Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều khởi động việc chấm dứt đối đầu

Chuyên gia Mỹ nhận định cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều có khả năng bắt đầu tiến trình chấm dứt sự đối đầu hiện nay chứ không phải là điểm kết thúc của tiến trình này.
Binh sỹ Hàn Quốc gác tại khu vực phi quân sự ở làng đình chiến Panmunjom giữa hai miền Triều Tiên ngày 11/4. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo Tân hoa xã, các chuyên gia Mỹ nhận định, cuộc gặp sắp tới giữa Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có khả năng bắt đầu tiến trình chấm dứt sự đối đầu hiện nay, chứ không phải là điểm kết thúc của tiến trình này.

Một đà thúc đẩy tích cực quanh bán đảo Triều Tiên đã được hình thành trong những tháng gần đây trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều dự kiến diễn ra vào ngày 27/4 tại làng đình chiến Panmunjom.

Giới phân tích cho rằng thiện ý liên Triều nói trên là kết quả hoạt động ngoại giao liên Triều thông qua Thế vận hội mùa Đông PyeongChang 2018 và việc Bình Nhưỡng tuyên bố phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đã giúp cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc trở nên khả thi.

[Hàn Quốc công bố chi tiết kế hoạch cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều]

Tuyên bố hôm 21/4 của Bình Nhưỡng ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa tầm xa cùng với những nỗ lực tạo sự tin tưởng tốt đẹp trong thời gian gần đây đã loại bỏ những rào cản tiềm ẩn để đi đến đối thoại và tăng cường hơn nữa sự tin tưởng lẫn nhau.

Phát biểu với Tân Hoa xã, ông Dan Mahaffee, quan chức cấp cao Trung tâm nghiên cứu của Phủ Tổng thống và Quốc hội Mỹ, cho rằng đà thúc đẩy mà lãnh đạo Hàn-Triều đã tạo dựng thông qua Thế vận hội mùa Đông PyeongChang 2018 đã làm giảm bớt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và dẫn đến cuộc đối thoại thượng đỉnh này.

Ông Troy Stangarone, Giám đốc cấp cao Viện Kinh tế Hàn Quốc - viện nghiên cứu chính sách phi lợi nhuận đặt tại Washington, cho hay nhiều người tin rằng các nước liên quan như Trung Quốc "tạo ra môi trường cần thiết cho cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều."

Nhà khoa học chính trị cấp cao Michael J. Mazarr thuộc tập đoàn U.S. RAND cho rằng, yếu tố hàng đầu khiến cuộc gặp liên Triều trở nên khả thi là nhà lãnh đạo Kim "rõ ràng mong muốn cải thiện quan hệ với khu vực và có thể cả với Mỹ, do đó cũng như với Hàn Quốc."

Tuy nhiên, ông Mazarr nêu rõ: "Theo phán đoán của tôi, chiến dịch gây sức ép tối đa có thể đã tác động đến sự quyết định thời gian, song không làm thay đổi những điều cơ bản trong chiến lược của ông Kim."

Theo ông Mahaffee, các nỗ lực tiếp tục giảm căng thẳng và đảo chiều căng thẳng liên quan tới các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên là cần thiết để cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều được thành công.

Ông phân tích: "Cách thức hai ông Kim and Moon làm việc với nhau sẽ tạo tinh thần chung cơ bản hướng đến cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều, song điều đó cũng sẽ có nhiều yếu tố để xem xét." 

Ông Stangarone cho rằng, cuộc gặp Kim-Moon sắp tới là sự khởi đầu một tiến trình chứ không giải quyết các vấn đề". Ông phân tích: "Các lĩnh vực cấp bách nhất mà hai miền Triều Tiên phải bắt đầu thảo luận là về phi hạt nhân hóa và thiết lập hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên."

Ông cũng cho rằng, sự ảnh hưởng của cuộc gặp thượng đỉnh Kim-Moon đối với quan hệ liên Triều có thể lúc đầu "không dễ nhận thấy." Ông còn nói mục tiêu cấp thiết nhất của cuộc gặp thượng đỉnh Kim-Moon là sẽ tạo ra môi trường có lợi cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục