Cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng ở Brazil tiếp tục bế tắc

Khủng hoảng chính trị ở Brazil liên tục leo thang trong thời gian qua với các cáo buộc Tổng thống Rouseff và cựu Tổng thống Lula da Silva có liên quan tới vụ tham nhũng ở Petrobras.
Bộ trưởng Nông nghiệp Brazil Kátia Abreu. (Nguồn: exame.abril.com.br)

Ngày 1/4, Bộ trưởng Nông nghiệp Brazil Kátia Abreu cho biết sẽ cùng 5 bộ trưởng nữa của Đảng Phong trào dân chủ (PMDB) tiếp tục tham gia thành phần nội các, ngoại trừ Bộ trưởng Du lịch Henrique Eduardo Alves đã xin từ chức trước đó.

Tuyên bố trên của bà Abreu được đăng tải trên tài khoản Twitter, mặc dù trước đó ngày 30/3, PMDB của Phó Tổng thống Michel Temer thông báo quyết định không tiếp tục tham gia thành phần nội các.

Bà Abreu cũng bày tỏ các bộ trưởng của PMDB sẽ chỉ rời bỏ chính phủ trong trường hợp Tổng thống Dilma Rousseff yêu cầu. Tuy nhiên, theo tờ O Globo, nguyên Phó Tổng thống Temer sẽ không cho phép các bộ trưởng của PMDB tiếp tục tại vị và những ai chống lại quyết định này sẽ bị trừng phạt.

Sau khi PMDB đưa ra tuyên bố này, Tổng thống Rousseff đã xem xét khả năng bổ nhiệm các bộ trưởng mới thay thế các vị trí của thành viên PMDB trong liên minh cầm quyền cùng 600 vị trí khác của đảng này trong thành phần chính phủ.

Cùng ngày, thượng nghị sỹ đối lập José Serra cảnh báo việc phế truất bà Rousseff sẽ không thể giải quyết được cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng hiện nay tại Brazil và kêu gọi tiến hành cải cách triệt để hệ thống chính trị quốc gia.

Ông Serra, người từng giữ chức bộ trưởng, thống đốc bang, thị trưởng và hai lần ra tranh cử tổng thống, cho rằng việc thay đổi chính phủ sẽ có lợi hơn cho tình hình kinh tế đất nước trong thời gian ngắn hạn, tuy nhiên những bế tắc chính trị vẫn sẽ không có lối thoát. Theo nghị sỹ Serra, thời gian tại vị của Tổng thống Rousseff sẽ không còn nhiều.

Cùng ngày, các luật sư của cựu Tổng thống Lula da Silva, người sáng lập Đảng Lao động (PT) cầm quyền, đã yêu cầu Tòa án Tối cao thông qua việc bổ nhiệm ông này làm Chánh văn phòng Nội các, đồng thời nhấn mạnh việc ông Lula tham gia chính phủ không có nghĩa là ông này tìm cách tránh bị điều tra liên quan tới những cáo buộc tham nhũng ở Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras.

Trong khi đó, tờ Folha de San Pablo của Brazil đưa tin cảnh sát liên bang đang nghi ngờ Tổng thống Rousseff đã nhận tiền bất hợp pháp trong chiến dịch tranh cử năm 2014 từ tập đoàn xây dựng hàng đầu Brazil Odebrecht, cũng đang bị điều tra vì có liên quan tới vụ tham nhũng khổng lồ trên.

Một cuộc tuần hành với sự tham gia của hàng chục nghìn người ủng hộ Tổng thống Rousseff và ông Lula cũng đã được tổ chức trong ngày ở thủ đô Brasilia, nhằm thể hiện tình đoàn kết và sự ủng hộ với chính phủ. Những người biểu tình mang theo biểu ngữ tố cáo phe đối lập âm mưu gây đảo chính, phá hoại nền dân chủ.

Khủng hoảng chính trị ở Brazil liên tục leo thang trong thời gian qua với các cáo buộc Tổng thống Rouseff và cựu Tổng thống Lula da Silva có liên quan tới vụ tham nhũng ở Petrobras. Tuy nhiên, chính quyền bà Rouseff tuyên bố những cáo buộc trên cùng những động thái đi kèm là âm mưu đảo chính.

Tính đến nay, đã có hơn 100 cá nhân chính thức bị kết tội tham nhũng, rửa tiền và thành lập băng đảng trong vụ bê bối này, trong đó có hàng chục lãnh đạo từ các tập đoàn xây dựng và kỹ thuật hàng đầu Brazil.

Khoảng 50 chính trị gia, trong đó có nhiều nghị sỹ và thống đốc bang, nằm trong diện bị điều tra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục