Từ ngày 11-13/10, tại thủ đô Manila, Philippines, đã diễn ra Cuộc họp Tham vấn chung ASEAN (JCM) với sự tham dự của các quan chức cao cấp ASEAN từ cả 3 trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội và các cuộc họp quan chức cao cấp ASEAN, ASEAN+3 và Cấp cao Đông Á (EAS) để chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 31 và các hội nghị cấp cao liên quan.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam, dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự các hội nghị.
Các đại biểu đã rà soát, hoàn tất chương trình hoạt động và chương trình nghị sự; thảo luận và thống nhất nội dung hầu hết các văn kiện của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 31 và các hội nghị cấp cao liên quan, dự kiến diễn ra từ 13-14/11 tới tại Manila, Philippines.
[ASEAN hợp tác thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các thành viên]
Trong đợt Hội nghị cấp cao ASEAN làn thứ 31 năm nay, ngoài các hội nghị cấp cao theo thông lệ giữa ASEAN với các đối tác bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Liên hợp quốc và Hội nghị cấp cao Đông Á, sẽ có thêm các sự kiện sau: Hội nghị cấp cao kỷ niệm 40 năm quan hệ ASEAN với Mỹ và EU, Hội nghị cấp cao kỷ niệm 20 năm thành lập cơ chế ASEAN+3, Hội nghị cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 9, Hội nghị các nhà lãnh đạo Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Gala đặc biệt kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN.
Tại các hội nghị cấp cao, lãnh đạo các nước ASEAN sẽ thảo luận các nội dung về xây dựng cộng đồng ASEAN, trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế và định huớng hợp tác tiếp theo.
Lãnh đạo các nước sẽ ký, thông qua và ghi nhận gần 60 văn kiện khác nhau, nội dung liên quan tới mọi mặt hợp tác ASEAN và giữa ASEAN với các bên đối tác. Đáng chú ý, trong số đó có 24 văn kiện của ASEAN; 18 văn kiện với các đối tác; 5 văn kiện trong khuôn khổ ASEAN+3; 6 văn kiện của EAS và các văn kiện thuộc các cơ chế khác. Các lãnh đạo ASEAN sẽ ký 2 văn kiện gồm “Tuyên bố ASEAN về Sáng tạo” và “Đồng thuận ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư.”
Tại Hội nghị cấp cao lần thứ 31, lãnh đạo các nước sẽ thông qua nhân sự mới cho vị trí Tổng Thư ký ASEAN nhiệm kỳ 2018-2022. Nhân dịp này, Việt Nam cũng sẽ giới thiệu nhân sự đảm nhiệm vị trí Phó Tổng Thư ký phụ trách Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN nhiệm kỳ 2018-2021.
Với tư cách nuớc điều phối quan hệ ASEAN-Ấn Độ, Việt Nam đã thông báo về công tác chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao kỷ niệm 25 năm quan hệ đối thoại ASEAN-Ấn Độ tháng 1/2018 tại New Delhi và kế hoạch tổ chức Đối thoại không chính thức giữa các nhà lãnh đạo ASEAN và APEC bên lề Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 25 tháng 11/2017 tại Đà Nẵng.
Về nội dung các văn kiện, các quan chức cao cấp ASEAN đã thảo luận và cơ bản hoàn tất các văn kiện trình lãnh đạo tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 31 và các hội nghị cấp cao liên quan theo hướng bảo đảm mục tiêu duy trì hoà bình, an ninh và ổn định khu vực, thúc đẩy ưu tiên và tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN.
Ngoài ra, cuộc họp SOM ASEAN cũng trao đổi về một số sáng kiến liên ngành có khả năng mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân như thẻ doanh nhân ASEAN, cơ chế hỗ trợ lãnh sự lẫn nhau cho công dân ASEAN ở các nước thứ ba và bàn các biện pháp nâng cao hiệu quả triển khai hợp tác về các vấn đề liên ngành, liên trụ cột.
Cơ chế ASEAN+3 gồm 10 nước ASEAN và 3 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Cấp cao Đông Á (EAS) gồm 10 nước ASEAN và 8 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Mỹ và Nga./.