Cuộc sống "bình thường mới" tại Campuchia, Malaysia và Nhật Bản

Sau khi dần kiểm soát được chuỗi lây lan của đại dịch COVID-19 và thực hiện tiêm chủng vaccine, Campuchia, Malaysia và Nhật Bản đang từng bước nới lỏng nhưng vẫn cảnh giác cao độ với dịch bệnh.
Học sinh trường Trung học Preah Yukunthor, Phnom Penh thực khử khuẩn trước khi lên lớp học. (Ảnh: Vũ Hùng/TTXVN)

Các trường học ở Campuchia đã mở cửa đón các học sinh đi học trở lại; Malaysia kích cầu du lịch, mở cửa đảo  Langkawi; Nhật Bản đã bước qua gần hết giai đoạn đỉnh điểm của đợt dịch thứ 5 và sẽ sớm nới lỏng các hoạt động kinh tế-xã hội.

Campuchia mở cửa trở lại các trường học

Theo phóng viên TTXVN tại Campuchia, sau hơn 7 tháng phải đóng cửa để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, từ đầu tuần này, gần 2.000 trường học tại 9 tỉnh và thủ đô Phnom Penh đã mở cửa đón học sinh trở lại.

Đô trưởng Phnom Penh Khuong Sreng ngày 15/9 cho biết để mở cửa trở lại trường học một cách an toàn, các giáo viên sẽ được tiến hành xét nghiệm COVID-19 hằng tháng, trong khi học sinh cũng sẽ được xét nghiệm nếu bị sốt hoặc có các triệu chứng nghi mắc COVID-19.

Theo Tỉnh trưởng Kandal, ông Kong Sophorn, 140 trường học trên địa bàn tỉnh này đã đón học sinh từ lớp 9 đến lớp 12 trở lại lớp từ ngày 15/9.

Trong khi đó, tại tỉnh Kampong Speu, 399 trường học - trong đó có 9 trường mầm non và 300 trường tiểu học - đã mở cửa trở lại.

Tại tỉnh Prey Veng, trừ 6 trường ở khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao COVID-19, tất cả các trường trung học còn lại đã mở cửa. Tỉnh đang xem xét có thể đưa học sinh tiểu học và mầm non đến trường.

Liên quan tình hình dịch COVID-19, ngày 16/9 Campuchia ghi nhận gần 700 ca mắc mới, mức cao nhất kể từ ngày 29/7 vừa qua.

Cụ thể, Bộ Y tế nước này xác nhận có 693 ca mắc mới COVID-19 và thêm 11 người tử vong trong 24 giờ qua, trong đó có 581 ca lây nhiễm cộng đồng.

[Vaccine ngừa COVID-19 - bài học từ các quốc gia đang mở cửa trở lại]

Tính đến nay, Campuchia phát hiện tổng cộng 102.136 ca mắc COVID-19, trong đó 95.810 người đã khỏi bệnh và 2.078 người tử vong.

Malaysia mở cửa đảo du lịch Langkawi

Tại Malaysia, đảo Langkawi đã trở thành địa điểm du lịch đầu tiên được thử nghiệm mở cửa trở lại sau khi quốc gia này dần kiểm soát được chuỗi lây lan của đại dịch COVID-19 và từng bước hồi phục sau cuộc khủng hoảng này.

Nằm ở bờ biển ngoài khơi phía Tây Bắc của Malaysia, Langkawi mở cửa trở lại từ ngày 16/9 đối với các du khách đã tiêm đủ vaccine ngừa COVID-19, trong chương trình “du lịch bong bóng” nội địa, với các quy định nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Khách du lịch tới đảo Langkawi, Malaysia, ngày 16/9/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tương tự chương trình đã được áp dụng tại Thái Lan bắt đầu bằng việc mở cửa Phuket vào tháng Bảy vừa qua, đảo Langkawi mở cửa cho các du khách đã tiêm đủ vaccine ngừa COVID-19 và phải tiến hành xét nghiệm sàng lọc trước khi tới địa điểm này.

Ông Alexander Isaac, chủ một doanh nghiệp cho thuê du thuyền, không giấu sự vui mừng khi ngành du lịch tại Langkawi được hồi sinh.

Ông cho biết: "Chúng tôi không muốn có thêm bất cứ đợt phong tỏa nào nữa... Chúng tôi cần mở cửa lại nền kinh tế và đưa mọi người trở về với các hoạt động bình thường."

Malaysia đã ghi nhận tổng cộng hơn 2 triệu ca mắc COVID-19 trên tổng dân số 32 triệu người, một trong những quốc gia có tỉ lệ lây nhiễm bình quân đầu người cao nhất châu Á, trong đó có hơn 22.000 trường hợp tử vong.

Hiện, hơn 50% dân số Malaysia đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Người dân Malaysia hy vọng điều này sẽ đẩy nhanh quá trình quay lại cuộc sống bình thường.

Langkawi đã đón khoảng 3,9 triệu du khách vào năm 2019. Nếu mô hình "bong bóng du lịch" tại hòn đảo này thành công, Malaysia sẽ tiến tới mở cửa thêm nhiều điểm du lịch khác.

Nhật Bản từng bước bình thường hóa hoạt động kinh tế xã hội

Ngày 16/9, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide khẳng định sẽ sớm nới lỏng các hoạt động kinh tế xã hội, mở đường cho việc khôi phục lại cuộc sống bình thường của người dân.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, trong một thông điệp bằng video gửi đến cuộc họp chung của Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI), Thủ tướng Suga bày tỏ sự chia sẻ những khó khăn mà người dân Nhật Bản phải trải qua khi chính phủ nước này nhiều lần áp dụng tình trạng khẩn cấp.

Trong bối cảnh đó, người dân đã thực sự hợp tác cùng chính quyền các cấp, triển khai hiệu quả nhiều biện pháp phòng chống dịch COVID-19 như tích cực tham gia chương trình tiêm vaccine, rút ngắn thời gian kinh doanh, tăng cường làm việc từ xa, hạn chế ra ngoài…

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Osaka, Nhật Bản ngày 9/9/2021. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Thủ tướng Suga cho biết Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu trong khoảng thời gian từ đầu tháng 10 đến cuối tháng 11, sẽ hoàn thành tiêm chủng cho tất cả những người đăng ký.

Trên cơ sở đó, chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 và xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 sẽ được sử dụng như một điều kiện quan trọng để từng bước nới lỏng các hạn chế trong sinh hoạt của người dân, mở đường cho việc bình thường hóa các hoạt động kinh tế xã hội như ăn uống, tổ chức sự kiện, du lịch…

Trước đó, các cơ quan chức năng của Nhật Bản đã xem xét nới lỏng các quy định chống dịch sẽ áp dụng cho các đối tượng được đánh giá có nguy cơ mắc COVID-19 thấp là những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.

Dự kiến, các cơ sở kinh doanh ăn uống nếu được chính quyền địa phương xác nhận đã thực hiện tốt biện pháp phòng dịch COVID-19, có thể được xem xét nới lỏng hạn chế về cung cấp đồ uống có cồn, số lượng thực khách và thời gian phục vụ.

Trong trường đại học, các câu lạc bộ ngoại khóa sẽ được phép hoạt động trở lại.

Về du lịch, các gói kích cầu du lịch sẽ được triển khai, người dân đủ các điều kiện trên có thể di chuyển qua các địa phương và thực hiện các chuyến du lịch trong nước.

Về tổ chức sự kiện đông người, khi đảm bảo được các quy định phòng dịch và quản lý người tham gia bằng mã QR, các sự kiện sẽ được tổ chức nhưng quy mô sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể, nhất là tại các địa phương đang áp dụng tình trạng khẩn cấp hoặc biện pháp phòng dịch trọng điểm.

Tuy nhiên, trong trường hợp tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trở lại, Chính phủ Nhật Bản tái tuyên bố áp dụng tình trạng khẩn cấp thì việc nới lỏng này sẽ phải tạm dừng, thậm chí các biện pháp phòng dịch có thể được tăng cường hơn nữa nếu cần thiết.

Cùng ngày, ông Shigeru Omi, cố vấn hàng đầu Nhật Bản về COVID-19, nhận định nước này đã bước qua gần hết giai đoạn đỉnh điểm của đợt dịch thứ 5, tuy nhiên vẫn cần theo dõi sát sao hệ thống y tế hiện đang trong tình trạng quá tải

Phát biểu trước Ủy ban sức khỏe của Hạ viện, cố vấn Omi đánh giá xu hướng giảm số ca bệnh COVID-19 là do "sự kết hợp của nhiều yếu tố," gồm tiến độ tiêm chủng, giảm lượng người tham gia giao thông, quy định ngừng bán đồ uống có cồn trong các nhà hàng và tỷ lệ cao người dân đeo khẩu trang.

Tuy nhiên, ông cảnh báo việc vội vàng nới lỏng các biện pháp hạn chế chống dịch có thể dẫn đến "làn sóng thứ sáu," đặc biệt là khi thời tiết sắp chuyển lạnh.

Cố vấn Omi cũng kêu gọi chính phủ đẩy nhanh việc xây dựng các cơ sở y tế điều trị COVID-19 tạm thời.

Với việc hệ thống y tế vẫn đang quá tải bệnh nhân COVID-19, phần lớn các địa phương của Nhật Bản sẽ vẫn áp dụng tình trạng khẩn cấp cho đến hết ngày 30/9.

Dữ liệu của chính phủ cho thấy hơn 50% dân số nước này đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục