Theo trang mạng thediplomat, nếu có một hằng số trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ trong một vài năm qua thì đó là New Delhi muốn có một vị trí quyết định tại tất cả các hội đồng và tổ chức toàn cầu.
Hiện tại, Ấn Độ có cơ hội lớn hơn bao giờ hết cho các vị trí đó. Trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (COVID-19) đang hoành hành, Ấn Độ sẽ đảm nhận chức chủ tịch Ủy ban điều hành của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - ủy ban đưa ra quyết định của tổ chức này.
Tình thế hiện nay là vô cùng thuận lợi. Ngay cả khi tình thế đó giúp thế giới phối hợp chống virus corona chủng mới (SARS-CoV-2), WHO đã bế tắc trong vụ tranh cãi địa chính trị đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc.
[Nga: Không được sử dụng WHO để giải quyết các vấn đề chính trị]
Đầu năm nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từ chối đóng góp vào ngân sách của WHO.
Là cơ quan hợp tác lớn nhất thế giới về y tế, WHO đóng vai trò không thể thay thế trong việc kết nối các nguồn lực của thế giới - trong cả việc nghiên cứu tìm ra phương thức điều trị cho bệnh nhân COVID-19 hay điều chế vắcxin phòng bệnh.
Là tổ chức duy nhất trên phạm vi toàn cầu, WHO có trách nhiệm quan trọng trong việc tuyên truyền thông tin thiết yếu về đại dịch đến các nước trên toàn thế giới.
Bị mắc kẹt trong cuộc chiến giằng co giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới sẽ khiến Ấn Độ khó phát huy được sự hỗ trợ.
Ngoài việc bị mất đi nguồn ngân sách quan trọng, WHO hiện cũng đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lòng tin, vốn làm suy giảm khả năng của tổ chức này trong việc phát huy đầy đủ những vài trò quan trọng đó.
Trong một thế giới lý tưởng, Ấn Độ có lẽ muốn sử dụng cơ hội quan trọng này để củng cố năng lực lãnh đạo của mình bằng cách làm những gì New Delhi có thể làm tốt nhất: sử dụng lợi thế ngành công nghiệp dược phẩm khá tiên tiến và vận dụng vai trò kỹ trị.
Trong bài phát biểu toàn quốc trong tuần qua, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã bóng gió nói về tham vọng này; ông ca ngợi ngành công nghiệp sản xuất hàng loạt trang thiết bị thiết yếu của Ấn Độ và nhấn mạnh đại dịch COVID-19 như một cơ hội để Ấn Độ nắm bắt vai trò lãnh đạo toàn cầu.
Tuy nhiên, sự ảnh hưởng toàn cầu chẳng nghĩa lý gì nếu không mang tính chính trị. Là một cường quốc mới nổi quan trọng hiện đang điều hành cơ quan y tế quan trọng nhất thế giới - trong khi diễn ra tình trạng khẩn cấp y tế tồi tệ nhất trên quy mô toàn cầu trong một thế kỷ - Ấn Độ không thể thoát khỏi tranh chấp địa chính trị tại WHO.
Và cuộc chiến đã bắt đầu. Tuần này, Mỹ đã đề xuất Đài Loan làm thành viên của Hội đồng Y tế Thế giới - diễn đàn điều hành của WHO.
Ngoại trưởng Mike Pompeo triệu tập cuộc họp gồm 7 quốc gia chính thức, thông báo về vấn đề trên và những thay đổi khác tại WHO do Mỹ đề xuất.
Ấn Độ nằm trong số 7 đồng minh chủ chốt của Mỹ và những đối tác được mời bao gồm Australia, Brazil, Israel, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, hai ngày sau đó, Trung Quốc và Nga đã mời Ấn Độ như một phần của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải - để thảo luận về những phản ứng trước đại dịch với phe địa chính trị đối thủ.
Từ trước đến nay Ấn Độ vẫn "đi dây" trong các mối quan hệ chính trị nhạy cảm lớn như vậy. Tuy nhiên, thách thức đối với New Delhi là nước này không còn tư tưởng thiên vị nữa.
Trong khi đại dịch đang diễn ra, Ấn Độ đã phàn nàn về trang thiết bị của Trung Quốc, hưởng lợi từ sự tài trợ y tế thiết yếu từ Đài Loan, và bị mắc kẹt trong vòng xoáy tranh cãi khác với Trung Quốc ở khu vực dãy Hymalayas. Những bình luận hiện nay tại Ấn Độ cũng đang ngày càng gây hấn với Trung Quốc.
Ấn Độ có lợi ích thực sự trong việc kiềm chế sức mạnh của Trung Quốc, ngay cả khi nhìn từ một quan điểm rộng hơn. Trung Quốc thực sự là đối thủ của Ấn Độ: Trung Quốc là đồng minh với Pakisatn để kiềm chế những sáng kiến của Ấn Độ tại Liên hợp quốc và đe dọa mục tiêu chi phối khu vực của Ấn Độ tại Nam Á với những hải cảng và tàu ngầm.
Mỹ đã chờ đợi Ấn Độ rất lâu để hành động vì những lợi ích này như một đồng minh địa chính trị thực sự - và cuộc họp của ông Pompeo cho thấy rằng Washington giờ đây sẽ gây hấn hơn nữa để New Delhi đưa ra quan điểm chính trị khó khăn.
Tuy nhiên, vì lợi ích tham vọng lãnh đạo của chính mình, Ấn Độ sẽ rất nhạy cảm trong vấn đề tranh chấp. Ấn Độ muốn được coi như hành động theo sáng kiến của chính mình hơn là một “thư ký” của Washington.
Với việc ông Trump đang trong năm tranh cử - quyết tâm mang đến hình ảnh mạnh mẽ - tất cả những điều đó nói sẽ dễ hơn làm.
Tháng trước, Trump đã đe dọa trả đũa Ấn Độ sau khi New Delhi áp đặt lệnh cấm xuất khẩu thuốc chống sốt rét, hydroxychloroquine. Ấn Độ sau đó đã dỡ bỏ lệnh cấm, tuy nhiên chính phủ của Thủ tướng Modi đã bị chỉ trích vì đã cúi đầu trước áp lực.
Ấn Độ sẽ dẫn dắt WHO trong 3 năm, do đó nước này có cơ hội để giải cứu tổ chức này thoát khỏi cuộc chiến hiện nay. Tuy nhiên, New Delhi sẽ phải làm điều này trong khi nâng cao sự độc lập, lợi ích và sự tín nhiệm của chính mình như một cường quốc mới nổi toàn cầu.
Trong những năm qua, Ấn Độ đã tránh đưa ra những quyết định nhạy cảm như vậy bằng cách khéo léo "đi dây" giữa các nước. Chiến lược đó giờ sẽ được thử nghiệm khốc liệt hơn bao giờ hết./.