AFP đưa tin vụ sụp đổ của tập đoàn đầu tư khổng lồ của Mỹ Lehman Brothers 10 năm về trước đã buộc các ngân hàng trung ương phải tiến hành những bước đi chưa từng có tiền lệ để giải cứu nền kinh tế toàn cầu, song điều này cũng đẩy các ngân hàng này vào lĩnh vực chưa từng được biết đến mà hiện họ vẫn đang "dò dẫm" tìm lối thoát.
Với vai trò "tổng tư lệnh giải cứu," các ngân hàng trung ương đã dỡ bỏ rào cản quy định bằng cách triển khai một số công cụ bất thường mà dù tốt hay xấu thì cũng đã trở thành "công cụ bình thường mới."
Eric Dor, Giám đốc nghiên cứu kinh tế tại trường Quản lý IESEG của Pháp, nói: "Chúng tôi không đánh giá cao vai trò quan trọng của Ngân hàng nhà nước trong trường hợp xảy ra bất ổn tài chính nghiêm trọng."
Tuy nhiên, sau nhiều năm áp dụng chính sách tỷ lệ lãi suất siêu thấp và đồng tiền mất giá, những ông chủ của các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đang phải vật lộn với rào cản tiếp theo, đó là làm thế nào để thoát khỏi phương thức khủng hoảng mà không ảnh hưởng đến sự hồi phục của nền kinh tế.
"Đây là một thách thức cực kỳ lớn," nhà phân tích ngân hàng ING Diba, Carsten Brzeski cho biết.
Theo ông Brzeski, hành động cân bằng khéo léo rất phức tạp bởi "những điều không chắc chắn" trong tương lai, khi những tranh cãi thương mại của Tổng thống Donald Trump và những rủi ro mang tính địa chính trị đang gia tăng phủ bóng lên triển vọng kinh tế.
Và mặc dù Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu, Ngân hàng Anh và Ngân hàng Nhật Bản đều phối hợp hành động trong năm 2008, song việc quay trở lại bình thường hóa chính sách tiền tệ là điều mà mỗi nước phải tự quyết định.
Không quay trở lại
Các ngân hàng trung ương gánh vác nhiệm vụ tổng thể là đưa ra chính sách tăng hoặc giảm tỷ lệ lãi suất để đạt được sự bình ổn giá. Tuy nhiên, khi tiếp cận với nguồn tín dụng cạn kiệt sau khi Lehman sụp đổ, họ đã phải nghĩ đến khả năng khác. Đầu tiên, họ đã hạ tỷ lệ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục và thậm chí ở mức âm.
Tiếp theo, họ bơm tiền mặt ồ ạt vào hệ thống tài chính. Họ đưa ra các khoản cho vay với lãi suất thấp cho các ngân hàng và bắt đầu mua vào khối lượng lớn trái phiếu chính phủ nhằm thúc đẩy kế hoạch "nới lỏng định lượng" (QE), hy vọng khuyến khích cho vay và thúc đẩy tiêu dùng.
Các nhà phân tích phàn nàn rằng các biện pháp quyết liệt này đã gây ảnh hưởng đến những người tiết kiệm và bóp méo các thị trường cổ phiếu, song những người ủng hộ khẳng định biện pháp này đã hỗ trợ sự tăng trưởng trở lại của nền kinh tế toàn cầu.
Brzeski nói: "Các ngân hàng Trung ương có thể giành được sự tín nhiệm lớn từ việc kiểm soát khủng hoảng, ngay cả khi đó là sự đánh đổi từ bài học thực tế."
Theo ông, một trong những bước đi sai lầm đáng nhớ là sự cố vấn sai lầm của ECB trong việc tăng tỷ lệ lãi suất trong năm 2011, bất chấp cuộc khủng hoảng nợ trong khu vực đồng tiền chung châu Âu đang bùng phát.
[Mega Story] Khủng hoảng tài chính: Nguy cơ đang rình rập
Tuy nhiên, cơ quan có trụ sở tại Frankfurt (Đức) này đã nhanh chóng sửa sai và sau đó Giám đốc ECB Mario Draghi đã đưa ra cam kết nổi tiếng rằng ECB sẽ làm "bất kể điều gì để bảo vệ đồng euro."
Hồi tháng 6/2018, bản thân ông Draghi thừa nhận ngay cả khi ngân hàng này sẵn sàng giảm việc mua trái phiếu vào tháng 12 thì chương trình QE cũng đã trở thành một "công cụ bình thường" trong "hộp công cụ" của ECB, sẵn sàng được lấy ra tái sử dụng khi cần thiết.
Bong bóng mới?
Câu hỏi quan trọng về các ngân hàng trung ương hiện nay là khi nào, hay chính xác là làm thế nào, để gỡ bỏ những gói khuyến khích bổ sung để đảm bảo họ có đủ "nguồn lực" khi thời kỳ suy thoái tiếp theo diễn ra mà không gây hoảng loạn thị trường hiện tại.
Nhiều chính phủ, công ty và các nhà đầu tư đã dựa vào nguồn ngân sách sẵn có của ngân hàng trung ương để duy trì các khoản nợ của họ - và bất kể sự thay đổi đột ngột nào cũng có nguy cơ tạo ra một cuộc khủng hoảng mới.
Bất chấp sức tăng trưởng mạnh mẽ và thị trường lao động sôi động, cơn đau đầu khác là tỷ lệ lạm phát vẫn ở mức thấp đáng lo ngại tại các nền kinh tế phát triển.
Nhà nghiên cứu kinh tế Dor của IESEG ví những nỗ lực của ngân hàng trung ương nhằm đạt được mục tiêu lạm phát ở mức 2% chẳng khác gì "Don Quixote đấu với những chiếc cối xay gió," tương tự quan điểm của các nhà quan sát cho rằng những nhân tố nằm ngoài sự kiểm soát của ngân hàng, như số hóa, là nguyên nhân gây ra tình trạng đó.
Tuy nhiên, ECB tin rằng lạm phát đang đi đúng hướng do vấn đề tiền lương trong khu vực đồng tiền chung châu Âu đang được cải thiện, thúc đẩy quyết định cân bằng trở lại chương trình QE - trong khi phát đi tín hiệu tỷ lệ lãi suất sẽ không tăng cho đến năm 2019.
Nhưng nếu ECB không đạt được mục tiêu lạm phát, nhà kinh tế của Berenberg, Holger Schmieding, cho rằng chủ yếu là do các biện pháp kích thích "quá tay", và không rõ điều gì sẽ xảy ra khi các biện pháp kích thích được thu hồi.
Nhà phân tích Joerg Kraemer của Commerzbank cảnh báo mặc dù những nhà quản lý chính sách đã buộc các ngân hàng phải trở nên linh hoạt hơn kể từ năm 2008, song nguy cơ xảy ra một đợt bong bóng mới là có thật.
Mức nợ trong cả lĩnh vực công và tư trong khu vực đồng tiền chung châu Âu vẫn ở mức cao, một phần do cách tiếp cận tín dụng dễ dàng của ECB.
Brzeski kết luận FED muốn sử dụng thời điểm kinh tế thuận lợi để bình thường hóa chính sách tiền tệ, trong khi các ngân hàng trung ương khác lại đang mơ hồ về cái gọi là thời điểm tốt đó./.