Cuộc khủng hoảng mới ở Trung Đông: Chơi dao liệu có đứt tay?

Cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran sau vụ sát hại Tướng Soleimani đã ở vào tình thế “nghìn cân treo sợi tóc” mà bất kỳ bước đi vượt "giới hạn đỏ cuối cùng" của bên nào cũng dẫn tới nhiều hệ lụy khó lường.
Binh sỹ Mỹ làm nhiệm vụ tại Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad, Iraq, ngày 31/12/2019. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Binh sỹ Mỹ làm nhiệm vụ tại Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad, Iraq, ngày 31/12/2019. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Trung Đông đang thực sự lâm vào cuộc khủng hoảng mới sau vụ máy bay không người lái của Mỹ tấn công sân bay quốc tế Baghdad ở Iraq hôm 3/1 khiến chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Thiếu tướng Qasem Soleimani, thiệt mạng.

Có thể thấy một “ngã rẽ” nguy hiểm đã xuất hiện sau cái chết của Tướng Soleimani.

Cuộc đối đầu giữa Washington và Tehran đã ở vào tình thế “nghìn cân treo sợi tóc” mà bất kỳ bước đi vượt "giới hạn đỏ cuối cùng" của bên nào cũng dẫn tới nhiều hệ lụy khó lường.

Tại Iran, lễ tang Tướng Qasem Soleimani diễn ra ngày 6/1 đã biến thành một cuộc "biểu dương lực lượng" với sự tham gia của hàng trăm nghìn người.

Các nhân vật cấp cao nhất của Iran cũng liên tục đưa ra những tuyên bố cứng rắn về hành động "trả thù" mạnh mẽ nhất nhằm vào Mỹ, với cảnh báo rằng vụ sát hại Tướng Qasem Soleimani sẽ khiến Washington phải đối mặt với "ngày đen tối." Tất cả như phát đi một thông điệp đặc biệt cứng rắn đối với Mỹ.

Tướng Soleimani được coi là nhân vật quyền lực thứ hai ở Iran, chỉ sau nhà lãnh đạo tối cao-Đại giáo chủ Ali Khamenei.

Là một người cộng sự tin cậy và trung thành với ông Khamenei, Tướng Soleimani có ảnh hưởng lớn trong việc định hình chính sách đối ngoại của Tehran.

Hay nói đúng hơn, ông chính là “đạo diễn” kiêm “tác giả” của nhiều chính sách cũng như chiến lược của Tehran đối với Syria, Iraq, Liban, Dải Gaza…

Trong hầu hết mọi cuộc xung đột ở Trung Đông, Tướng Soleimani được giới phân tích khu vực đánh giá là có vai trò đáng kể trong việc thúc đẩy cán cân quyền lực trong khu vực theo chiều hướng có lợi cho Tehran.

Do vậy, cái chết của nhân vật nhiều ảnh hưởng này chắc chắn sẽ là một đòn giáng mạnh vào tham vọng và bộ máy quân sự của Iran.

Với mất mát và tổn thất lớn đến như vậy, Iran chắc chắn sẽ có hành động trả đũa. Ở Iran cũng có khá nhiều những nhân vật theo đường lối cứng rắn, kiên quyết sử dụng những biện pháp bạo lực để đáp trả Mỹ.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, cho dù đang rất “sôi sục” muốn trả đũa, nhưng Iran, trong tình hình hiện nay, xét về cả thế và lực, cũng không đủ khả năng để có thể phát động một cuộc chiến tranh tổng lực, quy mô lớn chống Mỹ vì nó sẽ kích hoạt những biện pháp đáp trả tương xứng từ phía Washington, và khi ấy Tehran khó có thể chống đỡ được.

Kịch bản khả thi nhất được dự báo trong lúc này nghiêng về khả năng Iran sẽ tránh ra tay trực tiếp mà thông qua các lực lượng ủy nhiệm, thực hiện những vụ tấn công ở quy mô nhỏ nhằm vào các cơ sở và lợi ích của Mỹ ở khu vực.

Một khả năng nữa cũng đã được đề cập là việc Iran sẽ rút hoàn toàn khỏi thỏa thuận hạt nhân mà nước này đã ký với các cường quốc thế giới (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) hồi năm 2015, còn được biết đến với tên gọi Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).

Cuộc khủng hoảng mới ở Trung Đông: Chơi dao liệu có đứt tay? ảnh 1Trực thăng AH-64 Apache của quân đội Mỹ bay trên bầu trời thủ đô Baghdad, Iraq ngày 31/12/2019. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Điều này có vẻ như đang đi đúng theo lộ trình khi Tehran ngày 5/1 tuyên bố sẽ tiếp tục cắt giảm các cam kết đối với thỏa thuận hạt nhân. "Lá bài hạt nhân" được cho là sự lựa chọn phù hợp đối với Iran trong lúc này, đây chính là thứ Iran có thể đem ra mặc cả trên bàn đàm phán khi bị “dồn vào chân tường.”

[Châu Á quan ngại về tình hình Trung Đông sau khi Mỹ sát hại tướng Iran]

Quả thực JCPOA đang ở trong tình thế mong manh hơn bất cứ lúc nào và chỉ cần thêm một bước đi nữa là Iran rời khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử này.

Tuy nhiên, việc sử dụng "lá bài hạt nhân" trong mọi trường hợp đều có nguy cơ khiến Iran bị "mắc kẹt" trong chính cái bẫy mà mình giăng.

Đối với Mỹ, việc Tổng thống Trump ra lệnh không kích nhằm vào đoàn xe chở tướng cấp cao Iran được cho là mang "động cơ kép."

Bên cạnh mục tiêu "dằn mặt" Iran, vụ việc còn có tác động chính trị khi có thể "đánh lạc hướng" dư luận Mỹ trước phiên xét xử luận tội ông Trump tại thượng viện.

Ngoài ra, có vẻ Tổng thống Trump muốn "ghi điểm" với các cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử quyết định năm 2020, khi thể hiện hình ảnh một nhà lãnh đạo kiên quyết bảo vệ lợi ích của nước Mỹ, nói cách khác là một nhà lãnh đạo luôn quyết đoán theo đuổi lập trường "Nước Mỹ trước tiên."

Tuy nhiên, phản ứng trên chính trường Mỹ dường như đang cho thấy tính toán của Tổng thống Trump có thể "lợi bất cập hại."

Nhiều động thái đang được các nghị sỹ xúc tiến tại Quốc hội Mỹ nhằm ngăn chặn hành động được cho là "tự tung tự tác" của Tổng thống Trump, phần nào thể hiện mối bất an của chính giới Mỹ rằng ông Trump đang đặt nước Mỹ vào "tình thế nguy hiểm."

Ít nhất thì các công dân và lợi ích của Mỹ ở Trung Đông đang bị đe dọa trực tiếp trước những tuyên bố "trả đũa" của Iran hoặc các nhóm ủng hộ Tehran trong khu vực.

Trong trường hợp này, việc kích động các căng thẳng quốc tế không chỉ làm vai trò và vị thế của Mỹ ở Trung Đông càng thêm sa sút, mà còn khiến Tổng thống Trump đánh mất sự ủng hộ ở trong nước.

Mặt khác, chính sách "gây áp lực tối đa" của Mỹ đối với Iran trong suốt hơn 1 năm qua hầu như không đem lại hiệu quả, ngoài việc căng thẳng Washington/Tehran liên tục leo thang và đẩy khu vực Trung Đông nhiều lúc "bên bờ vực chiến tranh."

Chưa kể, vụ không kích nhằm vào khu vực sân bay Baghdad của Iraq cũng khiến quan hệ giữa Mỹ với Iraq bị sứt mẻ nghiêm trọng mà đỉnh điểm là Quốc hội Iraq thông qua nghị quyết chấm dứt sự hiện diện của binh sỹ nước ngoài tại quốc gia Trung Đông này.

Ở một khía cạnh khác, chính sách "gây hấn" với Iran có thể dẫn tới một kịch bản không mong muốn là Washington phải tăng cường lực lượng để bảo vệ công dân và các lợi ích của Mỹ ở Trung Đông.

Điều đó vô hình trung sẽ trái với cam kết của Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi các cuộc xung đột trong khu vực. Cử tri Mỹ thì chưa quên bài học khi quân đội nước này"sa lầy" trong cuộc chiến ở Iraq.

Cuộc khủng hoảng mới ở Trung Đông: Chơi dao liệu có đứt tay? ảnh 2Người biểu tình phóng hỏa bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad, Iraq ngày 31/12/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)

Về khía cạnh kinh tế, những căng thẳng giữa Mỹ và Iran kéo theo những bất ổn ở Trung Đông sẽ gây ra tác động tiêu cực tới thị trường dầu mỏ thế giới và cụ thể là giá dầu.

Thực tế, chỉ vài giờ sau vụ không kích của Mỹ nhằm vào Tướng Soleimani, giá dầu thô trên thị trường quốc tế tăng vọt, lên mức cao nhất trong 7 tháng qua.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng giá dầu có thể tăng lên tới 80 USD/thùng và thậm chí có thể vượt mức này nếu căng thẳng địa chính trị leo thang làm gián đoạn nguồn cung dầu thô ở Trung Đông.

Ở đây cần nhắc lại vấn đề eo biển Hormuz-nơi có thể trở thành điểm nóng trong cuộc đối đầu quyết liệt Mỹ-Iran.

Có thể thấy rằng với chiều dài khoảng 170 km, điểm hẹp nhất rộng 33 km, nhưng eo biển Hormuz lại là cửa ngõ quan trọng bậc nhất của ngành năng lượng thế giới khi các tàu chở dầu của các quốc gia thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đều phải đi qua đây.

Ước tính, mỗi ngày có khoảng 21 triệu thùng dầu, trị giá gần 1,2 tỷ USD được vận chuyển qua eo biển này, tương đương gần 1/3 lượng dầu thế giới.

Ngoài ra, lượng xăng vận chuyển qua eo biển này cũng chiếm khoảng 21% tổng nhu cầu tiêu thụ của thế giới. Do đó, bất kỳ cuộc đối đầu quân sự nào giữa Mỹ và Iran tại khu vực này cũng khiến hoạt động vận chuyển dầu qua eo biển Hormuz bị gián đoạn, tác động tiêu cực tới ngành năng lượng và kinh tế toàn cầu.

Những vụ tấn công nhằm vào các tàu chở dầu ở Vùng Vịnh hồi năm ngoái đã phần nào cho thấy hoạt động vận chuyển dầu ở khu vực sẽ bị ảnh hưởng đến mức nào nếu an ninh và an toàn hàng hải không được đảm bảo.

Công bằng mà nói thì cả Mỹ và Iran đều có khả năng sẽ phải hứng chịu rủi ro vì những hành động do bên này gây ra cho đối phương, hay nói cách khác là cả hai đều đối mặt với kịch bản "chơi dao có ngày đứt tay."

Những tác động tiêu cực có thể rất lớn, và phần nào phụ thuộc vào việc Iran sẽ dùng biện pháp gì để đáp trả Mỹ và Washington đã chuẩn bị đối phó ra sao trước những phản ứng của Tehran và các lực lượng ủy nhiệm của họ ở Trung Đông.

Cho tới nay thì cả hai đều bày tỏ quan điểm cứng rắn, cho thấy căng thẳng Mỹ-Iran như "đạn đã lên nòng," song đâu đó vẫn hé mở những khả năng tháo ngòi.

Vấn đề mấu chốt là chưa bên nào chìa tay ra trước, và những động thái căng thẳng hiện nay từ cả Mỹ và Iran luôn có nguy cơ "già néo đứt dây."/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục