Ngày 1/4, trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Colombia với nhóm Quân đội Giải phóng Quốc gia (ELN) cho biết tiến trình hòa đàm lần này sẽ khác với phương thức đang tiến hành với Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) vì sẽ có sự tham gia của đại diện các tổ chức xã hội.
Phát biểu trong cuộc họp báo ở Phủ Tổng thống, trưởng đoàn đàm phán Frank Pearl cho biết các nạn nhân của cuộc nội chiến sẽ là vấn đề được ưu tiên trong đàm phán tương tự cuộc hòa đàm với FARC đang diễn ra tại thủ đô La Habana (Cuba) từ hơn 3 năm nay.
Ông cho biết đại diện các tổ chức xã hội sẽ tham gia hòa đàm với ELN, song, sẽ không được quyền đưa ra quyết định, đồng thời khẳng định quân đội vẫn sẽ tiếp tục đảm bảo an ninh cho người dân cho tới khi nào thỏa thuận hòa bình được ký kết.
Trước đó, ngày 30/3, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos thông báo chính phủ và ELN sẽ chính thức khởi động đàm phán nhằm đạt được một thỏa thuận hòa bình vĩnh viễn.
Ecuador sẽ là quốc gia trung gian nơi diễn ra hòa đàm. Lộ trình hòa đàm sẽ gồm 6 điểm, trong đó ưu tiên đàm phán quá trình tái hòa nhập cộng đồng của các thành viên tổ chức vũ trang này.
Cùng ngày, Tổng thống Ecuador Rafael Correa đánh giá cao quyết định tiến hành hòa đàm của chính phủ Colombia và ELN, đồng thời khẳng định thiện chí ủng hộ những nỗ lực vì hòa bình dài lâu của người dân nước láng giềng.
Trong khi đó, Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) cho rằng tiến trình hòa đàm giữa chính phủ Colombia với ELN là rất cần thiết để đất nước này có một nền hòa bình vĩnh viễn.
Bà Federica Mogherini, Cao ủy phụ trách chính sách Đối ngoại và An ninh Liên minh châu Âu (EU), đánh giá đây là một bước tiến quan trọng để tiến tới hòa bình tại quốc gia Nam Mỹ, đồng thời tái khẳng định cam kết đồng hành cùng chính phủ Colombia trong giai đoạn tái thiết đất nước.
Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha và Đức cũng ra thông cáo hoan nghênh thiện chí của chính phủ Colombia và ELN.
Chính phủ Colombia đã bắt đầu tiến hành các cuộc hòa đàm sơ bộ với ELN từ tháng 1/2014 với mục đích tiến tới chấm dứt xung đột vũ trang.
Được thành lập năm 1964, ELN hiện có khoảng 3.000 thành viên và là nhóm vũ trang lớn thứ 2 ở Colombia sau FARC.
Hồi đầu tháng Hai, Chính phủ Colombia cảnh báo ELN cần nhanh chóng xác định thời điểm bắt đầu hòa đàm trước khi trở nên quá muộn. Trước đó, chính phủ Colombia cũng đã tiến hành hòa đàm với FARC tại Cuba.
Trong suốt hơn 3 năm qua, các cuộc thương thuyết giữa Chính phủ Colombia và FARC đã trải qua nhiều bước thăng trầm, tuy nhiên cả hai bên đều khẳng định thiện chí chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hơn 50 năm qua.
Các cuộc xung đột vũ trang đã cướp đi sinh mạng của khoảng 260.000 người Colombia và khiến hàng triệu người mất nhà cửa từ năm 1964./.