Cuộc họp quyết định chính sách sản lượng của OPEC+ không dễ dàng

OPEC+ gồm các nước OPEC và các đối tác do Nga đứng đầu, sản xuất khoảng 40% sản lượng dầu thô của thế giới, đồng nghĩa rằng các quyết định chính sách của tổ chức này có thể tác động tới giá dầu mỏ.
Một cơ sở khai thác dầu của Nga. (Ảnh: TASS/TTXVN)

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, còn gọi là OPEC+, đã nhóm họp trong ngày 4/6 để thảo luận về việc tiếp tục cắt giảm sản lượng trong bối cảnh giá dầu có thể tiếp tục giảm và dư thừa nguồn cung.

OPEC+ đã phải hoãn các cuộc thảo luận chính thức khoảng hơn 3 giờ vì các cuộc thảo luận bên lề bàn về sản lượng cơ sở kéo dài lâu hơn dự tính. Sản lượng cơ sở là dữ liệu quan trọng để tính toán mức cắt giảm và hạn ngạch sản xuất.

Theo các nguồn thạo tin, những thành viên có ảnh hưởng nhất và các nhà sản xuất lớn nhất ở Vùng Vịnh do Saudi Arabia dẫn đầu đang cố gắng thuyết phục các nước sản xuất dưới mức sản lượng cơ sở đề ra ở châu Phi như Nigeria và Angola đặt ra những mục tiêu sản lượng thực tế hơn.

Tuy nhiên, các nước này phản đối hạ mức sản lượng cơ sở vì điều này đồng nghĩa rằng họ sẽ thực sự phải cắt giảm sản lượng thay vì chỉ cắt giảm trên danh nghĩa như trước đây. Các nguồn tin tiết lộ các cuộc thảo luận với các nhà sản xuất châu Phi đang cho thấy nhiều khó khăn.

Trong khi đó, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) muốn có sản lượng cơ sở cao hơn để phản ánh tăng trưởng năng lực sản xuất ngày càng gia tăng của quốc gia Vùng Vịnh.

OPEC+ gồm các nước OPEC và các đối tác do Nga đứng đầu, sản xuất khoảng 40% sản lượng dầu thô của thế giới, đồng nghĩa rằng các quyết định chính sách của tổ chức này có thể tác động lớn tới giá dầu mỏ.

[Các nước OPEC+ xem xét tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu mỏ]

Các nguồn tin cũng cho biết trong số những lựa chọn được đưa ra thảo luận trong cuộc họp ngày 4/6 có cả các mức cắt giảm sản lượng bổ sung hay một gói đầy đủ các biện pháp thay đổi.

Có nguồn tin tiết lộ sản lượng cắt giảm bổ sung có thể là 1 triệu thùng/ngày, thêm vào mức cắt giảm hiện nay gồm 2 triệu thùng/ngày và mức tự nguyện cắt giảm 1,6 triệu thùng/ngày trong quyết định bất ngờ được đưa ra hồi tháng 4 và có hiệu lực từ tháng 5.

Quyết định này đã giúp tăng giá dầu thêm khoảng 9 USD/thùng lên hơn 87 USD nhưng giá dầu sau đó đã nhanh chóng giảm vì những lo ngại về kinh tế toàn cầu và nhu cầu dầu mỏ toàn cầu.

Nếu mức cắt giảm mới được thông qua, tổng sản lượng cắt giảm sẽ là 4,66 triệu thùng/ngày, khoảng 4,5% nhu cầu thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục