Cuộc gặp giữa ông Trump và bà Merkel chỉ dừng ở nghi lễ ngoại giao

Không nằm ngoài dự đoán của giới quan sát, cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Đức Angela Merkel​ tại thủ đô Washington D.C chỉ dừng ở mức nghi lễ ngoại giao.
Cuộc gặp giữa ông Trump và bà Merkel chỉ dừng ở nghi lễ ngoại giao ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) đã có cuộc hội đàm thượng đỉnh đầu tiên tại Nhà Trắng kể từ khi ông Trump trở thành Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Không nằm ngoài dự đoán của giới quan sát, cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Đức Angela Merkel​ tại thủ đô Washington D.C chỉ dừng ở mức nghi lễ ngoại giao.

Lãnh đạo hai cường quốc hàng đầu thế giới ở hai bờ Đại Tây Dương đã thể hiện sự tương đồng trong một số vấn đề, nhưng cũng không ngần ngại bày tỏ những quan điểm trái chiều về nhiều vấn đề “nóng” của thế giới như khủng hoảng di cư và liên quan tới lợi ích sát sườn của mỗi bên như đóng góp ngân sách cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)...​

Cuộc gặp cho thấy những bất đồng âm ỉ giữa hai đồng minh truyền thống, nhưng cũng khẳng định sự gắn kết không thể đảo ngược giữa hai đối tác lớn này.

Theo các nhà phân tích, quan hệ xuyên Đại Tây Dương vẫn sẽ được củng cố, nhưng có những điều chỉnh nhất định để phù hợp với chính sách của mỗi bên và tình hình thực tế của thế giới.

Trong cuộc hội đàm tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo đã đề cập về các vấn đề được coi là mấu chốt hiện nay trong quan hệ song phương nói riêng và giữa Mỹ với châu Âu nói chung, đó là hoạt động của NATO, ngân sách quốc phòng, tự do thương mại và cuộc khủng hoảng người di cư.

Trong vấn đề thương mại, ông chủ Nhà Trắng đã thẳng thắn chỉ trích những cáo buộc cho rằng chính sách kinh tế hiện nay của chính quyền Washington theo chủ nghĩa biệt lập và bày tỏ tin tưởng vào “những chính sách công bằng và đôi bên cùng có lợi” giữa Washington và Berlin.

Đáp lại, Thủ tướng Merkel thừa nhận "công bằng chỉ có được khi hai bên cùng có lợi từ các thỏa thuận đạt được" và hy vọng hai bên sẽ nhanh chóng nối lại các cuộc đàm phán về tự do thương mại xuyên Đại Tây Dương.

Trong vấn đề Ukraine, hai bên nhất trí thúc đẩy các giải pháp hòa bình cho tình hình căng thẳng tại miền Đông quốc gia Đông Âu này thông qua các cơ chế đàm phán đa phương hiện có song song với việc cải thiện quan hệ với Nga.

Tuy nhiên, sự khác biệt trong quan điểm của các bên về từng vấn đề là khá rõ, đặc biệt trong vấn đề NATO và người di cư. Tổng thống Trump khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ đối với NATO, song kiên định lập trường rằng các nước thành viên cần tăng ngân sách quốc phòng và đóng góp "một cách công bằng" cho sự tồn tại của tổ chức quân sự này.

Ông một lần nữa hối thúc Berlin tăng ngân sách quốc phòng hiện ở mức 1,2% lên mức 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trong vấn đề người di cư, Tổng thống Trump cho rằng "nhập cư là một đặc ân, không phải là quyền và sự an toàn cho người dân luôn được đặt lên hàng đầu," trong khi bà Merkel khẳng định phải giải quyết tình trạng người nhập cư, giúp đỡ, tiếp nhận người di cư và đương đầu với các mối đe dọa cực đoan.

Mỹ và Đức - đại diện hai bờ Đại Tây Dương - luôn theo đuổi nhất quán chủ trương củng cố quan hệ đối tác truyền thống. Thực tế đã chứng minh cả hai bên cùng được hưởng lợi từ mối quan hệ gắn kết này.

Các nhà lãnh đạo hai bên qua các thời kỳ đều thừa nhận rằng họ có những lợi ích chiến lược sâu sắc trong một châu Âu ổn định và an toàn cũng như một nước Mỹ hùng mạnh.

Vào những thời điểm thế giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức từ chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan, khủng hoảng di cư, những bất ổn về kinh tế… châu Âu và Mỹ đều cần có sự đồng thuận để san sẻ trách nhiệm và gánh nặng.

Đi một mình không phải là một lựa chọn cho cả châu Âu và Mỹ, nhất là vào thời điểm thế giới có nhiều biến động như hiện nay, đặc biệt là vấn đề an ninh. Vì thế, Mỹ và châu Âu cần có những điều chỉnh phù hợp để mối quan hệ này không bị tổn hại vì lợi ích của mỗi bên.

Giới phân tích nhận định không thể kỳ vọng nhiều từ cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo có xuất thân hoàn toàn khác nhau, sự nghiệp chính trị khác nhau và môi trường lãnh đạo khác nhau.

Cuộc gặp này có thể ví như “màn chào hỏi” hay “khúc dạo đầu” để hai bên thể hiện rõ hơn quan điểm của nhau về những vấn đề song phương, châu lục và quốc tế, từ đó tìm cách thu hẹp những bất đồng và khác biệt để thúc đẩy những vấn đề có thể hợp tác nhằm mang lại lợi ích chung./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục