 20 hộ thoát khỏi danh sách hộ nghèo.

Nhờ không uống rượu, bia mà bà con dân bản có nhiều thời gian làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. (Ảnh: Công Tuyên/ TTXVN)

Anh Cứ A Sáu, bản Lao Chải 2, xã Khun Há, huyện Tam Đường, cho biết được các cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, nhiều năm qua bản Lao Chải 2 đã trở thành bản không có người uống rượu.

Kể cả vào những dịp lễ tết, khi gia đình có đám cưới, đám tang, đám giỗ hay thậm chí nhà có công việc nhờ anh em, bạn bè đến làm giúp thì cũng không uống rượu. “Không uống rượu thứ nhất là có thể tiết kiệm được tiền mua rượu; thứ hai là sẽ có nhiều thời gian đi trồng thảo quả, trồng lúa, chăn nuôi lợn, gà... để phát triển kinh tế gia đình. Trong 3 năm trở lại đây bà con có nhiều thời gian đi phát triển kinh tế, do đó có nhiều hộ đã thoát nghèo,” anh Cứ A Sáu chia sẻ thêm.

Đứng trước ngôi nhà cấp 4 khang trang rộng gần 100m2 vừa mới xây xong, anh Cứ A Tráng, bản Lao Chải 2 vui mừng chia sẻ nhờ việc không uống rượu, tập trung phát triển kinh tế mà gia đình tôi đã có tiền để xây nhà và cho con cái đi học. Trong gia đình, tôi luôn giáo dục con cháu và người thân không uống rượu. Để con cháu nghe theo trước tiên mình phải làm gương, mình làm tốt thì con mới làm tốt, mới học theo. Ngoài ra, tôi cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con trong bản không uống rượu, để tập trung phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Cuộc sống hằng ngày của bà con nhân dân bản Lao Chải 2. (Ảnh: Công Tuyên/TTXVN)

Theo ông Cứ A Sở, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Khun Há, trên địa bàn xã Khun Há, tỷ lệ người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc Mông sử dụng rượu, bia trong sinh hoạt rất là ít. Hiện nay, cả xã có 15 bản thì có 3 bản là bà con không sử dụng rượu, bia trong sinh hoạt hằng ngày.

Việc bà con không sử dụng rượu, bia trong sinh hoạt hằng ngày có tác động rất nhiều trong việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Đây là một trong những thuận lợi trong phát triển kinh tế, góp phần vào việc nâng cao đời sống vật chất cũng như đời sống tinh thần của nhân dân trong việc xây dựng bản văn hóa.

“Từ kết quả thực hiện chủ trương không sử dụng rượu, bia trong sinh hoạt, ăn uống hằng ngày chúng tôi thấy đây là một nét đặc trưng của địa phương, cần duy trì và phát huy. Trong thời gian tới, định hướng của xã là tiếp tục nhân rộng mô hình này đến các bản khác để người dân nhận thức được tác hại của rượu, bia. Từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, giảm các tệ nạn xã hội liên quan đến rượu, bia xảy ra trên địa bàn,” Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Khun Há nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục