Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Hàn: Quan hệ đồng minh 'căng buồm' trở lại

Đây là cuộc gặp thứ mười giữa Tổng thống Moon Jae-in với một người đồng cấp Mỹ và cũng là cuộc hội đàm đầu tiên với Tổng thống Joe Biden kể từ khi ông chủ Nhà Trắng nhậm chức.
Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Hàn: Quan hệ đồng minh 'căng buồm' trở lại ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in tại Nhà Trắng, Washington, ngày 21/5/2021. (Nguồn: YONHAP/TTXVN)

Nếu coi cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Hàn Quốc ngày 21/5 là “cơ hội vàng” để Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in làm rõ quan điểm thực sự của Washington đối với vấn đề bán đảo Triều Tiên và thúc đẩy “quan hệ đối tác vaccine,” thì có thể nói ông đã đạt được mục tiêu.

Việc hai nhà lãnh đạo Mỹ và Hàn Quốc cam kết hợp tác nhằm hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực sản xuất vaccine ngừa COVID-19 đã minh chứng rõ nét cho sự bền chặt và vững chắc của mối quan hệ đồng minh lịch sử lâu đời giữa hai nước.

Đây là cuộc gặp thứ mười giữa Tổng thống Moon Jae-in với một người đồng cấp Mỹ và cũng là cuộc hội đàm đầu tiên với Tổng thống Joe Biden kể từ khi ông chủ Nhà Trắng nhậm chức.

Ông Moon Jae-in cũng là nguyên thủ nước ngoài thứ hai thăm Nhà Trắng, sau Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide.

Điều này phản ánh ưu tiên của chính quyền Tổng thống Biden trong việc củng cố và “làm mới” các mối quan hệ liên minh của Mỹ ở Đông Bắc Á nói riêng và châu Á nói chung.

[Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in công du Mỹ: Phép thử liên minh]

Kể từ khi nắm quyền ông Biden đã phần nào xóa bỏ được sự rạn nứt của liên minh Mỹ-Hàn trong nhiều vấn đề để hai nhà lãnh đạo có thể “tái khởi động” mối quan hệ đồng minh gần 70 năm này.

Việc chính quyền Tổng thống Biden nỗ lực hoàn tất cuộc đàm phán về chia sẻ chi phí quốc phòng chỉ 46 ngày sau khi ông nhậm chức, không những đưa liên minh Hàn-Mỹ trở lại vị thế vững chắc và ổn định hơn, mà còn mở ra một chương mới của mối quan hệ, như đánh giá của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc.

Tại các cuộc hội đàm cấp cao sau đó, hai bên đều nhấn mạnh rằng quan hệ Mỹ và Hàn Quốc là mối quan hệ "vững chắc" bắt nguồn từ "tình hữu nghị, sự tin tưởng lẫn nhau và các giá trị chung" giữa hai nước.

Gần đây nhất, chuyến thăm của Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ Avril Haines tới Seoul được xem là một dấu hiệu tích cực cho sức mạnh của liên minh, vì việc một quan chức tình báo công khai chuyến công du quốc tế là điều khá hiếm.

Những chuyển động tích cực trong quan hệ Mỹ-Hàn thời gian qua đã “tạo đà” cho cuộc gặp thượng đỉnh này.

Trong cuộc họp báo chung sau hội đàm, Tổng thống Biden cho biết ông mong đợi tiếp tục các cuộc thảo luận trong tương lai với người đồng cấp Moon Jae-in, cũng như đưa mối quan hệ Mỹ-Hàn phát triển hơn nữa trong bối cảnh hai nước cùng đối mặt và giải quyết những thách thức mới.

Sự đồng lòng của hai nhà lãnh đạo đặc biệt được thể hiện qua việc tái khẳng định mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và tin tưởng chung đối với giải pháp ngoại giao dựa trên những cam kết trước đó trong thỏa thuận liên Triều và Mỹ-Triều, như Tuyên bố Panmunjom 2018 và Tuyên bố chung Singapore 2018.

Nhằm tập trung thúc đẩy ngoại giao với Triều Tiên và đẩy nhanh nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, Tổng thống Biden thông báo sẽ bổ nhiệm ông Sung Kim, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp và có kinh nghiệm về Triều Tiên, vào vị trí đặc phái viên về vấn đề Triều Tiên.

Vị trí này đã bị bỏ trống kể từ sau khi người tiền nhiệm là ông Stephen Biegun thôi giữ chức tháng Một vừa qua.

Quyết định này phần nào xua tan những đồn đoán rằng hồ sơ Triều Tiên đã trở thành vấn đề thứ yếu của chính quyền đương nhiệm và cũng là động thái mà Tổng thống Moon Jae-in hoan nghênh như một sự phản ánh “sự trở lại của nước Mỹ” trên trường quốc tế.

Đối với Hàn Quốc, đây được xem là tín hiệu tốt, tạo tiền đề nối lại các cuộc đàm phán trong tương lai và tái khởi động tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Việc đảm bảo “quan hệ đối tác vaccine” với Washington cũng được xem là một “thước đo thành công” cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Hàn lần này.

Việc hai nhà lãnh đạo nhất trí về một thỏa thuận quan hệ đối tác toàn diện nhằm tăng cường sản xuất vaccine và tạo nguồn cung vaccine ngừa COVID-19 toàn cầu được xem là “món quà ý nghĩa” đối với Tổng thống Moon Jae-in, khi Hàn Quốc đang nỗ lực đạt được miễn dịch cộng đồng vào tháng 11 tới.

Tổng thống Biden đã cam kết hỗ trợ trực tiếp vaccine COVID-19 cho Hàn Quốc trên phương diện đồng minh, trong đó có việc cung cấp vaccine cho 550.000 binh sỹ Hàn Quốc làm việc cùng các lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc.

Thỏa thuận cũng đánh dấu sự mở rộng hợp tác của liên minh Mỹ-Hàn trên lĩnh vực y tế, trên cơ sở kết hợp giữa công nghệ tiên tiến và nguyên liệu thô của Mỹ với năng lực sản xuất công nghệ sinh học đứng thứ hai thế giới của Hàn Quốc.

Điểm đáng chú ý nữa là quyết định chung giữa Mỹ và Hàn Quốc nhằm chấm dứt Hướng dẫn phát triển tên lửa đạn đạo song phương mà lâu nay vốn hạn chế việc phát triển tên lửa của Seoul.

Hướng dẫn này được thiết lập vnăm 1979, với nội dung hạn chế về tầm bắn tối đa và trọng lượng đầu đạn tên lửa của Hàn Quốc, mức độ hạn chế đã được giảm nhẹ dần qua 4 lần sửa đổi.

Việc chấm dứt hướng dẫn này có nghĩa là Washington dỡ bỏ hạn chế về tầm bắn tối đa và trọng lượng đầu đạn, đồng nghĩa với việc Seoul đã đạt được chủ quyền về tên lửa sau 42 năm.

Tổng thống Moon Jae-in coi đây là một biện pháp "mang tính biểu tượng và thực chất" thể hiện sự vững mạnh của mối quan hệ đồng minh giữa hai nước, cùng với thỏa thuận về chia sẻ chi phí để duy trì sự hiện diện của quân đội Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc.

Có thể nói, những kết quả thu được trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Hàn càng tô đậm thêm mối quan hệ khắng khít, “không thể tách rời” giữa hai đồng minh truyền thống. Điều này giúp củng cố sự phối hợp chặt chẽ giữa hai đồng minh trong việc giải quyết những thách thức chung và toàn cầu, đặc biệt là “giải bài toán hóc búa” phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.

Giới phân tích cũng nhận định việc đưa Thỏa thuận Singapore, vốn đạt được giữa cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi năm 2018, vào tuyên bố chung Mỹ-Hàn phù hợp với kỳ vọng của Hàn Quốc.

Đây được hiểu là một nỗ lực để chính quyền Tổng thống Biden xây dựng chính sách đối với Triều Tiên dựa trên tuyên bố bao gồm việc thiết lập mối quan hệ mới giữa Washington và Bình Nhưỡng, một nền hòa bình lâu dài và ổn định trên bán đảo Triều Tiên và việc phi hạt nhân hóa bán đảo này.

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Hàn: Quan hệ đồng minh 'căng buồm' trở lại ảnh 2Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tham dự cuộc họp báo chung sau cuộc gặp ở Washington, DC, Mỹ, ngày 21/5/2021. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ông Hong Min, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu thống nhất quốc gia Hàn Quốc, nhận định: “Tuyên bố Singapore là thỏa thuận toàn diện và tiên tiến nhất được nguyên thủ Mỹ và Triều Tiên ký kết….Xây dựng lại mối quan hệ Mỹ-Triều trên cơ sở thỏa thuận này dường như là cách nhanh nhất để hướng tới một bầu không khí hòa bình."

Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để kỳ vọng vào một cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều và khả năng Triều Tiên trở lại bàn đàm phán.

Tổng thống Biden cũng nhấn mạnh sẽ chỉ gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng đưa ra được cam kết về phi hạt nhân hóa.

Do vậy, các chuyên gia cho rằng triển vọng về một cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều khá mờ nhạt bởi cả Washington và Bình Nhưỡng đều tuyên bố sẽ có hành động đáp trả phù hợp với các động thái của mỗi bên mà không đưa ra bất kỳ sự nhượng bộ nào.

Theo chuyên gia Hong Min: “Qua các phát biểu từ Washington về chính sách đối với Triều Tiên, không có điều khoản, từ ngữ hay nội dung nào khiến Bình Nhưỡng hài lòng. Washington chỉ nói rằng họ sẽ thực hiện các bước ngoại giao, điều vốn khác xa so với những gì Bình Nhưỡng đã yêu cầu.”

Việc Triều Tiên và Mỹ đều giữ quan điểm sẽ chờ đợi sự nhượng bộ trước từ đối phương có thể tạo bầu không khí căng thẳng, đe dọa triển vọng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Điều này khiến nhiệm vụ của chính quyền Tổng thống Moon Jae-in, là vừa phải đóng vai trò cầu nối giữa Mỹ và Triều Tiên, vừa tìm cách thuyết phục Washington đi đầu trong việc đưa ra các biện pháp hòa giải trước, càng khó khăn.

Tuy vậy, đối với Tổng thống Hàn Quốc, chuyến thăm đã trở thành lực đẩy khiến mối quan hệ đồng minh chiến lược với Mỹ “căng buồm trở lại.”

Kết quả này sẽ giúp Tổng thống Moon Jae-in cải thiện tỷ lệ ủng hộ hiện đã rơi xuống mất thấp kỷ lục trong nhiệm kỳ, củng cố những “di sản” của ông để tạo thuận lợi cho ứng cử viên của đảng Dân chủ cầm quyền ra tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc năm 2022./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục