Cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chi phối các thị trường châu Á

Chiều 30/1, giá vàng dao động trong biên độ hẹp, chứng khoán diễn biến trái chiều khi các nhà đầu tư chờ đợi quyết định lãi suất của Fed trong khi giá dầu tăng do lo ngại căng thẳng ở Trung Đông.
Trang sức vàng được trưng bày tại triển lãm ở Cairo (Ai Cập). (Ảnh: THX/TTXVN)

Các thị trường hàng hóa châu Á diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch chiều 30/1 khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu cuộc họp hai ngày (30-31/1).

Giá vàng dao động trong biên độ hẹp

Giá vàng dao động trong biên độ hẹp trong phiên giao dịch chiều 30/1 khi các nhà đầu tư chờ đợi quyết định về lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và bình luận từ Chủ tịch Fed Jerome Powell sau cuộc họp thường kỳ kết thúc vào 31/1.

Giá vàng giao ngay vững ở mức 2.034,67 USD/ounce. Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn tăng 0,4% lên 2.033,50 USD/ounce.

Chuyên gia Ajay Kedia của Kedia Commodities tại Mumbai cho biết các nhà giao dịch đang chờ đợi Fed công bố triển vọng chính sách lãi suất và Mỹ công bố số liệu việc làm quan trọng trong tuần này đang củng cố giá vàng, nhưng giá vàng dự đoán sẽ tăng nhẹ do căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông.

Một cuộc thăm dò các chuyên gia của hãng tin Reuters vừa cho thấy bất ổn kinh tế và việc Mỹ cắt giảm lãi suất có thể đẩy giá vàng lên mức kỷ lục trong năm 2024.

Chỉ số đồng USD giảm 0,1% khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với những người nắm giữ các đồng tiền khác.

Lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ ở mức mức thấp nhất trong hai tuần là 4,0430%.

Tại Việt Nam, vào cuối phiên 30/1, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 74,90 triệu đồng đến 77,42 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).

Giá dầu tăng do lo ngại căng thẳng ở Trung Đông

Giá dầu tăng trong phiên giao dịch chiều 30/1 sau khi đã giảm hơn 1% trong phiên trước đó do căng thẳng địa chính trị leo thang tại khu vực Trung Đông làm dấy lên lo ngại về nguồn cung.

Giá dầu thô Brent giao kỳ hạn tăng 7 xu Mỹ (0,07%) lên 82,46 USD/thùng vào lúc 14h34 (giờ Việt Nam). Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 15 xu Mỹ (0,31%) lên 76,93 USD/thùng.

Một giàn khoan dầu tại thị trấn al-Qahtaniyah, tỉnh Hasakah (Syria). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhà phân tích Vivek Dhar của Commonwealth Bank of Australia nhận định rằng nếu căng thẳng Mỹ-Iran leo thang thì nguy cơ bất ổn sẽ gia tăng do nguồn cung dầu mỏ của Iran bị ảnh hưởng.

Ông Dhar cho biết thêm Iran đã xuất khẩu 1,2-1,6 triệu thùng dầu thô mỗi ngày trong hầu hết năm 2023, chiếm 1-1,5% nguồn cung dầu mỏ toàn cầu.

Còn chuyên gia Suvro Sarkar của DBS Bank dự kiến rằng nếu các lệnh trừng phạt Iran được áp dụng nghiêm ngặt hơn thì giá dầu sẽ dao động khoảng 80-100 USD/thùng trong một thời gian.

Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều

Thị trường châu Á biến động trái chiều trong phiên giao dịch chiều 30/1 khi các nhà giao dịch đang chú ý đến Fed công bố chính sách lãi suất trong cuộc họp tuần này.

Trong phiên này chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,1% lên 36.065,86 điểm, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 2,3% xuống 15.703,45 điểm, chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải cũng giảm 1,8% xuống 2.830,53 điểm.

Chỉ số Nikkei trên thị trường chứng khoán Tokyo (Nhật Bản). (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Thị trường Sydney, Singapore, Bangkok và Jakarta tăng điểm, trong khi Seoul, Manila và Mumbai đều giảm.

Hãng đánh giá tín nhiệm Moody's Investor Service cảnh báo quyết định thanh lý tài sản đối với Evergrande, nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới của Trung Quốc, do một tòa án ở Hong Kong (Trung Quốc) đưa ra hôm 29/1 không chỉ tác động riêng lĩnh vực bất động sản mà lan sang cả nền kinh tế tổng thể, làm suy yếu tâm lý thị trường và nhà đầu tư vốn đã mong manh.

Tiếp theo cuộc họp của Fed các nhà đầu tư cũng đang chú ý đến báo cáo việc làm và thu nhập từ những "gã khổng lồ" công nghệ ở Phố Wall bao gồm Microsoft, công ty mẹ của Google là Alphabet, Apple và công ty mẹ của Facebook là Meta./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục