Nhu cầu đầu tư vào thị trường chứng khoán tăng cao khiến cuộc đua tăng vốn của các doanh nghiệp chứng khoán trở nên nóng hơn.
Việc tăng vốn này sẽ giúp các doanh nghiệp chứng khoán giải tỏa nhu cầu về vay margin của giới đầu tư, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh, cũng như giữ chân khách hàng.
Áp lực tăng vốn
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS), dư nợ cho vay margin của các công ty chứng khoán tăng đều kể từ năm 2020. Tốc độ tăng trưởng trung bình hằng quý trong năm 2020 và 2021 lần lượt là 15% và 19%.
Kết quả, dư nợ margin tính đến cuối năm 2021 ở mức cao nhất lịch sử, với xấp xỉ 170.000 tỷ đồng, tăng 98,7% so với cuối năm 2020.
Tại thời điểm cuối tháng 12/2021, tỷ lệ margin của 8/10 công ty có dư nợ margin lớn nhất đã chạm 150%. Vì vậy, các công ty chứng khoán tiếp tục lên kế hoạch phát hành cổ phiếu nhằm tăng vốn để có thể cải thiện năng lực cho vay margin.
Nguồn vốn được huy động từ thị trường thông qua việc phát hành cổ phiếu giúp các công ty chứng khoán vừa tăng được mức trần cho vay cũng như bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh.
Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT - VNDIRECT (mã chứng khoán: VND) đã đẩy mạnh hoạt động cho vay trong năm 2021 sau khi doanh nghiệp này tăng số dư margin và vốn chủ sở hữu lên lần lượt 265% và 157% so với năm 2020.
Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (mã chứng khoán: SSI) có vốn chủ sở hữu lớn nhất, cũng đã tăng 44% vốn chủ sở hữu và tăng 152% số dư nợ margin.
Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) nằm trong top đầu về cho vay margin từ quý 3/2019 đến quý 3/2020, đã không thể bắt kịp tốc độ tăng vốn của của SSI, do tỷ lệ margin đã đạt ngưỡng. Kết quả là tỷ lệ margin ở các công ty chứng khoán đang hướng đến mức trần 200%, tạo ra áp lực cho các công ty phải tăng vốn.
[Cầu bắt đáy, kìm đà rơi của VN-Index trước căng thẳng Nga-Ukraine]
Đáng chú ý, VNDIRECT là công ty tăng vốn mạnh nhất trong năm 2021 với mức tăng 160%, trong khi các công ty khác chỉ khoảng 80% trở xuống.
Theo KIS, việc tăng vốn đã trở thành chủ đề chính cho các công ty chứng khoán trong năm 2021 và cả 2022, nhằm giúp doanh nghiệp có thể cung cấp vốn cho hoạt động cho vay margin và nâng cấp hệ thống.
Cuộc chạy đua về tăng vốn tiếp tục được hâm nóng vào các tháng cuối năm 2021 với việc các công ty lần lượt công bố kế hoạch tăng vốn của họ trong năm 2022.
Doanh thu tăng trưởng nhờ margin
Theo KIS, hoạt động môi giới và cho vay giúp tăng trưởng doanh thu 2021 là năm kỷ lục đối với ngành chứng khoán khi toàn ngành thiết lập mức doanh thu mới.
Theo tổng hợp doanh thu của 25 công ty (chiếm 90% tổng doanh thu trong các năm 2019-2020) trong danh mục nghiên cứu của KIS, năm 2021, tổng doanh thu của các doanh nghiệp này đạt khoảng 60,5 nghìn tỷ đồng, tăng 109% so với năm 2020.
Song song với tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận sau thuế cũng tăng mạnh đạt 21.500 tỷ đồng, tăng 115% so với năm 2022. Biên lợi nhuận thuần của ngành được duy trì ở mức 40%.
Công ty cổ phần Chứng khoán VPS (VPS) ghi nhận doanh thu lớn nhất với 9. 500 tỷ đồng trong năm 2021, kế đến là SSI có doanh thu 4.700 tỷ đồng), VNDIRECT đạt 5. 800 tỷ đồng và Công ty cổ phần Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) có doanh thu 5.200 tỷ đồng.
KIS, VPS và VNDIRECT có tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong năm 2021, lần lượt là 239%, 149% và 150% so với năm 2020. Động lực thúc đẩy doanh thu chủ yếu dựa vào hoạt động môi giới, cho vay margin và FVTPL (tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ).
Doanh thu môi giới và cho vay margin tăng đáng kể từ năm 2020. Nguyên nhân chủ yếu cho sự phát triển vượt trội là nhờ vào sự hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam khi thu hút được số lượng lớn nhà đầu tư mới cũng như vốn đầu tư.
Thực tế, việc tăng vốn của các công ty chứng khoán không chỉ đáp ứng về nhu cầu vốn trong ngắn hạn, mà còn mang tầm nhìn dài hạn.
Về dài hạn, Bộ Tài chính hướng tới việc phát triển thị trường chứng khoán để cung cấp vốn trung và dài hạn cho các doanh nghiệp. Tái cấu trúc vận hành thị trường chứng khoán, nâng cấp hệ thống lõi, nghiên cứu nhằm cho ra đời các sản phẩm tài chính mới là những hoạt động đang được triển khai trong năm 2021.
Ngoài ra, các hoạt động giám sát và kiểm tra cũng được tăng cường nhằm đảm bảo môi trường hoạt động minh bạch. Mục tiêu gần nhất cho năm 2025 là vốn hóa thị trường chứng khoán đạt 85% GDP.
Chứng khoán KIS ước tính thanh khoản bình quân ngày trong quý 1/2022 duy trì ở mức 22.000-23.000 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, hoạt động môi giới và cho vay margin vẫn đóng vai trò chủ đạo trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận. Vì vậy, kết quả kinh doanh trong quý 1/2022 của các doanh nghiệp ngành chứng khoán được dự báo sẽ được đảm bảo tích cực./.