Cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở tiểu bang Florida trong hai ngày 6-7/4 không chỉ là tâm điểm hoạt động chính trị-ngoại giao đối với Washington và Bắc Kinh, mà còn thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế.
Sự kiện này được đánh giá có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc xác lập và định hình lại tính chất quan hệ giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới trong nhiều năm tới.
Hơn 2 tháng sau thời điểm tỷ phú Donald Trump nhậm chức, trở thành chủ nhân thứ 45 của Nhà Trắng, mối quan hệ Mỹ-Trung đang có những thay đổi nhất định qua những thông điệp được phát đi từ cả Washington lẫn Bắc Kinh.
Tổng thống mới của nước Mỹ tỏ ra có quan điểm cứng rắn hơn người tiền nhiệm Barack Obama trong các vấn đề bất đồng với Trung Quốc, từ chính sách thương mại, tiền tệ đến việc Bắc Kinh tăng cường tiềm lực quân sự và đẩy nhanh hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông, cũng như phản ứng về chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Về phần mình, phía Bắc Kinh cho rằng hành động của Washington có xu hướng làm leo thang căng thẳng, đồng thời phản đối mạnh mẽ kế hoạch bố trí Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc.
Bởi vậy, giới quan sát nhận định hai nhà lãnh đạo sẽ có một cuộc gặp thượng đỉnh không êm ả, nếu không muốn nói là căng thẳng với nhiều nội dung quan trọng được đưa ra thảo luận.
Không khó để nhận thấy vấn đề chính sách thương mại và tiền tệ sẽ trở thành một trong những “điểm nóng nhất” tại cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước bởi ngay trước thềm chuyến công du của Chủ tịch Trung Quốc, Tổng thống Mỹ đã ký một loạt sắc lệnh liên quan đến vấn đề thương mại, cho phép tiến hành cuộc điều tra kéo dài 90 ngày về “sự lạm dụng thương mại,” tập trung vào 12 đối tác thương mại của nước này, trong đó có Trung Quốc, vốn được coi là nguồn gốc lớn nhất gây ra thâm hụt thương mại cho Mỹ.
Thái độ kiên quyết của ông chủ Nhà Trắng được thể hiện trong một tuyên bố đăng tải trên mạng xã hội Twitter ngày 3/4, theo đó cảnh báo rằng Washington sẽ không tiếp tục chấp nhận những khoản thâm hụt thương mại khổng lồ, lên tới 347 tỷ USD, và để mất nhiều việc làm vào tay Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Nhà Trắng cũng chỉ trích Bắc Kinh cố tình kiềm giá đồng Nhân dân tệ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc, qua đó tạo ra một môi trường cạnh tranh không lành mạnh.
Tuy vậy, Trung Quốc lại là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ và Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc với kim ngạch thương mại dịch vụ đã vượt trên mức 110 tỷ USD hồi năm ngoái và đầu tư hai chiều đạt 170 tỷ USD.
Kinh tế Trung Quốc và Mỹ đang chiếm 1/3 kinh tế toàn cầu. Rõ ràng, một mối quan hệ thương mại phát triển bền vững và mạnh mẽ giữa hai nước có ý nghĩa quan trọng đối với sự ổn định của kinh tế thế giới vốn đang trên đà phục hồi chậm.
Một "cuộc chiến thương mại" giữa hai nước hoàn toàn là "kịch bản" bất lợi cho cả Mỹ và Trung Quốc. Do đó, giới phân tích nhận định, tại cuộc gặp lần này, Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ khéo léo đề cập tới những bất đồng thương mại nhằm tránh làm “mất hòa khí” đôi bên.
Một vấn đề gai góc khác trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung là tình hình bán đảo Triều Tiên và an ninh tại Đông Bắc Á.
Tổng thống Trump đã không ít lần chỉ trích Bắc Kinh hành động chưa đủ cứng rắn nhằm gây sức ép buộc Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân và kiềm chế chương trình phát triển tên lửa.
Trong bối cảnh xuất hiện các thông tin cho rằng Bình Nhưỡng đang chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân tiếp theo, phía Mỹ để ngỏ khả năng có hành động mạnh tay hơn, ngay cả khi phải hành động đơn phương.
Thậm chí nhà lãnh đạo Mỹ còn phát đi thông điệp sẵn sàng “tự giải quyết vấn đề Triều Tiên” mà không cần sự hỗ trợ của Trung Quốc. Đây có lẽ là vấn đề hai bên khó tìm được tiếng nói chung bởi cả Washington và Bắc Kinh đều theo đuổi những mục tiêu khác nhau trong vấn đề Triều Tiên, song lãnh đạo Mỹ-Trung cũng hiểu rằng mọi biện pháp đơn phương nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên sẽ chỉ đẩy căng thẳng tới chỗ đối đầu.
Sự kiện Tổng thống Trump lên cầm quyền tại Mỹ từng dẫn tới hàng loạt đồn đoán về một tương lai ảm đạm cho quan hệ Mỹ-Trung.
Tuy nhiên, có vẻ những lợi ích song trùng giữa hai nước cũng đang buộc Washington và Bắc Kinh phải duy trì mối quan hệ mang tính xây dựng.
Hai tháng qua cũng chứng kiến không ít tín hiệu tích cực trong quan hệ giữa hai bên, đó là khi nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định tôn trọng chính sách "một Trung Quốc", đồng thời cam kết Washington sẽ nỗ lực tăng cường hợp tác cùng có lợi với Bắc Kinh.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng khẳng định rằng Bắc Kinh không muốn một cuộc chiến tranh thương mại với Washington và hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này nên duy trì ổn định các mối quan hệ bất chấp những bất đồng còn tồn tại.
Với vai trò là hai cường quốc có vai trò quan trọng hàng đầu thế giới, một mối quan hệ hợp tác song phương thực chất, tránh đối đầu, tránh xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc rõ ràng không chỉ đem lại lợi ích cho cả hai bên mà còn có lợi cho hòa bình, ổn định và sự thịnh vượng của khu vực và thế giới.
Cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình diễn ra khá sớm, thể hiện mong muốn của cả hai bên muốn thúc đẩy đối thoại để cải thiện lòng tin và nhanh chóng định hình lại mối quan hệ giữa hai nước sau khi nước Mỹ có lãnh đạo mới./.