Có thể nói, chưa bao giờ cuộc đua giành chức Chủ tịch WB lại trở nên nóng bỏng như hiện nay khi có tới ba ứng cử viên vào vị trí này gồm ông Jim Jong Kim, người đứng đầu Đại học Dartmouth (Mỹ); Bộ trưởng Tài chính Nigeria, Ngozi Okonjo-Iweala và cựu Bộ trưởng Tài chính Colombia, Jose Antonio Ocampo.
Dự kiến Ban giám đốc WB sẽ bổ nhiệm tân Chủ tịch WB, người kế nhiệm ông Robert Zoellick, vào ngày 20/4 tới.
Có một thông lệ "bất thành văn" luôn tồn tại lâu nay là Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) luôn là người Mỹ, còn người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì nhất định là người châu Âu.
Với vai trò ngày càng tăng của nhóm các nền kinh tế mới nổi trong việc thúc đẩy đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, đã đến lúc cần phá bỏ "trật tự" truyền thống tồn tại hàng thập kỷ, tạo điều kiện cho các ứng cử viên từ nhóm các nền kinh tế mới nổi có cơ hội lãnh đạo hai thể chế tài chính quốc tế quan trọng nhất thế giới này. Câu hỏi được đặt ra là liệu lúc này có phải là "cơ hội vàng" để thay đổi thông lệ nói trên hay chưa?
Được Tổng thống Mỹ Barack Obama chính thức đề cử, ông Jim Jong Kim là một sự lựa chọn đầy bất ngờ của Washington, bởi từ khi thành lập WB đến nay, người đứng đầu tổ chức này luôn là các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, doanh nhân hoặc chính trị gia, còn ông Kim lại là một chuyên gia về y tế.
Ông Jim Jong Kim sinh năm 1959 tại Seoul, Hàn Quốc. Lúc 5 tuổi, gia đình ông chuyển đến Mỹ. Ông từng giữ chức Giám đốc Chương trình HIV/AIDS của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Ông Kim đã dành hơn 20 năm công tác để hỗ trợ cải thiện điều kiện y tế tại các quốc gia đang phát triển trên khắp thế giới.
Với sự hậu thuẫn của Mỹ, ông Kim được coi là ứng cử viên có triển vọng nhất để trở thành Chủ tịch WB. Song, việc chọn một chuyên gia về sức khỏe cộng đồng cho một tổ chức chuyên về quản lý tài chính, hiện chú trọng tới các lĩnh vực như phát triển cơ sở hạ tầng và nông nghiệp như WB, không tránh khỏi gây ra những băn khoăn.
Tờ Bưu điện Washington dẫn lời chuyên gia Todd Moss, thuộc Trung tâm Phát triển toàn cầu, nhấn mạnh WB không còn giữ vai trò là nguồn tài chính cho các chương trình phòng chống HIV/AIDS và sốt rét trên thế giới mà hiện đang tập trung vào quản lý tài chính, đầu tư cơ sở hạ tầng và nông nghiệp.
Thêm vào đó, ông William Easterly, cựu kinh tế gia của WB và hiện là Giáo sư Đại học New York, cũng nhận thấy những nguy cơ tiềm ẩn của sự lựa chọn "khác thường" này.
Theo ông, Chủ tịch WB phải là người đưa ra các quyết định dựa trên sự định hướng của các chuyên gia kinh tế, phân chia nguồn quỹ có hạn và tập trung vào những nhu cầu thiết yếu nhất trên thế giới. Ông lo ngại rằng có rất nhiều các chuyên gia y tế cộng đồng, các bác sỹ có quan điểm ngược lại với cách tiếp cận đó.
Trong hai ứng viên còn lại là ông Ocampo, do Brazil đề cử và bà Ngozi Okonjo-Iweala, do một thành viên trong Ban giám đốc của WB đề cử, vị nữ Bộ trưởng Tài chính Nigeria được đánh giá là đối thủ nặng ký hơn.
Tạp chí The Economist cho rằng người đứng đầu WB, một thể chế phát triển hàng đầu thế giới, cần có kinh nghiệm trong việc điều hành, quản lý kinh tế và tài chính. Theo đó, bà Okonjo-Iweala mới là ứng cử viên phù hợp với vị trí Chủ tịch WB.
Là chuyên viên kinh tế tốt nghiệp loại ưu cử nhân kinh tế Trường Đại học Harvard năm 1977 và là tiến sỹ phát triển kinh tế vùng tại Học viện Kỹ thuật Massachussetts (MIT) năm 1981, bà từng làm giám đốc điều hành WB từ tháng 10-2007 đến tháng 7-2011 và ngồi ghế Phó Chủ tịch WB thời Chủ tịch James Wolfensohn tại vị.
Bà Okonjo-Iweala rời khỏi WB năm 2003 để về nước làm Bộ trưởng Tài chính và sau đó làm Ngoại trưởng theo yêu cầu của Tổng thống Nigeria Olusegun Obasanjo.
Trong hơn hai năm "nắm giữ hầu bao" của Nigeria, bà sa thải hàng loạt quan chức tham nhũng, tinh giản bộ máy chính quyền, trấn áp nạn lừa đảo trên mạng Internet, thậm chí còn chặn bớt được tệ nạn sĩ quan quân đội ăn cắp dầu thô...
Không chỉ có tài về điều hành và quản lý tài chính, tài ngoại giao của bà còn được minh chứng bằng đề nghị với G8 xóa nợ 60% cho Nigeria.
Tạp chí Times từng vinh danh bà là một trong những "người hùng" của thế giới. Còn Thủ tướng Anh Gordon Brown ca ngợi bà là "nhà cải cách tài ba."
Mới đây, trong một bức thư, 39 cựu giám đốc điều hành và nhà kinh tế cũng ủng hộ bà Okonjo-Iweala trở thành Chủ tịch WB. Họ kêu gọi ban giám đốc WB nên đưa ra quyết định dựa trên phẩm chất của các ứng cử viên, thay vì quốc tịch, đồng thời nhấn mạnh Bộ trưởng Tài chính Nigeria có thể đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn đối với một người đứng đầu WB.
Những người ký tên trong bức thư có Francois Bourguignon, người đã từng là nhà Kinh tế trưởng của WB trong giai đoạn từ năm 2003-2007; Barbara Kafka, một người Mỹ đã từng làm việc tại WB trong suốt 33 năm và cả Thống đốc Ngân hàng Trung ương Tuynidi, Mustapha Nabli.
Tuy nhiên, với vị thế là nước đóng góp nhiều nhất trong số 187 quốc gia thành viên của WB, Mỹ có quyền được chọn lãnh đạo cho tổ chức tài chính này thông qua sức mạnh lá phiếu của mình.
Cụ thể, các nước có sức nặng lá phiếu lớn nhất bao gồm Mỹ (15,85%), Nhật Bản (6,84%), Trung Quốc (4,42%), Đức (4%), Anh (3,75%) và Pháp (3,75%).
Theo quy định, để trở thành Chủ tịch WB, ứng cử viên phải nhận được từ 85% phiếu thuận. Bởi vậy, với tỷ lệ sức mạnh lá phiếu cộng thêm với sự hẫu thuẫn của châu Âu để ủng hộ luật bất thành văn đã nói ở trên, Mỹ hoàn toàn có quyền phủ quyết quyết định của tất cả các thành viên còn lại. Do đó, quyết định đề cử của Tổng thống Obama gần như là một sự bảo đảm ông Kim sẽ được Ban giám đốc của WB chỉ định làm Chủ tịch.
Hơn nữa, các chuyên gia nhận định Mỹ sẽ không "nhả" chức Chủ tịch WB một cách dễ dàng, nhất là khi Tổng thống Obama đang phải đối mặt với hàng loạt chỉ trích từ các nghị sĩ của đảng đối lập về sự thiếu quyết đoán trong những vấn đề lớn liên quan đến lợi ích của Mỹ.
Ứng viên do Mỹ đề xuất đắc cử cũng thể hiện sức mạnh Mỹ tại một trong những thể chế tài chính lớn nhất thế giới. Vì vậy, việc chọn một ứng viên Mỹ gốc Á, từng có nhiều hoạt động hỗ trợ các nước đang phát triển thật sự là một bước đi khôn ngoan của ông Obama khi vừa được lòng châu Âu, vừa được lòng các nước đang phát triển.
Dù vậy, với sự đóng góp ngày càng nhiều và vị thế ngày càng được khẳng định trên chính trường quốc tế, các quốc gia mới nổi đang dần đảo ngược thông lệ trong việc lựa chọn chức Chủ tịch WB.
Bằng chứng rõ ràng là trong cuộc đua vào vị trí người đứng đầu WB lần này, Mỹ phải đánh tiếng bằng tuyên bố sẵn sàng mở cánh cửa cho các ứng viên không mang quốc tịch Mỹ.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner cũng từng tuyên bố: "Mỹ đã và đang đóng vai trò tích cực trong công cuộc cải tổ IMF và WB nhằm gia tăng tiếng nói và quyền bỏ phiếu cho các nền kinh tế đang phát triển trong các thể chế tài chính quốc tế này. Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy tiến trình cải cách đó trong tương lai."
Với những bước tiến nói trên, nhiều người kỳ vọng, trong tương lai gần các nền kinh tế mới nổi sẽ có một vị thế cân bằng hơn so với các quốc gia phát triển trong những đợt bầu chọn những người lãnh đạo các tổ chức tài chính hàng đầu thế giới./.
Dự kiến Ban giám đốc WB sẽ bổ nhiệm tân Chủ tịch WB, người kế nhiệm ông Robert Zoellick, vào ngày 20/4 tới.
Có một thông lệ "bất thành văn" luôn tồn tại lâu nay là Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) luôn là người Mỹ, còn người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì nhất định là người châu Âu.
Với vai trò ngày càng tăng của nhóm các nền kinh tế mới nổi trong việc thúc đẩy đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, đã đến lúc cần phá bỏ "trật tự" truyền thống tồn tại hàng thập kỷ, tạo điều kiện cho các ứng cử viên từ nhóm các nền kinh tế mới nổi có cơ hội lãnh đạo hai thể chế tài chính quốc tế quan trọng nhất thế giới này. Câu hỏi được đặt ra là liệu lúc này có phải là "cơ hội vàng" để thay đổi thông lệ nói trên hay chưa?
Được Tổng thống Mỹ Barack Obama chính thức đề cử, ông Jim Jong Kim là một sự lựa chọn đầy bất ngờ của Washington, bởi từ khi thành lập WB đến nay, người đứng đầu tổ chức này luôn là các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, doanh nhân hoặc chính trị gia, còn ông Kim lại là một chuyên gia về y tế.
Ông Jim Jong Kim sinh năm 1959 tại Seoul, Hàn Quốc. Lúc 5 tuổi, gia đình ông chuyển đến Mỹ. Ông từng giữ chức Giám đốc Chương trình HIV/AIDS của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Ông Kim đã dành hơn 20 năm công tác để hỗ trợ cải thiện điều kiện y tế tại các quốc gia đang phát triển trên khắp thế giới.
Với sự hậu thuẫn của Mỹ, ông Kim được coi là ứng cử viên có triển vọng nhất để trở thành Chủ tịch WB. Song, việc chọn một chuyên gia về sức khỏe cộng đồng cho một tổ chức chuyên về quản lý tài chính, hiện chú trọng tới các lĩnh vực như phát triển cơ sở hạ tầng và nông nghiệp như WB, không tránh khỏi gây ra những băn khoăn.
Tờ Bưu điện Washington dẫn lời chuyên gia Todd Moss, thuộc Trung tâm Phát triển toàn cầu, nhấn mạnh WB không còn giữ vai trò là nguồn tài chính cho các chương trình phòng chống HIV/AIDS và sốt rét trên thế giới mà hiện đang tập trung vào quản lý tài chính, đầu tư cơ sở hạ tầng và nông nghiệp.
Thêm vào đó, ông William Easterly, cựu kinh tế gia của WB và hiện là Giáo sư Đại học New York, cũng nhận thấy những nguy cơ tiềm ẩn của sự lựa chọn "khác thường" này.
Theo ông, Chủ tịch WB phải là người đưa ra các quyết định dựa trên sự định hướng của các chuyên gia kinh tế, phân chia nguồn quỹ có hạn và tập trung vào những nhu cầu thiết yếu nhất trên thế giới. Ông lo ngại rằng có rất nhiều các chuyên gia y tế cộng đồng, các bác sỹ có quan điểm ngược lại với cách tiếp cận đó.
Trong hai ứng viên còn lại là ông Ocampo, do Brazil đề cử và bà Ngozi Okonjo-Iweala, do một thành viên trong Ban giám đốc của WB đề cử, vị nữ Bộ trưởng Tài chính Nigeria được đánh giá là đối thủ nặng ký hơn.
Tạp chí The Economist cho rằng người đứng đầu WB, một thể chế phát triển hàng đầu thế giới, cần có kinh nghiệm trong việc điều hành, quản lý kinh tế và tài chính. Theo đó, bà Okonjo-Iweala mới là ứng cử viên phù hợp với vị trí Chủ tịch WB.
Là chuyên viên kinh tế tốt nghiệp loại ưu cử nhân kinh tế Trường Đại học Harvard năm 1977 và là tiến sỹ phát triển kinh tế vùng tại Học viện Kỹ thuật Massachussetts (MIT) năm 1981, bà từng làm giám đốc điều hành WB từ tháng 10-2007 đến tháng 7-2011 và ngồi ghế Phó Chủ tịch WB thời Chủ tịch James Wolfensohn tại vị.
Bà Okonjo-Iweala rời khỏi WB năm 2003 để về nước làm Bộ trưởng Tài chính và sau đó làm Ngoại trưởng theo yêu cầu của Tổng thống Nigeria Olusegun Obasanjo.
Trong hơn hai năm "nắm giữ hầu bao" của Nigeria, bà sa thải hàng loạt quan chức tham nhũng, tinh giản bộ máy chính quyền, trấn áp nạn lừa đảo trên mạng Internet, thậm chí còn chặn bớt được tệ nạn sĩ quan quân đội ăn cắp dầu thô...
Không chỉ có tài về điều hành và quản lý tài chính, tài ngoại giao của bà còn được minh chứng bằng đề nghị với G8 xóa nợ 60% cho Nigeria.
Tạp chí Times từng vinh danh bà là một trong những "người hùng" của thế giới. Còn Thủ tướng Anh Gordon Brown ca ngợi bà là "nhà cải cách tài ba."
Mới đây, trong một bức thư, 39 cựu giám đốc điều hành và nhà kinh tế cũng ủng hộ bà Okonjo-Iweala trở thành Chủ tịch WB. Họ kêu gọi ban giám đốc WB nên đưa ra quyết định dựa trên phẩm chất của các ứng cử viên, thay vì quốc tịch, đồng thời nhấn mạnh Bộ trưởng Tài chính Nigeria có thể đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn đối với một người đứng đầu WB.
Những người ký tên trong bức thư có Francois Bourguignon, người đã từng là nhà Kinh tế trưởng của WB trong giai đoạn từ năm 2003-2007; Barbara Kafka, một người Mỹ đã từng làm việc tại WB trong suốt 33 năm và cả Thống đốc Ngân hàng Trung ương Tuynidi, Mustapha Nabli.
Tuy nhiên, với vị thế là nước đóng góp nhiều nhất trong số 187 quốc gia thành viên của WB, Mỹ có quyền được chọn lãnh đạo cho tổ chức tài chính này thông qua sức mạnh lá phiếu của mình.
Cụ thể, các nước có sức nặng lá phiếu lớn nhất bao gồm Mỹ (15,85%), Nhật Bản (6,84%), Trung Quốc (4,42%), Đức (4%), Anh (3,75%) và Pháp (3,75%).
Theo quy định, để trở thành Chủ tịch WB, ứng cử viên phải nhận được từ 85% phiếu thuận. Bởi vậy, với tỷ lệ sức mạnh lá phiếu cộng thêm với sự hẫu thuẫn của châu Âu để ủng hộ luật bất thành văn đã nói ở trên, Mỹ hoàn toàn có quyền phủ quyết quyết định của tất cả các thành viên còn lại. Do đó, quyết định đề cử của Tổng thống Obama gần như là một sự bảo đảm ông Kim sẽ được Ban giám đốc của WB chỉ định làm Chủ tịch.
Hơn nữa, các chuyên gia nhận định Mỹ sẽ không "nhả" chức Chủ tịch WB một cách dễ dàng, nhất là khi Tổng thống Obama đang phải đối mặt với hàng loạt chỉ trích từ các nghị sĩ của đảng đối lập về sự thiếu quyết đoán trong những vấn đề lớn liên quan đến lợi ích của Mỹ.
Ứng viên do Mỹ đề xuất đắc cử cũng thể hiện sức mạnh Mỹ tại một trong những thể chế tài chính lớn nhất thế giới. Vì vậy, việc chọn một ứng viên Mỹ gốc Á, từng có nhiều hoạt động hỗ trợ các nước đang phát triển thật sự là một bước đi khôn ngoan của ông Obama khi vừa được lòng châu Âu, vừa được lòng các nước đang phát triển.
Dù vậy, với sự đóng góp ngày càng nhiều và vị thế ngày càng được khẳng định trên chính trường quốc tế, các quốc gia mới nổi đang dần đảo ngược thông lệ trong việc lựa chọn chức Chủ tịch WB.
Bằng chứng rõ ràng là trong cuộc đua vào vị trí người đứng đầu WB lần này, Mỹ phải đánh tiếng bằng tuyên bố sẵn sàng mở cánh cửa cho các ứng viên không mang quốc tịch Mỹ.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner cũng từng tuyên bố: "Mỹ đã và đang đóng vai trò tích cực trong công cuộc cải tổ IMF và WB nhằm gia tăng tiếng nói và quyền bỏ phiếu cho các nền kinh tế đang phát triển trong các thể chế tài chính quốc tế này. Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy tiến trình cải cách đó trong tương lai."
Với những bước tiến nói trên, nhiều người kỳ vọng, trong tương lai gần các nền kinh tế mới nổi sẽ có một vị thế cân bằng hơn so với các quốc gia phát triển trong những đợt bầu chọn những người lãnh đạo các tổ chức tài chính hàng đầu thế giới./.
Trà My (TTXVN)