Cuộc khủng hoảng chính trị ở Italy tạo ra mối lo cho cả châu Âu

Cuộc khủng hoảng chính trị ở Italy có tác động lớn cả trong và ngoài nước, khi châu Âu chứng kiến sự ra đi của Thủ tướng Anh Boris Johnson, sự thay đổi chính phủ ở Đức với một liên minh rất đa dạng.
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Italy tạo ra mối lo cho cả châu Âu ảnh 1Thủ tướng Mario Draghi (phải) đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống Sergio Mattarella (trái). (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chính trường Italy lại rơi vào khủng hoảng khi Thủ tướng Mario Draghi đệ đơn từ chức, quyết định được cho là khởi nguồn từ việc Phong trào 5 sao (M5S), đảng lớn thứ hai trong liên minh cầm quyền, tẩy chay cuộc bỏ phiếu tại thượng viện về Dự luật cứu trợ (Aiuti).

Hành động của M5S được xem như “giọt nước tràn ly” bởi cuộc bỏ phiếu này là một phép thử đối với sự đoàn kết của chính phủ liên minh tại Italy và uy tín của Thủ tướng Draghi.

Chính phủ đoàn kết dân tộc do ông Draghi lãnh đạo được thành lập tháng 2/2021, quy tụ phần lớn các đảng chính trị trong quốc hội, ngoại trừ đảng Anh em Italy đối lập.

Thời gian qua, Chính phủ Italy và cá nhân Thủ tướng Draghi đã ghi nhiều dấu ấn nổi bật cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, với tính chất là một liên minh cầm quyền có quá nhiều đảng phái, những khác biệt và bất đồng vốn đã tồn tại, càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Một số chính đảng chủ chốt như M5S, đảng Dân chủ, đảng Liên đoàn thường xuyên chỉ trích, tranh cãi lẫn nhau về các đề xuất chính sách ngay từ khi mới được thảo luận trong nội bộ chính phủ.

Dự luật Aiuti được đa số liên minh ủng hộ, song M5S lại phản đối vì cho rằng một số nội dung không phù hợp giá trị cốt lõi của đảng. Vì vậy, việc chính phủ sụp đổ đã được dự đoán trước, dù xảy ra một cách khó tin.

[Italy: Thị trưởng 11 thành phố kêu gọi Thủ tướng Draghi không từ chức]

Nhà nghiên cứu Lorenzo Mariani thuộc Viện Các vấn đề quốc tế (IAI) Italy cho rằng cuộc khủng hoảng chính phủ lần này khá phức tạp. Chính phủ đã sụp đổ trước hết do thiếu sự ủng hộ của M5S và quyết định không bỏ phiếu sau đó của hai đảng Liên đoàn và Forza Italia.

Bên cạnh đó, chính phủ của ông Draghi còn thường xuyên chịu sự công kích của đảng Anh em Italy, đảng đối lập duy nhất và dẫn đầu về tỷ lệ ủng hộ theo các kết quả thăm dò ý kiến gần đây.

Giáo sư Fabio Massimo Parenti thuộc Viện Lorenzo de’ Medici cũng nhất trí rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay. Một trong số đó là quyết định của M5S rời khỏi liên minh cầm quyền.

Theo ông, “M5S đã quyết định đứng về phe đối lập, không tiếp tục ủng hộ chính phủ của ông Draghi."

Một nguyên nhân nữa là Thủ tướng Draghi quyết định rút lui. Về nguyên tắc, chính phủ vẫn được quốc hội tín nhiệm, nhưng Thủ tướng Draghi không muốn thực hiện một cuộc cải tổ hay thành lập chính phủ mới vì ông chỉ muốn tiếp tục cầm quyền với một liên minh rộng lớn, bao gồm cả M5S.

Chuyên gia luật hiến pháp Rosario Miccichè tại Đại học Lumsa (Palermo) đánh giá từ quan điểm pháp lý, sau cuộc bỏ phiếu tại thượng viện ngày 20/7, Thủ tướng Draghi vẫn có thể tiếp tục cầm quyền vì có đủ số phiếu để tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, diễn biến tại thượng viện lúc đó cho thấy rất khó có thể hàn gắn rạn nứt giữa các lực lượng chính trị, khi một số đảng đã muốn rời bỏ liên minh.

Trong khi đó, ông Pietro Masima, Giáo sư lịch sử châu Á của Đại học phương Đông Napoli, nêu rõ nguyên nhân khủng hoảng là một số đảng đã tìm cách trở nên khác biệt và gây ra căng thẳng trong chính phủ để chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử, khi đó được dự kiến tổ chức vào đầu năm 2023.

M5S đã đưa ra nhiều yêu sách dẫn đến khủng hoảng chính phủ. Phe trung hữu đã lợi dụng tình hình này để đẩy chính phủ sụp đổ. Giáo sư Masima nhận định: “Lý do sâu xa là sự bất mãn xã hội từ năm 2008 đã tích tụ và ngày càng trầm trọng khi tình hình kinh tế khó khăn. Lý do gần hơn là cuộc bầu cử quốc hội năm 2018 dẫn đến việc hình thành các lực lượng chính trị quá chia rẽ, rất khó tìm được sự thống nhất."

Các học giả trên đều nhất trí rằng tình hình sắp tới là khó đoán định. Về cuộc bầu cử quốc hội, đây là lần đầu tiên trong khoảng 100 năm qua, cử tri Italy đi bỏ phiếu vào tháng Chín và chiến dịch tranh cử trùng với khoảng thời gian nghỉ hè, nóng nhất trong năm. Vì vậy, chiến dịch tranh cử vốn đã khó khăn, chắc chắn sẽ càng phức tạp.

Một điểm đáng lưu ý nữa là số nghị sỹ được bầu trong quốc hội mới sẽ ít đi, đồng nghĩa với việc sẽ không còn đa dạng sắc thái chính trị như trước đây và đặc biệt có thể sẽ không còn sự hiện diện của một số đảng nhỏ, vốn giữ vai trò quan trọng trong các liên minh.

Nhà nghiên cứu Mariani nhận xét nhiều khả năng 3 đảng trung hữu lớn là Anh em Italy, Liên đoàn và Forza Italia sẽ phối hợp cùng nhau trong một liên minh rất mạnh, với sự dẫn dắt của đảng Anh em Italy, mặc dù sẽ có tranh cãi để xác định phương hướng vận động bầu cử. Kết quả thăm dò đang cho thấy phe trung hữu sẽ giành chiến thắng.

Về phe trung tả, đảng Dân chủ có khả năng xem xét liên minh với các đảng như Italia Viva của cựu Thủ tướng Matteo Renzi hay +Europe. Cũng cần xem M5S sẽ làm gì, trong khi chưa ai biết khả năng của đảng Tập hợp vì tương lai của Ngoại trưởng Luigi Di Maio trong cuộc bầu cử sắp tới. Theo ông, khó có khả năng đảng Dân chủ và liên minh do đảng này dẫn đầu sẽ liên kết với M5S.

Chuyên gia luật Miccichè cũng đồng ý rằng kết quả cuộc bầu cử quốc hội sắp tới phụ thuộc vào việc cử tri Italy sẽ trở lại xu hướng ủng hộ các đảng trung tả và trung hữu truyền thống, hay quay sang bỏ phiếu cho những đảng không thuộc cả hai nhóm chính trị trên, giống trường hợp M5S trong cuộc bầu cử năm 2018.

M5S đã giành được 38% số phiếu bầu nhờ bản sắc chống thể chế, bác bỏ cả cánh tả lẫn cánh hữu, dẫn đến việc không cho phép tự động hình thành một nhóm đa số, đòi hỏi việc thành lập liên minh tại quốc hội mới.

Theo giáo sư Parenti, trong 2 tháng tới, tất cả các lực lượng chính trị Italy đều phải sắp xếp lại đội hình cho cuộc bầu cử. Ngay từ bây giờ, một cuộc đua nhằm thành lập các liên minh mới giữa phe trung hữu và trung tả đã bắt đầu khởi động.

Trước mắt, có hai kịch bản có thể xảy ra. Một là, phe trung tả được mở rộng bao trùm các nhóm trung dung và đủ khả năng giành kết quả tốt trong cuộc bầu cử, từ đó đề nghị ông Draghi làm thủ tướng một lần nữa.

Hai là phe trung hữu tận dụng lợi thế vượt trội và chiến thắng để mở ra một chu kỳ mới, không mang ý nghĩa tích cực, xét ở khía cạnh độc lập và tự chủ của Italy trong xây dựng chính quyền. Do vậy ông Parenti dự báo sẽ có sự bất ổn ngay trong việc thành lập một chính phủ mới, bởi tình hình sẽ không thay đổi đáng kể so với trước đây.

Cuộc khủng hoảng chính trị ở Italy tạo ra mối lo cho cả châu Âu ảnh 2Ông Mario Draghi. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tuy nhiên, giáo sư Masima cho rằng khó dự đoán triển vọng sắp tới vì các đảng sẽ đưa ra nhiều lựa chọn, cũng như quyết định cương lĩnh tranh cử để thuyết phục cử tri bỏ phiếu cho họ. Nếu cuộc bầu cử được tổ chức ngay, phe trung hữu sẽ giành thắng lợi. Tuy nhiên, còn nhiều yếu tố không chắc chắn. Cần chờ xem hình thức thỏa thuận nào sẽ được hình thành giữa các lực lượng và liệu phe trung hữu có thực sự đoàn kết hay không.

Về những thách thức của chính phủ tương lai, nhà nghiên cứu Mariani đánh giá thời gian tới là giai đoạn then chốt đối với Italy, với nhiều vấn đề nội bộ cần phải giải quyết bao gồm việc thực thi các chương trình cải cách để được Liên minh châu Âu (EU) giải ngân quỹ phục hồi sau đại dịch COVID-19, nguy cơ bùng phát dịch...

Chiến dịch tranh cử trở nên gay go hơn vào tháng Chín khi tiếp tục có những tranh cãi về việc cung cấp khí đốt từ Nga. Tất cả các đảng lớn cần phải có một giải pháp rất ngắn hạn để đối phó với những vấn đề khác nhau mà Italy sẽ đối mặt trong mùa Đông.

Nếu không có những cải cách cơ cấu hiệu quả, các yếu tố không chắc chắn như cuộc xung đột Nga-Ukraine, đình trệ kinh tế và lạm phát gia tăng sẽ gây ra khó khăn lớn cho chính phủ tương lai.

Trong trường hợp phe trung hữu chiến thắng, chính phủ sẽ có đường lối cứng rắn hơn đối với EU, chắc chắn khác xa với quan điểm ủng hộ châu Âu và Đại Tây Dương của ông Draghi. Uy tín quốc tế của Italy nhiều khả năng sẽ sụt giảm.

Cuộc khủng hoảng chính trị tại Italy sẽ có tác động lớn cả trong và ngoài nước, khi châu Âu chứng kiến sự ra đi của Thủ tướng Anh Boris Johnson, sự thay đổi chính phủ ở Đức với một liên minh rất đa dạng, khó đảm bảo ổn định chính trị trung và dài hạn.

Theo cách nào đó, tình hình ở Pháp cũng giống tại Italy, tức là không có một chính phủ thực sự gắn kết dựa trên sự ủng hộ của đa số quốc hội. Từ nhiều năm trước, bất ổn chính trị được xem là tình trạng phổ biến của Italy.

Tuy nhiên, việc nhiều nước châu Âu cũng rơi vào tình trạng tương tự như ở Italy, có thể khiến EU càng thêm chia rẽ trong bối cảnh toàn khối đang phải đối mặt với nhiều thách thức, cả về chính trị, kinh tế và đối ngoại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục