Thời gian qua, truyền thông thế giới tràn ngập những thông tin và hình ảnh đau lòng từ Ấn Độ, nơi là điểm nóng của đại dịch COVID-19. Trong tình hình đó, cuộc sống và công việc học tập của nhiều du học sinh cũng bị đảo lộn, nhất là ở những nơi có tình hình dịch diễn biến phức tạp.
Nguyễn Minh Quang, 24 tuổi, quê Hải Dương, đang là du học sinh năm cuối chuyên ngành kỹ sư xây dựng công trình tại Viện Công nghệ Ambedkar (Bangalore, Ấn Độ). Minh Quang vừa có những chia sẻ về cuộc sống của du học sinh người Việt tại Ấn Độ.
Vào thời điểm tháng 1/2020, Ấn Độ bắt đầu xuất hiện những ca bệnh COVID-19 đầu tiên. Sau 2 tháng, đến giữa tháng 3/2020, số ca nhiễm bắt đầu xuất hiện nhiều nhưng đối với người dân tại nơi Quang theo học lại chưa có khái niệm đeo khẩu trang khi đi ra đường.
“Nhiều khi đi gặp bạn bè, họ đều tỏ ra ngạc nhiên và có phần thấy lạ lẫm khi mình đeo khẩu trang. Một số người thường hỏi tại sao mình lại đeo thứ này. Ngay cả những khi đi tàu điện để di chuyển trong thành phố, mọi người trên tàu cũng thấy đeo khẩu trang là một việc rất lạ lùng,” Minh Quang kể lại.
[Tâm lý của người Việt trong "tâm bão" COVID-19 tại Ấn Độ]
Cuối tháng 3/2020, khi số ca nhiễm có dấu hiệu tăng mạnh, chính phủ Ấn Độ phải tạm đóng cửa tất cả các trường học, trong đó có trường Quang đang học cho đến khi có thông báo mới. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều ca mắc mới xuất hiện nên tình trạng phong tỏa tiếp tục được kéo dài thêm. Trong khoảng thời gian gần 1 năm trường học đóng cửa, tất cả sinh viên và nhà trường đã theo phương pháp dạy và học online, việc thi cũng được tổ chức online.
Đến tháng 2/2021, nhiều trường học trên Ấn Độ đã quyết định mở cửa lại trường học và đón học sinh trở lại trường để thi. Thời gian này cũng là lúc làn sóng COVID-19 thứ hai bắt đầu xuất hiện bởi tâm lý chủ quan của người dân. Nhưng khác với lần trước, lần này chính phủ Ấn Độ không quyết định phong tỏa toàn bộ đất nước mà tuỳ vào tình hình cụ thể của từng bang, người đứng đầu của bang sẽ có quyết định phong tỏa hay không.
“Riêng đối với mình, dù là đợt 1 hay đợt 2 của dịch COVID-19, mình vẫn tự cách ly tại nhà, không giao tiếp với mọi người xung quanh và mọi hoạt động liên quan đến việc học được thực hiện online. Ngoài ra, cứ cách 4-5 ngày, mình lại ra ngoài đi ra siêu thị một lần và mua những nhu yếu phẩm cần thiết,” Quang chia sẻ.
Thêm đó, anh bạn cảm thấy bản thân may mắn khi vẫn nhận được trợ cấp học bổng hàng tháng đầy đủ cả về học phí lẫn tiền sinh hoạt. Trong khi đó, những du học sinh khác không có điều kiện buộc phải lựa chọn đi làm thêm. Ngoài ra, tại Bangalore, cộng đồng người Việt thường xuyên nói chuyện, cập nhật thông tin và giúp đỡ nhau khi cần thiết.
“Gia đình và bạn bè mình ở Việt Nam đều quan tâm và hỏi thăm rất nhiều. Đặc biệt là thời điểm dịch bùng phát mạnh khi hàng ngày có tới hơn 300.000 ca mắc mới. Gia đình và người thân cũng có khuyên bay về nước để đảm bảo an toàn trong thời điểm dịch bệnh phức tạp, nhưng chỉ còn khoảng hơn một tháng nữa là mình sẽ tốt nghiệp và ra trường. Vì vậy, mình vẫn quyết định ở lại để hoàn thành nốt việc học. Vào khoảng giữa tháng 7 mình sẽ nhận bằng tốt nghiệp, sau đó mình dự định sẽ về nước và nghiêm chỉnh chấp hành quy định khai báo y tế, cách ly,” Quang kể.
Chia sẻ về việc tốt nghiệp sắp tới, Quang nói: “Bình thường, lễ tốt nghiệp tổ chức trong hội trường của trường học nhưng năm ngoái, vì ảnh hưởng của dịch đúng vào tầm cuối năm nên lễ tốt nghiệp cũng bị huỷ bỏ, các sinh viên cũng không được chụp ảnh lưu niệm với hiệu trưởng và trưởng khoa. Thay vào đó, mỗi sinh viên sẽ đến gặp trưởng khoa và lấy bằng tốt nghiệp. Hiện nhà trường vẫn quyết định sẽ không tổ chức lễ tốt nghiệp. Từng cá nhân sẽ đến lấy bằng riêng và mình hy vọng sắp tới nếu tình hình dịch bệnh ổn hơn, lễ tốt nghiệp có thể sẽ được tổ chức lại”./.